•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Giới thiệu sách “Tổ chức quyền lực nhà nước ở địa phương trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

24/02/2020


Năm xuất bản: 2019

Số trang: 314

Cuốn sách “Tổ chức quyền lực nhà nước ở địa phương trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” do PGS.TS. Vũ Thư (Chủ biên) và tập thể tác giả biên soạn, đã được Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 2019.

 

Nội dung cuốn sách là một phần kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp Bộ do Viện Nhà nước và Pháp luật chủ trì, PGS.TS. Vũ Thư là Chủ nhiệm.

 

Trong một quốc gia, quyền lực nhà nước (QLNN) được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, với sự thiết lập chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trên các đơn vị hành chính – lãnh thổ. Nhờ đó, ý chí của các giai tầng xã hội, của nhân dân với tư cách chủ nhân của quyền lực nhà nước được thực thi khắp lãnh thổ quốc gia trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng… của đời sống xã hội. Lý luận về Nhà nước pháp quyền nhìn nhận QLNN không chỉ theo chiều ngang giữa các cơ quan nắm giữ các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp mà còn theo chiều dọc trong quan hệ giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. Trong các nhà nước hiện đại, tổ chức QLNN ở địa phương đi theo hướng phân quyền, phân cấp hợp lý, vừa thể hiện được tính phổ quát, vừa phản ánh được tính đặc thù quốc gia; đồng thời, quyền lực được thực thi với các đặc tính về dân chủ, minh bạch, có trách nhiệm, pháp quyền, hiệu quả,…

 

Ở nước ta, chỉ ít tháng sau khi cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước đã ban hành các sắc lệnh về tổ chức chính quyền địa phương để thực hiện QLNN ở địa phương trên cả nước. Đó là Sắc lệnh số 63-SL ngày 23/11/1945 và Sắc lệnh số 77-SL ngày 21/12/1945 quy định về bầu cử và xác định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Các sắc lênh đã xác lập hai thiết chế thực hiện QLNN ở địa phương được duy trì cho đến nay là Hội đồng nhân dân (HĐND) – cơ quan dân cử và Ủy ban hành chính (Ủy ban nhân dân hoặc tên gọi khác) – cơ quan chấp hành – hành chính. Cùng với sự phát triển lịch sử - xã hội, tổ chức QLNN ở địa phương đã nhiều lần được thay đổi thích ứng với từng bối cảnh cụ thể.

 

Hiện nay, tổ chức QLNN ở địa phương được xác lập trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 và các văn bản pháp luật liên quan khác. Trong các văn bản đó, tổ chức QLNN ở địa phương đã được các nhà làm luật kế thừa và phát triển các quy định pháp luật trước đó trong các điều kiện mới. Tuy nhiên, việc Luật Tổ chức chính quyền địa phương tiếp tục được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV để sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp thứ bảy năm 2019 cho thấy, tổ chức QLNN ở địa phương vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét.

 

Cuốn sách này góp phần làm rõ vấn đề tổ chức QLNN ở địa phương nước ta, từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới, hoàn thiện việc tổ chức quyền lực nhà nước liên quan đến tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Đây là góc nhìn mới nhưng cũng là vấn đề hết sức phức tạp. Mặc dù tập thể các tác giả đã cố gắng thực hiện mục đích đó nhưng không tránh khỏi những sai sót.

 

Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc.