•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Cân nhắc khi sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ

10/07/2013
Pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) sau một thời gian đi vào cuộc sống đã phát sinh nhiều hạn chế, vướng mắc đòi hỏi phải có những thay đổi nhất định bảo đảm tính minh bạch, khả thi vừa phù hợp hơn với thực tiễn ở Việt Nam vừa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Song, không ít chuyên gia cho rằng việc sửa đổi một số điều khoản quan trọng cần được nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng.
Có nên giảm phí nộp đơn?
 
Theo một số chuyên gia, Thông tư 22/2009/TT-BTC quy định phí và lệ phí nộp đơn sở hữu công nghiệp (SHCN) áp dụng thống nhất cho các chủ thể Việt Nam lẫn chủ thể nước ngoài (theo nguyên tắc đối xử quốc gia), xảy ra tình huống là nếu mức phí phù hợp với tác giả trong nước thì lại quá thấp đối với người nộp đơn nước ngoài, gây thất thu ngân sách, còn nếu mức phí phù hợp với người nộp đơn nước ngoài thì lại quá cao với tác giả trong nước, không khuyến khích chủ thể trong nước nộp đơn. Trên cơ sở đó, nên quy định một mức phí thấp, chỉ bằng 1/3 mức thông thường cho người nộp đơn đến từ các nước có GDP dưới 3.000 USD, hoặc đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có số nhân viên dưới 500 người, không phân biệt quốc tịch. Do tuyệt đại bộ phận đơn sáng chế nước ngoài là đến từ các nước có thu nhập trên 10.000 USD hoặc đến từ các tập đoàn lớn có hàng ngàn nhân viên nên theo cách trên có thể phân biệt đối xử đối với người Việt Nam và người nước ngoài mà không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam.
 
Tuy nhiên, Pháp lệnh Phí và lệ phí năm 2001 không có quy định về cơ chế miễn, giảm phí, lệ phí. Hơn nữa, theo Điều 21 của pháp lệnh, việc miễn, giảm phí, lệ phí phải do Chính phủ quy định trong những trường hợp cần thiết. Việc quy định mức phí thấp đối với chủ thể là người Việt Nam cụ thể là các DN vừa và nhỏ ít khả thi, vì các tiêu chí xác định DN nhỏ và vừa là vốn kinh doanh, số lượng lao động... là những đại lượng thay đổi theo thời gian, trong khi đó không có một cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận DN nhỏ và vừa. Hơn nữa, đối với tổ chức và cá nhân người nộp đơn nước ngoài, việc xác định GDP của từng nước lại thay đổi theo từng năm. Chính vì vậy, “cơ chế ưu đãi sẽ tạo gánh nặng chứng minh cho người nộp đơn và gánh nặng thẩm tra hồ sơ cho Cục SHTT” - Cục trưởng Cục SHTT Tạ Quang Minh nhấn mạnh.
 
Mặt khác, theo khảo sát thực tế, ở các nước, việc giảm phí cho người nộp đơn chỉ áp dụng cho các chủ thể nhỏ (small entity) như Mỹ, Philippines. Việc áp dụng mức phí thấp đối với người nộp đơn đến từ các nước có GDP dưới 3.000 USD chỉ được triển khai đối với việc nộp đơn sáng chế theo Hiệp ước Hợp tác sáng chế (PCT) của Tổ chức SHTT thế giới. Trên bình diện quốc gia, chưa có quốc gia nào áp dụng việc giảm phí như vậy.
 
Bảo hộ dịch vụ đại diện trong nước
 
Nhằm bảo hộ hoạt động kinh doanh của các tổ chức dịch vụ pháp lý trong nước, Luật SHTT 2005 không cho phép các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cung cấp các dịch vụ đại diện SHCN được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 154. Quy định này có phù hợp với nguyên tắc đối xử quốc gia - một nguyên tắc tối quan trọng khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế là băn khoăn của không ít người. Bởi theo lý giải của một số chuyên gia, quy định cấm này không những vi phạm Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ GATS về việc các thành viên WTO không được phép duy trì hoặc áp dụng các hình thức giới hạn đối với các doanh nghiệp nước ngoài mà còn thể hiện sự đối xử kém ưu đãi đối với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.
 
Tuy nhiên, xét cả về mặt pháp lý và thực tiễn, quy định này lại hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta hiện nay. Thực tế cho thấy, đơn nước ngoài nộp vào Việt Nam vẫn rất lớn và chiếm đa số trong khi đó đơn đăng ký bảo hộ của các chủ thể trong nước còn khá ít ỏi, do vậy việc cho phép các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cung cấp các dịch vụ đại diện SHCN vô hình trung sẽ làm giảm đáng kể nguồn thu của các doanh nghiệp trong nước hoạt động lĩnh vực này. Rõ ràng, cần phân tích rõ các mặt tích cực và tiêu cực đối với việc thay đổi quy định này như những tác động đối với kinh tế - xã hội của việc sửa đổi. Bởi đối với một số quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật và một số nước thuộc EU, không phải quy định nào cũng tuân thủ các cam kết của WTO nếu việc tuân thủ đó ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp và nền kinh tế của họ.
 
Hơn nữa, theo Điều XVII của Hiệp định GATS, “liên quan tới tất cả các biện pháp có tác động đến việc cung cấp dịch vụ, mỗi thành viên phải dành cho dịch vụ và người cung cấp dịch vụ của bất kỳ thành viên nào sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà thành viên đó dành cho nhà cung cấp dịch vụ của mình”. Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ được áp dụng đối với các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết mở cửa thị trường. Trong khi đó, Biểu cam kết dịch vụ khi gia nhập WTO đã chỉ rõ Việt Nam mở cửa đối với ngành dịch vụ pháp lý (mã CPC 861) nhưng loại trừ không cam kết đối với dịch vụ  giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam (mã 8613). Theo Điều 151 Luật SHTT, Dịch vụ đại diện SHCN về bản chất là đại diện cho tổ chức, cá nhân trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành các thủ tục xác lập và thực thi quyền SHCN cho tổ chức, cá nhân đó. Chính vì vậy, “việc chưa cho phép các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cung cấp dịch vụ đại diện SHCN không vi phạm các cam kết WTO về mở cửa thị trường và đối xử quốc gia” - Đại diện Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục SHTT nhấn mạnh.
 
(Theo http://daibieunhandan.vn)