•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Bàn về các biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc thẩm quyền áp dụng của Trọng tài thương mại

10/06/2014
Một trong số các ưu điểm vượt trội và được đánh giá rất cao của Luật Trọng tài thương mại 2010 so với Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 là việc cho phép Hội đồng trọng tài cũng có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, kể từ khi Luật Trọng tài thương mại 2010 ra đời và chính thức có hiệu lực cho đến nay, gần như không có một quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nào được ban hành bởi Trọng tài thương mại[1] mà tuyệt đại đa số các vụ việc tranh chấp, nếu có nhu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đều vẫn phải nhờ Tòa án can thiệp ra quyết định như trước đây. Điều này cho thấy quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời do Hội đồng trọng tài ban hành còn khá nhiều hạn chế, bất cập và đặc biệt là xa rời thực tiễn áp dụng.

1. Dẫn nhập

Một trong số các ưu điểm vượt trội và được đánh giá rất cao của Luật Trọng tài thương mại 2010 so với Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 là việc cho phép Hội đồng trọng tài cũng có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, kể từ khi Luật Trọng tài thương mại 2010 ra đời và chính thức có hiệu lực cho đến nay, gần như không có một quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nào được ban hành bởi Trọng tài thương mại[1] mà tuyệt đại đa số các vụ việc tranh chấp, nếu có nhu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đều vẫn phải nhờ Tòa án can thiệp ra quyết định như trước đây. Điều này cho thấy quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời do Hội đồng trọng tài ban hành còn khá nhiều hạn chế, bất cập và đặc biệt là xa rời thực tiễn áp dụng.

2. Vừa thừa lại vừa thiếu

Theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật TTTM, các BPKCTT thuộc thẩm quyền áp dụng của Hội đồng trọng tài bao gồm 6 biện pháp sau: (i) Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; (ii) Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng Trọng tài; (iii) Kê biên tài sản đang tranh chấp; (iv) Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp; (v) Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên; và (vi) Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp. Quy định như vậy, theo tác giả, là vừa thừa lại vừa thiếu. "Thừa" là bởi vì trong số đó có những biện pháp mà thực tế cho thấy nếu có được áp dụng đi nữa thì cũng, hoặc là hoàn toàn vô ích, hoặc là không thể thi hành được. Còn "thiếu" là vì Luật TTTM của chúng ta quy định chỉ có 6 BPKCTT, nên khi một vài (thậm chí là một nửa) trong số đó bất khả thi hoặc vô ích, thì sự thiếu cũng là điều dễ hiểu.

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 49 Luật TTTM thì một trong số 6 BPKCTT mà Hội đồng trọng tài có quyền áp dụng là "Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp". Ta biết rằng, "cấm thay đổi hiện trạng tài sản là việc cấm người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản có những hành vi tháo dỡ, lắp ghép, xây dựng thêm; hoặc hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản như phá hỏng, phá hủy"[2]. Như vậy, rất dễ thấy biện pháp này sẽ không có khả năng thực thi trong trường hợp tài sản tranh chấp đang thuộc quyền chiếm hữu (hoặc gửi giữ) bởi người thứ ba và người này đang có những hành vi làm "thay đổi hiện trạng" tài sản đó (ví dụ: Tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng cơ bản giữa chủ đầu tư và nhà thầu chính, xảy ra khi công trình đã đi vào giai đoạn hoàn thiện, lắp đặt trang thiết bị và trang trí nội thất tiến hành bởi nhà thầu phụ). Nói cách khác, luật không thể cấm họ (bên thứ ba) thay đổi hiện trạng tài sản, bởi trong mọi trường hợp, Hội đồng trọng tài chỉ có thể ban hành quyết định áp dụng BPKCTT đối với các bên tranh chấp mà không thể ban hành quyết định ràng buộc nào đối với người thứ ba[3]. Rõ ràng đây là một biện pháp bất khả thi trong hầu hết các trường hợp.

