•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Rà soát, sửa đổi, ban hành bổ sung các văn bản chính sách, pháp luật đặc thù về môi trường không khí

23/12/2016
Sáng ngày 23/12/2016, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững môi trường sống vì sức khỏe cộng đồng: Từ nhận thức đến hành động.

Hội thảo đã tập trung thảo luận về những chính sách và cam kết của Việt Nam về vấn đề môi trường sống và sức khỏe cộng đồng; ý nghĩa của vệ sinh môi trường đối với sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước; vai trò của hệ thống chính trị và truyền thông với vấn đề sức khỏe môi trường; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sức khỏe cộng đồng.

 

Các đại biểu dự Hội thảo cho rằng, ô nhiễm môi trường sinh thái do hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra đã trở thành vấn đề nóng bỏng, bức xúc trong dư luận xã hội. Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, đe dọa trực tiếp đến sự phát tiển kinh tế - xã hội bền vững, sức khỏe, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai. Ô nhiễm môi trường có thể xuất phát từ sản xuất công nghiệp; các hoạt động làng nghề, do các bãi chôn lấp rác không hợp vệ sinh, do hoạt động phát triển thủy điện và khai thác khoáng sản sản xuất nông nghiệp… Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, đến hệ sinh thái tự nhiên và đẩy nhanh biến đổi khí hậu. Ngoài các mối đe đọa về sức khỏe của người dân, ô nhiễm môi trường còn gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Đó là thiệt hại về kinh tế do gia tăng bệnh tật, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và thiệt hại về kinh tế do chi phí cải thiện môi trường.

 

Trên cơ sở phân tích thực trạng và những tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường, các đại biểu cho rằng, để phát triển bền vững môi trường sống vì sức khỏe cộng đồng cần rà soát, sửa đổi, ban hành bổ sung các văn bản chính sách, pháp luật đặc thù về môi trường không khí; nghiên cứu xây dựng, ban hành Pháp lệnh về không khí sạch. Hoàn thiện tổ chức, phân công chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý môi trường không khí từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, khẳng định vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất quản lý nhà nước về môi trường không khí. Bên cạnh đó, cần xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, vấn đề xã hội hóa và sự tham gia của cộng đồng dân cư trong các quá trình triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường không khí. Xây dựng, trình Chính phủ và tổ chức thực hiện đúng tiến độ và đạt hiệu quả các chương trình, đề án quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường không khí thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương… Ngoài ra, tăng cường vai trò của các cơ quan truyền thông để nâng cao ý thức của mỗi người, của các cấp, các ngành về vấn đề bảo vệ môi trường sống vì sức khỏe cộng đồng.  

(Theo http://daibieunhandan.vn)