•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Hoàn thiện quy định áp dụng pháp luật trong giao dịch dân sự

03/04/2015
Để tạo cơ chế pháp lý cho việc bảo vệ, tôn trọng quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân; bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật, tạo sự chủ động trong quá trình xét xử của Tòa án, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã bổ sung các quy định về áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Song, theo nhiều chuyên gia, các quy định này còn nhiều điểm chưa hợp lý cần sửa đổi, hoàn thiện.

Băn khoăn về áp dụng tập quán

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, việc áp dụng tập quán trong giải quyết quan hệ dân sự trên thực tế trong trường hợp pháp luật không có quy định hoặc các bên không có thỏa thuận, còn gặp rất nhiều vướng mắc do quy định trong Bộ luật Dân sự 2005 chưa cụ thể, dẫn tới sự thiếu thống nhất khi áp dụng. Xuất phát từ thực tiễn đó, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã dành riêng một điều quy định rõ ràng về khái niệm tập quán - một trong những nguồn cơ bản của pháp luật Việt Nam.

 

Theo Ts Phạm Liêm Chính, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, quy định của dự thảo về áp dụng tập quán là rất cần thiết nhằm lấp lỗ hổng của pháp luật thực định. Tuy nhiên, theo dự thảo, tập quán được áp dụng không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, không vi phạm điều cấm của bộ luật và những quy định bắt buộc trong hợp đồng là chưa đầy đủ và chưa hợp lý. Cần phải sửa đổi theo hướng các tập quán được áp dụng đều phải tuân thủ các nguyên tắc chung của luật pháp, không vi phạm trật tự công quốc gia và thuần phong mỹ tục.

 

Đưa trật tự công vào quy định bắt buộc phải tuân thủ là điều rất cần thiết, bởi đây là khái niệm được dùng trong hệ thống pháp luật của hầu hết các nước phát triển. Tuy nhiên cũng cần giải thích trật tự công là gì? Nếu không có giải thích rõ ràng thì quy định sẽ khó có thểsống trong thực tế. Đối với khuyến nghị đưa thuần phong mỹ tục vào phạm vi bắt buộc khiáp dụng tập quán, Gs.Ts Nguyễn Thị Mơ - Giảng viên Khoa Luật, Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, rất khó có tiêu chí đánh giá tính đúng đắn và phù hợp của thuần phong mỹ tục hay phong tục tập quán. Đưa nội dung này vào luật sẽ gây khó khăn, lúng túng trong quá trình áp dụng tập quán vào xét xử của Tòa án.

 

Rõ ràng, việc áp dụng tập quán khi thiếu quy định pháp luật là điều rất cần thiết, song đó là tập quán quốc gia hay tập quán quốc tế, tập quán vùng hay địa bàn dân cư, cũng là câu hỏi được đặt ra. Điều đáng nói là thực tế hiện nay chưa có sự tổng kết tập quán bao gồm những gì, chưa có công trình nào nghiên cứu tổng hợp các tập quán vùng, quốc gia; những tập quán nào phù hợp, tập quán nào loại bỏ đi. Vậy thì hệ thống nào cho các nhà lập pháp xem xét, cho tòa án nghiên cứu để áp dụng khi xét xử, là băn khoăn của không ít chuyên gia.

 

Chưa rõ khái niệm tương tự pháp luật

Để bảo đảm tính thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật, Điều 12 Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã xác định, trong trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định trực tiếp và không có tập quán thì áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết.

 

Không ít chuyên gia cho rằng, quy định về áp dụng tương tự pháp luật nhằm dự trù tình huống Tòa án khi phải giải quyết một vụ việc mà không có điều luật cụ thể áp dụng chính xác, sẽ đi tìm những điều luật khác tương tự để xét xử. Tuy nhiên, khái niệm áp dụng tương tự pháp luật trong dự thảo chưa rõ ràng, chưa cụ thể, nói như Gs.Ts Nguyễn Thị Mơ, ngay cả những người làm luật, cơ quan xét xử còn lúng túng chứ đừng nói tới dân. Do vậy, tên điều luật cần sửa đổi lại cho dễ hiểu là áp dụng quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.

