•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi)

22/10/2015
Sáng 21/10, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Trình bày tờ trình về dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 14/06/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006. Qua 10 năm thực hiện, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành Luật.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định của Luật cũng bộc lộ tồn tại cần khắc phục, sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ, hoàn thiện trong hệ thống pháp luật và đáp ứng các yêu cầu của quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính, hội nhập quốc tế.

 

Việc sửa đổi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc phù hợp với tiến trình hội nhập; Đáp ứng yêu cầu cải cách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng minh bạch, đơn giản, tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại. Bổ sung các quy định về các biện pháp phòng vệ về thuế vào dự thảo Luật để bảo đảm giá trị pháp lý của các quy định này, phù hợp với thông lệ quốc tế.

 

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Luật Thuế xuất nhập khẩu để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật với các văn bản có liên quan đã được ban hành mới hoặc sửa đổi như Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan…; khắc phục các vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thời gian qua, nhất là đối với các quy định về: đối tượng chịu thuế; khung thuế suất; mức thuế suất; thời hạn nộp thuế và địa bàn, lĩnh vực cần được khuyến khích phát triển trên cơ sở thực hiện chính sách ưu đãi như miễn thuế, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

 

Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế xuất nhập khẩu lần này nhằm góp phần khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước; Góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất; đồng thời, khắc phục các vướng mắc phát sinh; Đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; Thúc đẩy cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cải thiện môi trường kinh doanh.

 

Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu gồm 22 Điều. Được bố cục thành 5 Chương. Những nội dung cụ thể của từng chương được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho công tác quản lý thuế trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

 

Trinh bày báo cáo Thẩm tra về dự án Luật thuế xuất nhập khẩu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Tài chính Ngân sách tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các luật chuyên ngành đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung và đáp ứng yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, thì việc sửa đổi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là cần thiết.

 

Về thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất (Điều 11), Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, hiện nay Việt Nam đã hội nhập sâu rộng trong nền kinh tế quốc tế, các quy định về thuế suất thuế nhập khẩu được thực hiện theo các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết, dự kiến trong vòng 10 năm tới mức độ tự do hóa thương mại sẽ đạt 97-98% số dòng thuế. Đồng thời, với danh mục hàng hóa xuất khẩu, thuế nhập khẩu là rất lớn (trên 10.400 dòng thuế) thì việc quy định ngay trong Luật về Danh mục và mức thuế suất là thiếu khả thi.

 

Do vậy, Ủy ban Tài chính ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ chỉ ban hành kèm theo Luật này, Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng (gồm 45 nhóm được chuyển từ Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất đối với từng nhóm hàng ban hành kèm theo Nghị quyết 710/2008/NQ-UBTVQH12).

 

Bên cạnh đó, để bảo đảm xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng ban hành kèm theo Luật này khi Chính phủ trình.

 

Về miễn thuế (Điều 16), dự thảo luật quy định tới 24 khoản thuộc các ngành, lĩnh vực đã được miễn thuế, Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản đồng tình với việc rà soát, bãi bỏ và bổ sung một số đối tượng được miễn thuế như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách thấy rằng, phạm vi miễn thuế như Dự thảo luật còn rộng. Do đó, đề nghị cần rà soát để đảm bảo phù hợp, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hải quan...).

 

Về hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới(khoản 3), theo quy định tại Điều 7 của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩuhiện hành, Chính phủ quy định việc áp dụng thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới phù hợp với từng thời kỳ.

 

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc thực hiện chính sách miễn thuế đối với cư dân biên giới đã qua 10 năm, hiện nay có nhiều bất cập, do đó cần thiết phải điểu chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, cần luật hóa các quy định về chính sách miễn, giảm đối với dân cư biên giới. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định của Dự thảo luật, các nội dung về miễn thuế đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới vẫn giao Chính phủ quy định cụ thể là chưa phù hợp. Do đó, đề nghị quy định cụ thể nội dung này ngay trong Luật.

(Theo Cổng TTĐT Quốc hội)