•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Chưa nên quy định tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài

10/01/2017
Chiều 9.1, tiếp tục Phiên họp thứ 6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý ngoại thương.

Trình bày Báo cáo một số vấn lớn xin ý kiến UBTVQH về dự án Luật Quản lý ngoại thương, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với việc không đưa dịch vụ vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, vì nếu quy định cả về dịch vụ sẽ gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý của Nhà nước. Cũng tại Kỳ họp thứ 2, một số ĐBQH đề nghị phạm vi điều chỉnh chỉ nên quy định việc giải quyết tranh chấp về biện pháp quản lý ngoại thương, vì nếu quy định bao gồm giải quyết tranh chấp trong các hoạt động ngoại thương hàng hóa sẽ rất rộng. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu và thể hiện theo hướng quy định giải quyết tranh chấp về áp dụng các biện pháp quản lý ngoại thương tại Điều 1; đồng thời, chỉnh lý tên Chương VII tương ứng phù hợp với tranh chấp phát sinh thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Đa số ủy viên UBTVQH nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chỉ quy định về các biện pháp quản lý, phát triển ngoại thương hàng hóa; đối với loại hình quản lý dịch vụ thì sẽ triển khai theo giai đoạn.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

 

Một trong những nội dung được UBTVQH quan tâm là phát triển ngoại thương thông qua xúc tiến thương mại (Điều 108) và thông qua hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài (Điều 109). Đây là nội dung các ĐBQH còn ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng không quy định tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong dự thảo Luật; loại ý kiến thứ hai đề nghị cần thiết quy định về tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài như trong dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Kinh tế ủng hộ việc quy định tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong dự thảo Luật, bởi hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc thành lập và hoạt động của các tổ chức này; đồng thời, đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tiễn cũng cho thấy, tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài bước đầu đóng góp cho sự phát triển hoạt động ngoại thương.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu

 

Tuy nhiên, cho ý kiến về nội dung này, đa số thành viên UBTVQH cho rằng, ở thời điểm hiện tại chưa nên quy định trong luật về tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, hiện nay nước ta đã có tham tán thương mại, được điều chỉnh bởi Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời có các Đại sứ đại diện cho Việt Nam ở nước ngoài trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, văn hóa... Do đó, trước hết cần tiếp tục phát huy vai trò của các hoạt động xúc tiến thương mại như hiện nay, đồng thời, có nghiên cứu, tổng kết đầy đủ về hiệu quả của các hoạt động này, từ đó đưa ra đánh giá, kiến nghị cụ thể. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, đây là luật về quản lý nhà nước, nếu đưa nội dung về tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài sẽ phức tạp.

 

Ở góc độ khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu thực tế, trước đây nước ta có tổ chức tham tán thương mại tại các nước, một số nơi có thêm văn phòng, hoặc trung tâm xúc tiến thương mại... Về hoạt động, bên cạnh những nơi hoạt động hiệu quả cũng có một số tổ chức chưa thật sự hiệu quả. Hơn thế, hoạt động của những tổ chức này chưa được tổng kết, nên chưa có cơ sở vững chắc để đánh giá xem đã nên luật hóa chưa. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không nên “khép lại” mà phải có điểm mở đối với hoạt động xúc tiến thương mại, theo đó Nhà nước cần khuyến khích các hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế thành lập, hoặc tham gia tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài.

 

(Theo http://daibieunhandan.vn)