Cũng tương tự như vậy khi ta xem xét quy định tại điểm c khoản 2 Điều 49 Luật TTTM về BPKCTT "kê biên tài sản đang tranh chấp". Rõ ràng là biện pháp này[4] , nếu được ban hành, sẽ bị phá sản ngay lập tức nếu tài sản đang tranh chấp đang nằm trong quyền kiểm soát của người thứ ba. Hơn nữa, việc kê biên tài sản thường chỉ được thực hiện nhân danh pháp luật và luôn mang tính chất cưỡng chế nhà nước. Tại Pháp và một số nước châu Âu lục địa, chỉ có tòa án quốc gia mới có quyền kê biên tài sản (không phân biệt tài sản đang tranh chấp hay tài sản bảo đảm cho việc thi hành án), trọng tài thương mại không có quyền này[5].

Còn biện pháp nào được coi là "vô ích" trong số 6 BPKCTT quy định trong Luật TTTM? Theo tác giả, đó là biện pháp "Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên" (điểm đ khoản 2 Điều 49 Luật TTTM). Chúng ta ai cũng biết phần lớn các tranh chấp đưa ra Trọng tài thương mại giải quyết ít nhiều đều có liên quan đến nghĩa vụ "trả tiền" của một trong các bên tranh chấp. Việc các bên đưa nhau ra Trọng tài trong trường hợp này, suy cho cùng, cũng chỉ nhằm mục đích để Hội đồng trọng tài tuyên buộc bên có nghĩa vụ trả tiền phải thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ của mình. Và cũng có thể hiểu rằng: nếu đã buộc được bên có nghĩa vụ phải trả tiền cho bên yêu cầu, thì coi như đã giải quyết xong vụ kiện, và tố tụng Trọng tài vì thế cũng chấm dứt. Sở dĩ một bên phải khởi kiện, và phải chịu tốn kém, là vì bên kia cương quyết không trả tiền, dẫn đến việc Trọng tài được yêu cầu phải giải quyết và tuyên buộc bằng một phán quyết. Và với phán quyết đó, thông qua sự cam kết của pháp luật về Trọng tài về việc nó được bảo đảm thực thi bằng cưỡng chế nhà nước, thì việc trả tiền cuối cùng mới được thực hiện. Vậy thì không lý nào mà chưa qua xét xử, chỉ dựa trên cơ sở yêu cầu của một bên (cho dù là có thể có cả các chứng cứ chứng minh kèm theo), mà Hội đồng trọng tài lại có thể vội vàng "ép" bên kia phải "tạm thời" trả tiền, cho dù là dưới danh nghĩa "khẩn cấp"? Chúng ta giả sử rằng bên có nghĩa vụ, xuất phát từ một lệnh áp dụng BPKCTT của Hội đồng trọng tài dẫn đến bị buộc phải chấp hành lệnh cưỡng chế trả tiền cho bên kia (dẫu chỉ là "tạm thời trả tiền"), thì chẳng lẽ một quyết định trọng tài vô hình trung lại có giá trị như một phán quyết trọng tài hay sao? Theo tác giả, đặt ra một BPKCTT như vậy là thiếu thuyết phục và đi ngược lại lôgic tố tụng. Bởi dường như điều đó có nghĩa là "thi hành án" trước rồi mới "tổ chức phiên họp Trọng tài giải quyết tranh chấp" sau.

Theo pháp luật trọng tài một số nước, việc buộc một bên phải "tạm thời trả tiền" khi chưa mở phiên họp trọng tài giải quyết tranh chấp được quy định hết sức hạn chế và luôn phải có điều kiện khắt khe đi kèm. Luật Trọng tài của Anh là một thí dụ. Khoản 4 Điều 39 Luật Trọng tài của Anh qui định, nếu muốn áp dụng biện pháp "tạm thời trả tiền" thì ngay khi giao kết hợp đồng và ngay trong nội dung hợp đồng các bên buộc phải có thỏa thuận từ trước về việc "trao cho trọng tài quyền buộc một bên phải tạm thời trả tiền", có vậy thì sau này trọng tài mới có cơ sở để áp dụng được[6]. Một thí dụ khác, khoản 2 Điều 259 Bộ luật TTDS Nhật Bản cũng cho phép cơ quan tài phán buộc một bên phải "tạm thời trả tiền", tuy nhiên chỉ duy nhất cơ quan tài phán là Tòa án mới có thẩm quyền này[7].

