•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Dự thảo Luật Giáo dục đại học: Xin khất thời hạn trình Quốc hội

03/08/2011
Theo Nghị quyết số 48/2010/QH12 ngày 19.6.2010 của Quốc hội, thì dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sẽ được trình Quốc hội khóa XIII cho ý kiến tại kỳ họp thứ nhất (dự kiến tháng 7.2011) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ hai (dự kiến tháng 11.2011).
Nhưng, ngày 29.6, Chính phủ lại có văn bản gửi tới phiên họp thứ 41 của UBTVQH xin khất thời hạn trình dự luật này vì tính chất phức tạp và còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu kỹ...

Còn nhiều bất cập và lúng túng

Dự án Luật GDĐH có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng rộng, liên quan đến nhiều tầng lớp nhân dân và toàn xã hội; đồng thời điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến giáo dục đại học như chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học; việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục đại học, đình chỉ hoạt động giáo dục, hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng giáo dục, vấn đề tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học...

Với tính chất quan trọng như vậy của dự luật, Chính phủ nhận thấy cần phải lùi thời hạn trình dự luật bởi vì: Trên thực tế, việc thành lập các đại học đa ngành, đa lĩnh vực có nhiều ưu điểm, nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế. Chẳng hạn, mô hình tổ chức và quản lý các đại học được xây dựng trên cơ sở sắp xếp một cách cơ học các trường đại học có uy tín và bề dày lịch sử nhất định, không dựa trên nguyên tắc tự nguyện, các bên cùng có lợi.


Giáo dục luôn là vấn đề được toàn dân quan tâm sâu sắc. Ảnh: Kỳ Anh

Bên cạnh đó, còn tồn tại tư duy quản lý cục bộ, không cân đối, hài hòa lợi ích giữa các bên, nên không đạt hiệu quả như mong muốn trong việc chia sẻ nguồn lực con người, cơ sở vật chất, tài chính cho sự phát triển chung của việc đào tạo đại học. Thứ nữa, mô hình tổ chức của hai đại học quốc gia - đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chính phủ - được trao quyền tự chủ cao, nhưng thiếu cơ chế chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và đánh giá thống nhất, có quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước, dễ dẫn đến chồng chéo, buông lỏng quản lý, hiệu quả không cao.

Hơn nữa, vị trí và chức năng của các đại học không rõ ràng, chưa cho thấy tính hiệu quả vượt trội trong việc hỗ trợ sử dụng các nguồn lực chung, hình thành cấp quản lý trung gian, cơ quan cấp trên của các trường đại học thành viên, hoạt động như một cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến tình trạng chồng chéo trong hệ thống giáo dục đại học.

Cơ cấu tổ chức đại học 2 cấp còn nhiều bất cập. Sự tồn tại của trường đại học trong đại học dẫn đến sự lúng túng trong phân công, phân cấp giữa đại học và các trường thành viên. Đây là điểm bất cập mà trong quá trình xây dựng Luật Giáo dục đại học đang gặp phải và chưa tìm ra cách thức giải quyết phù hợp.

Hướng phát triển trường đại học

Từ những bất cập của các trường đại học, Chính phủ đặt ra định hướng, về tổ chức, cần nghiên cứu để sắp xếp lại các đại học trên cơ sở tự nguyện, cùng có lợi giữa các trường thành viên để xác định chính sách ưu tiên của Nhà nước về đất đai, nguồn vốn đầu tư và những lợi ích chung khi trở thành một đại học thống nhất, được trao quyền tự chủ cao về học thuật, tài chính và nhân sự. Tiêu chí về các đại học phải được quy định cụ thể trong Luật GDĐH hoặc nghị định của Chính phủ, làm cơ sở trao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Về quản lý, cần nghiên cứu thể hiện rõ cơ chế chỉ đạo, giám sát, kiểm tra và đánh giá trong điều kiện các đại học được trao quyền tự chủ cao. Trong các đại học, hội đồng đại học là cơ quan có quyền ra quyết định tập thể về chiến lược phát triển của đại học; giám sát các mặt hoạt động của đại học; quyết nghị quy hoạch, kế hoạch trước khi trình cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt, chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Tại phiên họp của UBTVQH, Chính phủ đề nghị UBTVQH cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật GDĐH 1 kỳ họp, từ việc cho ý kiến tại kỳ họp thứ nhất và thông qua tại kỳ họp thứ hai sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai và thông qua tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. 

(Nguồn: htttp://www.laodong.com.vn