•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hiến máu cần có luật

03/08/2011
Hành lang pháp lý cho công tác tổ chức vận động hiến máu tình nguyện còn thiếu là vấn đề được nêu ra tại Hội nghị triển khai công tác vận động hiến máu tình nguyện 2011 do Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tổ chức hôm 30/3.
Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện cho biết, năm 2010 đã có 100% đơn vị thành lập Ban chỉ đạo hiến máu cấp tỉnh, do Phó chủ tịch UBND các tỉnh làm Trưởng ban. Trong đó cơ quan thường trực Ban chỉ đạo do Hội Chữ thập đỏ đảm nhiệm; 60/63 địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện. Điểm nổi bật trong phong trào hiến máu tình nguyện đã vận động rầm rộ và hiệu quả phong trào hiến máu tình nguyện trong dịp Tết và Lễ hội Xuân Hồng, cả nước đã huy động 7.624 tình nguyện viên tham gia huy động hơn 231.700 người đăng ký hiến máu và tiếp nhận 153.836 đơn vị máu. Thành công của phòng trào hiến máu tình nguyện năm 2010 đã giúp ngành y tế lần đầu tiên không xảy ra tình trạng thiếu máu trong dịp Tết. Kết quả cuộc vận động và tiếp nhận máu trong năm 2010 đã có nhiều tiến bộ về mặt số lượng và chất lượng hơn các năm trước; số đơn vị máu tăng 12,3% đơn vị máu tình nguyện, tỷ lệ dân số hiến máu tình nguyện tăng 0,05%...

Tuy nhiên, những con số này vẫn là quá khiêm tốn so với nhu cầu của người bệnh (mới chỉ có 44,5% lượng máu thu được là từ những người hiến máu tình nguyện) cũng như dư địa 70% dân số Việt Nam còn trong độ tuổi hiến máu. Ts Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện huyết học và truyền máu Trung ương thừa nhận, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn người hiến máu tình nguyện quá ít. Ông kể: có đợt, chúng tôi đã gửi đi trên 300 bức thư vận động các doanh nghiệp (có nhiều lao động) tham gia hiến máu nhân đạo, nhưng kết quả chỉ có 8 doanh nghiệp gửi thư hồi âm. Nhưng cả 8 doanh nghiệp này đều trình bày mọi lý do để... hẹn vào một dịp khác. Hoặc như trong một đợt vận động hiến máu ở Ninh Bình có 560 người đăng ký, nhưng cuối cùng chỉ thu được 15 đơn vị máu.

Nhìn lại chặng đường 10 năm phát động phong trào hiến máu, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện thẳng thắn nhìn nhận: hành lang pháp lý cho công tác tổ chức vận động hiến máu tình nguyện còn thiếu và chưa đầy đủ; hiệu quả hoạt động của các ban chỉ đạo còn hạn chế cả về cơ sở vật chất, năng lực cán bộ và kết quả hoạt động. Đặc biệt công tác phối hợp giữa các cơ sở tiếp nhận máu với Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện ở một số địa phương chưa chặt chẽ thống nhất, đặc biệt là khâu tổ chức điểm hiến máu, nhu cầu về máu và quản lý hồ sơ người hiến máu. Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc các quy định trong tổ chức hiến máu như: chưa tiến hành xét nghiệm bắt buộc trước khi hiến máu về huyết sắc tố, viêm gan vi rút B, còn trả tiền cho người hiến máu thay quà tặng...

Ts Nguyễn Anh Trí cho rằng, phải nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về công tác hiến máu nhân đạo thì mới có nhiều người tham gia hiến máu. Do đó phải mở rộng đối tượng, địa bàn tham gia hiến máu. “Theo tôi cũng cần sớm có luật hiến máu để người dân hiểu được rằng mình có trách nhiệm để tham gia hiến máu cứu người”, ông đề xuất. Bên cạnh đó, vấn đề tài chính cho công tác tuyên truyền, vận động hiến máu cũng nên được xem xét lại một cách hợp lý. Khi đó chắc chắn chúng ta sẽ thúc đẩy được phong trào này phát triển.

Cách đây 2 năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi Việt Nam đưa ra Luật Hiến máu – đây sẽ là điều kiện giúp Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 100% hiến máu tình nguyện không thù lao và khắc phục tình trạng thường xuyên thiếu hụt nguồn cung cấp máu đang xảy ra.


Ngày 7/4, tổ chức Lễ hội hiến máu quy mô

Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 43, lấy ngày 7/4 hằng năm làm ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện. Trưởng Khoa Vận động và Tổ chức hiến máu, Viện Huyết học và Truyền máu trung ương, bác sỹ Ngô Mạnh Quân cho biết: “Chúng tôi sẽ tổ chức tổng kết 10 năm phát động phong trào toàn dân hiến máu và một lễ hội hiến máu quy mô nữa vào ngày 7/4. Mong rằng ngày càng có nhiều người dân hiến máu, xuất phát từ trách nhiệm, tình thương đối với đồng bào và bệnh nhân”.
 
Năm 2011, Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện vận động: số người hiến máu tình nguyện chiếm trên 85% người cho máu, với tổng số 766.000 đơn vị máu; tỷ lệ dân hiến máu đạt 0,8% và ít nhất có 20% cán bộ công nhân viên chức trên địa bàn tham gia hiến máu.

(Nguồn: http://daibieunhandan.vn)