Có thể thấy, từ những cái "thừa" nói trên, tất yếu sẽ dẫn đến cái "thiếu" trong việc liệt kê (thường mang tính giới hạn) các BPKCTT mà Hội đồng trọng tài được phép áp dụng như quy định trong Luật Trọng tài thương mại Việt Nam.

Hiện nay trên thế giới, các nước có nền trọng tài phát triển có lẽ không ai làm như chúng ta. Luật trọng tài các nước Pháp, Nhật, Trung Quốc, Đức, Anh, Thụy Sỹ, Ukraine... đều không theo hướng liệt kê các BPKCTT mà Trọng tài có quyền áp dụng như ở Việt Nam (khoản 2 Điều 49 Luật TTTM). Dường như ở những quốc gia này, Hội đồng  trọng tài có quyền áp dụng tất cả những BPKCTT nào mà Tòa án áp dụng, loại trừ một số BPKCTT chỉ thuộc đặc quyền của Tòa án. Chúng ta có thể tham khảo một số quy định sau đây.

Ở Pháp, Điều 1468 BLTTDS Pháp quy định: "Hội đồng trọng tài có thể ra lệnh áp dụng bất kỳ một biện pháp bảo toàn chứng cứ hay tạm thời nào theo yêu cầu của các bên mà HĐTT cho rằng phù hợp sau khi đương sự đã đáp ứng các điều kiện đặt ra, và nếu cần, còn có thể kèm theo biện pháp phạt đối với việc chậm trễ thi hành các lệnh này. Tuy nhiên, chỉ Tòa án mới có quyền ra lệnh kê biên tài sản và bảo đảm tư pháp. Hội đồng trọng tài có quyền thay đổi hoặc áp dụng bổ sung bất kỳ biện pháp bảo toàn chứng cứ hay tạm thời nào đã ban hành."

Ở Nhật, Điều 24 Luật TTTM Nhật Bản (Các Biện pháp tạm thời do trọng tài áp dụng) quy định: "(1) Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, Hội đồng trọng tài có quyền ra lệnh áp dụng một hoặc một số biện pháp bảo vệ tạm thời theo yêu cầu của một bên tranh chấp nếu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết tranh chấp...".

Tại Đức, Điều 1041 Luật Trọng tài Đức (Những biện pháp bảo toàn tạm thời) quy định: "(1) Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, theo đề nghị của một bên, Ủy ban trọng tài có thể yêu cầu áp dụng những biện pháp bảo toàn tạm thời, nếu Ủy ban xét thấy cần thiết đối với việc giải quyết nội dung tranh chấp. Ủy ban trọng tài có thể yêu cầu bất kỳ bên nào đưa ra bảo đảm thích hợp với biện pháp đó...".

Tại Thụy Sỹ, Điều 183 Luật Trọng tài quốc tế Thụy Sỹ (Các biện pháp lâm thời và bảo vệ) quy định: "(1) Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, Hội đồng trọng tài có quyền, dựa trên yêu cầu của một bên, ra lệnh áp dụng các biện pháp lâm thời và bảo vệ; (2) Nếu bên bị áp dụng không tự nguyện thi hành các biện áp này, Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu lệnh cưỡng chế của Thẩm phán tòa án liên bang để hỗ trợ Trọng tài theo luật chung; (3) Hội đồng trọng tài hoặc Thẩm phán tòa án liên bang ra lệnh áp dụng các biện pháp lâm thời và bảo vệ sau khi bên yêu cầu đã thực hiện các biện pháp bảo đảm phù hợp."

