•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân bị thiệt hại

07/09/2016
Ngày 6 - 7.9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật tiến hành phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ: dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); dự án Nghị quyết của UBTVQH quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của QH, UBTVQH, Chủ tịch Nước; dự án Nghị quyết của UBTVQH ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của QH, UBTVQH và Đoàn ĐBQH.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì Phiên họp.

 

Không thể hạn chế quyền được bồi thường

Tờ trình dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) nêu rõ, mục tiêu của việc sửa đổi lần này là nhằm hoàn thiện cơ bản khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng bộ và thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời, thiết lập một cơ chế pháp lý minh bạch và khả thi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

 

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nêu rõ, dự thảo Luật có 9 điểm mới cơ bản. Đặc biệt, quy định về thời hạn giải quyết bồi thường tại cơ quan giải quyết bồi thường sẽ giảm từ 125 ngày theo luật hiện hành xuống chỉ còn 50 ngày; cơ quan có trách nhiệm giải quyết việc bồi thường được thu gọn một bước, từ 28.000 cơ quan theo luật hiện hành xuống còn khoảng 2.800 cơ quan…

 

Tuy nhiên, các đại biểu tham dự cho rằng, các điểm mới này và mục tiêu, tinh thần xây dựng luật lại chưa được thể hiện rõ trong các điều khoản cụ thể của dự thảo luật. Ví dụ, quy định liên quan đến cơ chế giải quyết bồi thường chưa thể hiện được quan điểm tôn trọng thỏa thuận, thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường với người bị thiệt hại. Hay trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường chưa đáp ứng được quan điểm cải cách mạnh mẽ theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn các bước và thời gian giải quyết. Một số ý kiến không tán thành việc dự thảo Luật thu hẹp phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Việc hạn chế bồi thường trong 3 lĩnh vực, đồng thời lại không có điều khoản mở nào sẽ khó bao quát, dẫn đến cách hiểu chỉ những trường hợp quy định trong luật mới được giải quyết bồi thường. Điều này sẽ làm hạn chế quyền và lợi ích chính đáng của công dân, làm giảm uy tín của nhà nước.

 

Mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý cần tính đến nguồn lực thực hiện

Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) gồm 8 chương, 49 điều. Điểm mới của dự thảo luật lần này đã bổ sung một số đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý, thật sự có nhu cầu trợ giúp pháp lý cho phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước, điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên bao gồm: người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực trên cơ sở giới có hoàn cảnh khó khăn. Dự thảo Luật đã bổ sung cơ chế ký hợp đồng để lựa chọn các tổ chức và người tham gia trợ giúp pháp lý có khả năng cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý chất lượng, đồng thời là cơ sở để thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý. Dự thảo Luật không quy định tư cách cộng tác viên trợ giúp pháp lý như Luật năm 2006.

 

Tại Phiên họp, nhiều ý kiến tán thành với chủ trương mở rộng đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên cơ sở luật hóa các quy định hiện hành. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ lựa chọn bổ sung các đối tượng như người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân trong vụ việc mua bán người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị buộc tội… Nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy là không thống nhất với các Luật đã được Quốc hội ban hành gần đây. Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, việc mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý đến đâu cũng cần phải tính đến nguồn lực bảo đảm thực hiện. Theo ông Tùng, cần đánh giá nguồn lực tài chính từ Nhà nước và từ nguồn tài trợ để thực hiện trợ giúp pháp lý.  

 

(Theo http://daibieunhandan.vn)