•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng còn thiếu và yếu

06/07/2016
Để chống tham nhũng hiệu quả, ngoài việc vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng thì vai trò tố giác của người dân giữ một vị trí rất quan trọng. Song thực tế hiện nay nhiều người tỏ ra e ngại việc tố cáo tham nhũng, bởi họ sợ gánh chịu hậu quả. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do thiếu cơ chế bảo vệ nên nhiều người tố cáo tham nhũng cảm thấy đơn độc và bị cô lập.

Đơn độc khi tố giác tham nhũng

 

Qua thực tiễn xử lý tham nhũng cho thấy, người bị tố cáo là những người có chức vụ, quyền hạn hay thế lực trong xã hội và người tố cáo thường ở vị trí yếu thế hơn. Vì vậy, theo PGS.TS Vũ Công Giao, Viện Chính sách Công và Pháp luật, chính điều này, dẫn đến nguy cơ người tố cáo bị trù dập, trả thù.

 

Ông Giao đưa ra dẫn chứng, trong việc tố cáo Tổng giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, ông Lê Xuân Mậu – nguyên cán bộ Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam đã từng "rơi" vào hoàn cảnh khi tố cáo cấp trên tham nhũng thì đã bị “ngồi chơi xơi nước” trong một thời gian và cũng từng bị nhiều người khác chỉ trích kiện tụng để phá hoại đoàn kết nội cơ quan”.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Người lao động)

 

Để bảo vệ người tố cáo, Luật Tố cáo đã dành một chương quy định về vấn đề này. Tuy nhiên do quy định vẫn đang ở "trạng thái" chung chung. Trong khi các vấn đề cụ thể liên quan đến tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng lại căn cứ vào Luật Phòng chống tham nhũng cũng rất “định tính”.  Còn Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17.6.2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng tiếp tục bổ sung một quy định về bảo vệ người tố cáo: các cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo vệ người tố cáo. Việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. 

 

"Với những quy định còn rất chung chung như trên nên ông Lê Phước Cẩm, người đã vạch trần vụ phá rừng Khe Diên ở Quảng Nam đã cảm thấy quá đơn độc khi cầm bằng chứng tố giác lên chi bộ thôn, thôn im lặng, tố giác lên Đảng bộ xã thì xã cũng im lặng, khi tố lên huyện thì huyện để tin rò rỉ. Thậm chí, khi bị đe dọa trực tiếp đến tính mạng thì toàn gia đình ông cũng không nhận được sự bảo vệ trực tiếp nào từ chính quyền dù đã thông báo rõ…”, ông Giao nêu dẫn chứng.

 

Nghị định 76/2012/NĐ-CP ngày 3.10.2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo đã quy định các cơ quan có chức năng bảo vệ người tố cáo bao gồm: cơ quan có trách nhiệm giải quyết tố cáo; cơ quan công an nơi người tố cáo, người thân thích của người tố cáo cư trú, làm việc học tập; cơ quan công an nơi có tài sản của người tố cáo hoặc của người thân thích của người tố cáo; tổ chức công đoàn cơ sở, cơ quan quản lý lao động hoặc cơ quan có thẩm quyền khác ở địa phương.

 

"Với quy định như Nghị định 76 thì có quá nhiều cơ quan có trách nhiệm trong việc bảo vệ người tố cáo trong khi thẩm quyền của các cơ quan này còn hạn chế và chồng chéo, không có cơ quan chuyên biệt bảo vệ người tố cáo nói chung và người tố cáo tham nhũng nói riêng. Do vậy, người tố cáo chưa thực sự dũng cảm để tố cáo tham nhũng", ông Giao đánh giá.  

 

Thiết lập một cơ quan chuyên trách về bảo vệ người tố cáo tham nhũng?

 

Xuất phát từ thực tế cơ chế bảo vệ người tố cáo ở Việt Nam còn bộc lộ nhiều vấn đề bất hợp lý: chưa xác định cụ thể cơ quan nào có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo; chưa có quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, thụ lý và giải quyết yêu cầu bảo vệ của người tố cáo, các biện pháp bảo vệ chưa được cụ thể hóa. Ngoài ra, còn thiếu các ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ người tố cáo. Vì vậy, để khắc phục được những tồn tại này, nhằm đưa việc tố cáo thực sự là công cụ phát hiện tham nhũng hữu hiệu và khuyến khích người dân tham gia phòng, chống tham nhũng, theo các chuyên gia pháp lý, cần thiết lập một cơ quan chuyên trách về bảo vệ người tố cáo tham nhũng với cơ cấu hợp lý.

 

Theo đó, cơ quan chuyên trách về bảo vệ người tố cáo tham nhũng cần phải quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện bảo đảm hoạt động. Căn cứ vào tình hình thực tế của Việt Nam, pháp luật nên giao chức năng chủ trì, điều phối và chuyên trách bảo vệ người tố cáo cho cơ quan công an, cụ thể là lực lượng cảnh sát. Cơ quan cảnh sát thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tố cáo. Còn các cơ quan nội vụ, tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức công đoàn có trách nhiệm hỗ trợ bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo. Ngoài ra, cần phải hoàn thiện thủ tục giải quyết yêu cầu bảo vệ người tố cáo và cụ thể hóa các biện pháp bảo vệ người tố cáo.

 

Thực tế cho thấy, người tố cáo trong nhiều trường hợp bị lộ thông tin cá nhân do quá trình xử lý đơn thư của cán bộ, công chức. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến người tố cáo và làm mất lòng tin của nhân dân đối với cơ quan nhà nước. Do vậy, cần phải nâng cao đạo đức công vụ. Tuy nhiên, để làm được điều này, pháp luật về tố cáo cần phải có những quy định cụ thể về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Đồng thời, thủ trưởng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý tố cáo cần đề cao trách nhiệm, tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức.

 

Theo khảo sát của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới về tham nhũng từ góc nhìn người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức cho thấy, có tới 62% số người được hỏi trả lời lý do khiến họ không tố cáo tham nhũng vì sợ trả thù. 

 

(Theo http://daibieunhandan.vn)