Và theo Điều 17 Luật Trọng tài quốc tế Ukraine (Quyền của tòa án trọng tài ra lệnh áp dụng biện pháp bảo toàn tạm thời) thì: "Nếu giữa các bên không có thỏa thuận khác, thì theo yêu cầu của một bên, tòa án trọng tài có thể áp dụng biện pháp bảo toàn tạm thời đối với đối tượng tranh chấp, đúng theo yêu cầu mà bên đó cho là cần thiết. Tòa án trọng tài có thể yêu cầu bất kỳ bên nào thực hiện các biện pháp bảo đảm cần thiết theo những biện pháp này."

3. Hiệu lực của quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Hội đồng trọng tài ban hành

Chuyển sang vấn đề về hiệu lực của quyết định áp dụng BPKCTT do trọng tài ban hành. Vấn đề đặt ra là hình như các nhà làm luật Việt Nam đã vô tình "quên" một điều tối quan trọng, đó là quên quy định thời điểm có hiệu lực của quyết định áp dụng BPKCTT được ban hành bởi Hội đồng trọng tài. Nếu như một quyết định áp dụng BPKCTT của Tòa án luôn được đảm bảo thi hành căn cứ các Điều 375 BLTTDS sửa đổi và điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự 2008, thì một quyết định tương tự của Hội đồng trọng tài, cho đến giờ này, vẫn chưa có một sự bảo đảm nào tương tự. Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì một bản án hay quyết định muốn được thi hành thì điều kiện tiên quyết là chúng phải "đã có hiệu lực". Đối với các quyết định áp dụng BPKCTT do Tòa án ban hành, sở dĩ chúng "có hiệu lực ngay" và được đảm bảo thi hành là bởi vì điều này đã được quy định rất rõ tại điểm b khoản 2 Điều 375 BLTTDS sửa đổi: "Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị: ... b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời". Nhưng riêng đối với quyết định áp dụng BPKCTT do Hội đồng trọng tài ban hành, thì thời điểm mà nó chính thức có hiệu lực là thời điểm nào, cho đến nay, vẫn còn là một ẩn số. Vì vậy người ta không thể căn cứ điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự 2008 để thi hành nó, chừng nào vẫn chưa xác định được thời điểm mà nó chính thức có hiệu lực. Luật TTTM của chúng ta đang thiếu hẳn một quy định tương tự như quy định tại Điều 375 BLTTDS (về bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc tuy chưa có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn đủ điều kiện để được thi hành).

Trái hẳn với quy định của pháp luật trọng tài Việt Nam về tính đương nhiên có hiệu lực của quyết định giải quyết tranh chấp nói chung và quyết định áp dụng BPKCTT do Trọng tài ban hành nói riêng, tại các quốc gia mà tác giả đã có dịp giới thiệu, một quyết định trọng tài thường không thể đương nhiên có hiệu lực thi hành mà buộc phải được tòa án công nhận, hoặc đợi đến khi có sự cho phép của tòa án, mới được mang ra thi hành.

Vấn đề "một quyết định của Hội đồng trọng tài muốn được thi hành phải được tòa án cho phép" được ghi nhận tại khoản 1 Điều 66 Luật Trọng tài Anh; Điều 802 BLTTDS Nhật Bản; và Điều 1487 BLTTDS Pháp.

Điều 66 (Luật Trọng tài Anh) - Thi hành quyết định trọng tài:

"(1) Một phán quyết do ủy ban trọng tài lập căn cứ vào một thỏa thuận trọng tài có thể, bằng quyết định cho phép của tòa án, được thi hành theo cùng một cách thức như một bản án hay một lệnh của tòa án với hiệu lực như nhau.".

Điều 802 (BLTTDS Nhật Bản) - Thi hành quyết định trọng tài:

"Việc thi hành phán quyết trọng tài chỉ được thực hiện khi được Tòa án tuyên bố bằng một quyết định cho phép thi hành.

Quyết định của Tòa án về việc thi hành nói trên sẽ không được đưa ra trong trường hợp có căn cứ để đưa ra đơn yêu cầu hủy bỏ phán quyết."

