•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư theo Hiệp định CPTPP”

20/10/2020
Đề tài do TS. Nguyễn Thu Hương làm chủ nhiệm. Tọa đàm diễn ra ngày 16/10/2020 tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

Hiệp định CPTPP là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Đây là hiệp định về nguyên tắc thương mại giữa 11 quốc gia: Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore.

 

Mục tiêu tổng quát của đề tài là nghiên cứu những vấn đề pháp lý về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư theo Hiệp định CPTPP và gợi mở cho Việt Nam. Để thực hiện được việc này, đề tài đưa ra các mục tiêu cụ thể cần thực hiện, đó là:

- Làm rõ những vấn đề chung về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư;

- Nghiên cứu các nội dung về cơ chế giải quyết tranh chấp ICSID trong Hiệp định CPTPP;

- Phân tích thực trạng tranh chấp và giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước Việt Nam;

- Đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm giảm rủi ro bị kiện và nâng cao năng lực, hiệu quả giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP.

 

TS. Nguyễn Thu Hương (bên trái) và ThS. Phạm Hồng Nhật

 

Mở đầu là phần trình bày của TS. Nguyễn Thu Hương về khái quát giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư. Về khái niệm, đề tài cho biết, giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước (viết tắt là ISDS) là một điều khoản trong hiệp định thương mại quốc tế và hiệp định bảo hộ đầu tư quốc tế trao cho nhà đầu tư có quyền khởi kiện giải quyết tranh chấp với một chính phủ nước ngoài theo luật quốc tế.

 

Tiếp theo, tác giả chỉ ra cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp theo hai dạng: pháp luật nội dung và pháp luật hình thức. Theo đó, pháp luật nội dung là các điều khoản được quy định trong các hiệp định thương mại, hiệp định đầu tư song phương và đa phương. Trong phần này, TS. Nguyễn Thu Hương cũng phân tích đặc điểm tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước qua 4 yếu tố: (i) Về các bên tranh chấp; (ii) Về nội dung tranh chấp; (iii) Về phạm vi tranh chấp; (iv) Về phương thức giải quyết tranh chấp.

 

Sau đó, ThS. Phạm Hồng Nhật báo cáo tham luận về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư theo Hiệp định CPTPP. Nội dung này được quy định trong Chương 9 của Hiệp định CPTPP. Tham luận đã giới thiệu về phạm vi giải quyết tranh chấp; nguyên đơn, bị đơn; nguyên tắc giải quyết tranh chấp (đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc) và các phương thức giải quyết tranh chấp. Trong đó, có 3 phương thức chính để giải quyết tranh chấp, đó là: (i) Tham vấn, thương lượng; (ii) Trung gian, hòa giải; (iii) Trọng tài.

 

Đề tài cho rằng, Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp đạt hiệu quả cao nhất. Phán quyết của Trọng tài có giá trị bắt buộc đối với các bên. Phương thức này bao gồm 2 giai đoạn: tiền trọng tài (tham vấn, thương lượng) và tố tụng trọng tài. Hiệp định CPTPP quy định giới hạn về thời gian không đưa vụ việc ra giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài là 3 năm 2 tháng kể từ khi có tranh chấp xảy ra. Tác giả cũng phân tích, lý giải về các vấn đề như: quyết định lựa chọn Trọng tài; phán quyết của Tòa trọng tài (thế nào được coi là phán quyết cuối cùng);…

 

Toàn cảnh tọa đàm

 

Trong tham luận cuối, tọa đàm đã lắng nghe TS. Nguyễn Thu Hương trình bày về giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định CPTPP.

Bình luận tại tọa đàm, TS. Nguyễn Linh Giang cho rằng, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực thì khả năng Việt Nam sẽ bị kiện nhiều hơn. Như vậy, Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì. Vì thế, nội dung của đề tài cần đưa ra những dự báo, cảnh báo khi Việt Nam thực thi Hiệp định này. TS. Linh Giang nêu ra 2 vấn đề chính mà Việt Nam gặp phải:

  • Có thể bị kiện sớm, ngay từ khi làm thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ: tình trạng làm thủ tục chậm ảnh hưởng đến nhà đầu tư thể hiện sự đối xử không công bằng.
  • Phân cấp cho địa phương nhưng nhiều nơi triển khai ẩu, không đúng quy định.

Trao đổi với đề tài, theo ThS. Nguyễn Thu Dung, Việt Nam cần có các biện pháp để quản trị rủi ro, một thuật ngữ trong kinh doanh. Đây là biện pháp để phòng ngừa những nguy cơ phát sinh tranh chấp.

 

Lý giải về nguyên nhân xảy ra các tranh chấp, TS. Nguyễn Thu Hương cho rằng, phần lớn là do việc thực thi trên thực tế các nguyên tắc giải quyết tranh chấp không đúng. Tuy quy định của nguyên tắc giải quyết tranh chấp thì đầy đủ nhưng việc thực hiện các quy định lại không tốt.