 

Song, không phải lúc nào cũng thể áp dụng tương tự pháp luật, trong trường hợp tương tự pháp luật không hợp lý cần mở ra một cánh cửa khác cho cơ quan xét xử, tức là áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng để giải quyết. Theo Ts Nguyễn Am Hiểu -  Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự bao gồm những gì còn chưa rõ, bởi khái niệm pháp luật dân sự rất rộng, gồm cả thương mại, hôn nhân gia đình, hộ tịch, đất đai… Đây là khái niệm tù mù khiến nhiều luật sư, thẩm phán không biết viện dẫn vào đâu để áp dụng. Nên chăng sửa lại là các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật này, vừa rõ ràng, vừa dễ hiểu, dễ áp dụng. 

 

Mặt khác, nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp dụng lẽ công bằng cũng cần có nguyên tắc nhất định, bởi khi Tòa án xét xử dùng kẽ công bằng tức là đã rời bỏ các quy định pháp luật, trong trường hợp đó cần phải có sự đồng ý của các bên đương sự, như theo quy định của Bộ luật Dân sự Pháp. Cũng tương tự như vậy, quy tắc này tồn tại trong lĩnh vực trọng tài - trọng tài không thể xử lý một vụ việc theo lẽ công bằng, nếu như không được các bên đồng ý bằng văn bản rõ ràng là ủy quyền cho trọng tài xử lý vụ việc này bằng lẽ công bằng.  Việc Ban soạn thảo đưa ra lẽ công bằng nhưng không rõ nguyên tắc áp dụng, đơn thuần chỉ để lấp lỗ hổng về mặt luật pháp sẽ khó bảo đảm được tính minh bạch, khả thi khi vận dụng nó vào thực tiễn.

 

Trách nhiệm của Tòa án tới đâu?

Bộ luật Dân sự hiện hành quy định nguyên tắc tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ (Điều 9) nhưng chưa quy định cụ thể trách nhiệm của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác trong việc thụ lý, giải quyết vụ, việc dân sự trong trường hợp chưa có quy định của pháp luật về vụ, việc dân sự đó. Chính vì vậy, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã bổ sung Điều 19 về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt nhấn mạnh, Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

 

Rõ ràng, quan hệ xã hội ngày càng phát triển, thì tranh chấp dân sự cũng phát sinh theo chiều hướng đa dạng và phức tạp. Hơn nữa, pháp luật có được xây dựng hoàn thiện đến đâu thì cũng không thể bao hàm hết các quan hệ xã hội ngày càng nảy sinh. Đã từng có trường hợp quyền dân sự của công dân bị xâm hại nhưng không giải quyết được vì lý do thiếu quy định pháp luật. Do đó, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bổ sung quy định về trách nhiệm của Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền là phù hợp với điều kiện thực tiễn và thông lệ quốc tế, đây là lời giải cho những câu hỏi đặt ra từ thực tiễn. Song, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, đây là điều đương nhiên và không cần thiết phải quy định ngay trong luật, nhất là khi chưa rõ tập quán, tương tự pháp luật như thế nào và bao gồm những gì. Trong trường hợp bắt buộc phải đưa quy định này vào cần có sự cân nhắc, đặc biệt trong trường hợp thiếu quy định pháp luật, phải cung cấp đủ những yếu tố, nguyên tắc để cơ quan có thẩm quyền hiểu và áp dụng tập quán, tương tự pháp luật một cách thống nhất, hoàn thiện.

 

Trong trường hợp vắng bóng tập quán, quy định pháp luật tương tự, Tòa án có được áp dụng án lệ khi xét xử hay không, cũng là câu hỏi được đặt ra. Thực tế, án lệ là nguồn luật rất quan trọng của pháp luật phương Tây, là hình bóng của pháp luật thực định, đặc biệt trong mỗi phán quyết của Tòa án đều có bình luận, trao đổi, phân tích về áp dụng pháp luật. Theo các chuyên gia, đối với Việt Nam, việc áp dụng án lệ cũng cần xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Bởi cùng một vấn đề, có thể Tòa án cấp dưới ở nơi này xử theo hướng này và Tòa án cấp dưới ở nơi khác lại xử theo hướng khác, khi đó án lệ chưa chắc đã có giá trị hướng dẫn. Do vậy, vấn đề về án lệ trong xét xử cần được giới chuyên gia và Tòa án tổng kết, như vậy mới có cơ sở pháp lý mở màn cho việc thực hiện quy định này của Dự thảo Luật.

 

(Theo http://daibieunhandan.vn)