Điều 1487 (BLTTDS Pháp):

"Một phán quyết trọng tài chỉ có thể được cưỡng chế thi hành bởi một lệnh cưỡng chế do Tòa án thẩm quyền rộng (Tribunal de grande instance) nơi có Trung tâm trọng tài ban hành".

Về quy định "tòa án công nhận & cho thi hành quyết định trọng tài" ta thấy được ghi nhận tại Điều 23 Luật Trọng tài Thái Lan; khoản 1Điều 35 Luật Trọng tài Ukraine.

Điều 23 (Luật Trọng tài Thái Lan):

"Phán quyết trọng tài có thể không được thi hành trong trường hợp một bên từ chối không thực hiện, trừ khi bên yêu cầu thi hành nộp đơn yêu cầu lên tòa án có thẩm quyền ra một quyết định công nhận phán quyết đó. Đơn yêu cầu phải nộp trong thời hạn 1 năm kể từ ngày gửi bản phán quyết cho các bên theo Điều 21 đoạn 4.

Ngay khi nhận được đơn yêu cầu theo đoạn 1, tòa án sẽ xem xét yêu cầu và ra quyết định không chậm trễ, với điều kiện là bên phải thi hành phán quyết đã có cơ hội khước từ thực hiện yêu cầu trên."

Điều 35 (Luật Trọng tài Ukraine) - Công nhận và thi hành quyết định trọng tài:

"(1) Phán quyết trọng tài, không phụ thuộc vào việc được tuyên ở nước nào, là bắt buộc đối với các bên và khi nộp đơn yêu cầu tòa án có thẩm quyền cho thi hành phán quyết đó thì phải căn cứ điều này và Điều 36..."

Riêng đối với quy định "tòa án tuyên có hiệu lực thì quyết định trọng tài mới có thể được thi hành" được ghi nhận tại Điều 1060 Luật Trọng tài Đức (Các phán quyết trong nước), theo đó "Việc thực hiện phán quyết trọng tài sẽ diễn ra nếu nó đã được tòa án tuyên bố là có khả năng được thi hành".

Tóm lại, tác giả cho rằng ở những quốc gia trên, nếu như một phán quyết của Trọng tài muốn được thi hành luôn cần được sự chấp thuận của Tòa án (để bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của các bên tranh chấp), thì một quyết định áp dụng BPKCTT muốn được thi hành (trong mọi trường hợp, việc thi hành đó chỉ có lợi cho một bên duy nhất trong tranh chấp) không lẽ nào lại là một ngoại lệ.

4. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật

Từ những phân tích trên, tác giả kiến nghị cần sửa đổi nội dung khoản 2 Điều 49 Luật TTTM về nội dung các BPKCTT thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, theo hướng không liệt kê cụ thể các biện pháp cụ thể mà chỉ nên quy định: "Hội đồng trọng tài có thể áp dụng bất kỳ biện pháp khẩn cấp tạm thời nào trong số các BPKCTT do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định mà Hội đồng xét thấy rằng phù hợp, ngoại trừ biện pháp kê biên tài sản, và nếu cần, còn có thể kèm theo biện pháp phạt đối với việc chậm trễ thi hành các lệnh này". Các nước trên thế giới dường như tất cả đều không ai liệt kê các BPKCTT cụ thể mà Hội đồng trọng tài có quyền áp dụng như Việt Nam. Ngay như ở Anh, quốc gia có Luật trọng tài được quy định hết sức chi tiết, thì tại khoản 2 Điều 39 (Quyền đưa ra các phán quyết tạm thời) cũng chỉ thấy đưa ra ví dụ gợi ý thế nào là quyết định tạm thời (provisional awards) thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài (cụ thể, đó là "lệnh tạm thời/ provisional order về việc trả tiền hoặc định đoạt tài sản giữa các bên") được hiểu như là một BPKCTT, chứ cũng không theo hướng liệt kê các biện pháp mà Hội đồng có quyền áp dụng. Theo tác giả, việc sửa đổi nội dung khoản 2 Điều 49 Luật TTTM về "các BPKCTT thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài" theo hướng không liệt kê các BPKCTT cụ thể mà cho phép Hội đồng trọng tài có quyền áp dụng tất cả các BPKCTT mà Tòa án áp dụng, trừ các biện pháp thuộc đặc quyền của Tòa án, sẽ hợp lý và thuyết phục hơn do chúng ta sử dụng phương pháp loại trừ thay vì phương pháp liệt kê truyền thống.

