•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Dự thảo Luật Việc làm: Cần cụ thể hóa chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm

07/08/2013
Tại Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XIII, Chính phủ đã trình QH dự án Luật Việt làm. Đây là một đạo luật chuyên ngành, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối quan điểm của Đảng và Nhà nước về việc làm. Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề việc làm thì việc cụ thể hóa các chính sách về hỗ trợ việc làm trong dự thảo Luật Việc làm là điều rất cần thiết. Đây cũng là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội thảo Tham vấn về dự án Luật Việc làm vừa được Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức.
Nguồn: ITN
 
Khẳng định của Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi tại Hội thảo Tham vấn về dự án Luật Việc làm cho thấy, trong điều kiện Bộ luật Lao động mới chỉ điều chỉnh đối với khu vực có quan hệ lao động với 33% lực lượng lao động làm công ăn lương, còn 67% chưa được điều chỉnh thì việc xây dựng dự án Luật Việc làm là điều rất cần thiết. Dự thảo Luật Việc làm hướng tới điều chỉnh đối với lao động thuộc khu vực phi chính thức... Điều này bảo đảm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy, ổn định bảo đảm việc làm. 
 
Chính sách việc làm là chính sách quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội nhằm phòng ngừa rủi ro cho người lao động. Để bảo đảm giải quyết được vấn đề việc làm, thì cần phải có chính sách việc làm hữu hiệu. Và chính sách việc làm phải hướng đến mục tiêu việc làm bền vững cho người lao động và tạo cơ hội bình đẳng về việc làm cho mọi người trong xã hội, nâng cao trách nhiệm của nhà nước và xã hội đối với vấn đề việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập công bằng và chất lượng việc làm tốt hơn cho người lao động. 
 
Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật, nhiều ý kiến cho rằng, để dự án Luật Việc làm thực hiện đúng vai trò của luật chuyên ngành và bảo đảm tính khả thi cần tiếp tục làm rõ hơn một số vấn đề, trong đó có việc xây dựng những chính sách ưu tiêu hỗ trợ tạo việc làm đối với nhóm lao động trẻ, nhóm lao động yếu thế, lao động nữ, lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, lao động tự do...
 
Là thành viên của cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Việc làm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, đang phát triển và trong thời kỳ dân số vàng, mỗi năm có hơn 1,2 triệu người bước vào tuổi lao động, tỷ lệ lao động đang cao hơn tỷ lệ phụ thuộc là những điều kiện thuận lợi của Việt Nam so với các nước nhưng cũng tạo ra áp lực lớn trong quá trình phát triển và thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm hàng năm. Do vậy, trong thiết kế của dự án Luật Việc làm, Chương II (Chương Chính sách hỗ trợ tạo việc làm) có vai trò vô cùng quan trọng, có thể coi là xương sống của dự luật, Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.  
 
Dự thảo Luật Việc làm đã xây dựng 6 nhóm chính sách hỗ trợ tạo việc làm, bao gồm: tín dụng tạo việc làm; hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; chính sách việc làm công và hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Về cơ bản, một số chính sách hiện nay đã được tổ chức thực hiện đạt kết quả tích cực. Trong đó có chính sách tín dụng thông qua Quỹ quốc gia giải quyết việc làm hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho lao động nông thôn, hỗ trợ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ việc làm cho thanh niên, hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Để hỗ trợ tạo việc làm, dự thảo Luật đã quy định chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, theo đó, dự thảo Luật quy định: Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác. Trên cơ sở đó, Luật cụ thể hóa về Quỹ quốc gia giải quyết việc làm  với tính chất là cơ chế tài chính chủ đạo có mục đích trực tiếp hỗ trợ, duy trì và tạo việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động. Đồng thời, dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc về cho vay ưu đãi tạo việc làm từ các nguồn tín dụng khác nhằm huy động rộng rãi nguồn vốn tạo việc làm. Dự thảo Luật cũng xác định đối tượng vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, đối tượng được ưu tiên vay vốn với mức lãi suất thấp hơn… 
 
Dưới góc nhìn của một chuyên gia, bà Makiko Masumoto – chuyên gia việc làm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, với việc quy định như dự thảo luật về chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm thì nội dung có thể thiếu hoặc chưa rõ. Về các đối tượng được vay vốn ưu đãi tạo việc làm như quy định tại dự thảo Luật là quá rộng bao gồm các chủ sử dụng lao động, hợp tác xã, và người lao động. Nếu quy định như vậy rất khó để áp dụng phù hợp với điều kiện ưu đãi. Vấn đề ở đây là cần phải xác định rõ điều kiện hoàn trả vốn vay thế nào? Nếu người vay vốn không thể mở rộng kinh doanh hoặc bị phá sản thì vấn đề thanh toán sẽ như thế nào. Điều gì sẽ xảy ra nếu người vay không trả được nợ? Và cơ quan nào sẽ quản lý và cấp tín dụng - bà Makiko Masumoto tỏ ý băn khoăn.
 
Ngoài ra, bà Makiko Masumoto cho rằng một số quy định của dự thảo luật về chính sách ưu đãi tín dụng chưa thực sự cụ thể khi đưa ra dẫn chứng dự thảo luật quy định về các đối tượng được ưu tiên vay vốn với mức lãi suất thấp hơn, bà Makiko Masumoto tỏ ý băn khoăn mức “thấp hơn” ở đây là thấp hơn mức lãi suất nào? Điều này cần phải được quy định rõ. Bà Makiko Masumoto cũng đưa ra đề xuất, nên chăng cần phải quy định là “các đối tượng được ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp hơn mức lãi suất chính sách”.  
 
(Theo http://daibieunhandan.vn)