Ngoài ra, như tác giả đã phân tích, cần kết hợp với việc sửa đổi bổ sung qui định trên với việc sửa đổi bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 50 Luật TTTM về việc quyết định trọng tài muốn được thi hành thì buộc phải được tòa án công nhận hoặc cho phép thi hành, trong đó nói rõ về thời điểm có hiệu lực của quyết định. Cụ thể như sau:

"5. Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài có hiệu lực kể từ ngày Tòa án có thẩm quyền ra quyết định cho phép thi hành. Việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự".

Tóm lại, sự thành công của Trọng tài phụ thuộc rất nhiều vào việc quyết định trọng tài có được thi hành hay không. Rõ ràng không có gì làm thất vọng các bên kinh doanh bằng việc bỏ ra những tốn kém khổng lồ về công sức và tiền của để rồi chỉ có được một quyết định trọng tài không được thi hành. Điều mà các bên mong muốn trong giải quyết tranh chấp thương mại, đương nhiên là sự đền bù về tiền bạc, chứ không phải là một tờ giấy ghi phán quyết mang nội dung "thắng kiện" nhưng không thể thi hành./.

 

*Tài liệu tham khảo:

[1] Kết quả khảo sát tại Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối tháng 03/2013.

[2] Tưởng Duy Lượng,  Tìm hiểu các quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự (Hướng dẫn nghiệp vụ thẩm phán của Tòa Dân sự – Tòa án nhân dân tối cao), Tài liệu lưu hành nội bộ, 2006, tr.84.

[3] Đỗ Văn Đại và Trần Hoàng Hải (2011), Pháp luật Việt Nam về Trọng tài thương mại, NXB Chính trị Quốc gia, tr.274.

[4] Theo tác giả Tưởng Duy Lượng trong tài liệu đã dẫn thì "Tài sản bị kê biên có thể được lưu giữ, bảo quản tại cơ quan thi hành án hoặc lập biên bản giao cho một bên đương sự hoặc người thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của Tòa án".

[5] Theo quy định của Điều 1449 và Điều 1468 BLTTDS Pháp thì các quyền kê biên tài sản (tiếng Anh là "conservatory attachments") và bảo đảm quyền tư pháp (tiếng Anh là "judical security") luôn là hai "đặc quyền" mà chỉ Tòa án quốc gia mới có, Trọng tài thương mại không có các quyền này.

[6] Điều 39 Luật Trọng tài Anh (Quyền đưa ra các phán quyết tạm thời):

"...(2) Việc này bao gồm, chẳng hạn, đưa ra:

a) lệnh tạm thời về việc trả tiền hoặc định đoạt tài sản giữa các bên;

...(4) Ủy ban trọng tài không có quyền nêu trên trừ khi các bên thỏa thuận trao cho Ủy ban trọng tài quyền đó."

[7] Điều 259 - BLTTDS Nhật Bản:

"...(2) Về quyết định liên quan đến yêu cầu của đương sự trong việc đòi thanh toán một khoản tiền theo hóa đơn, chứng từ thanh toán hay ngân phiếu; đòi đền bù thiệt hại về lãi suất luật định có liên quan tới các khoản tiền trên, thì tòa án có thẩm quyền có quyền tuyên bố rằng một biện pháp tạm thời về yêu cầu trả tiền sẽ được bảo đảm thi hành, có thể có hoặc không có biện pháp bảo đảm kèm theo..."

 

ThS. Luật gia. Lương Thanh Quang

Công ty Luật Rajah & Tann LCT Lawyers

 

(Theo http://vnclp.gov.vn)