•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hoàn thiện pháp luật về đầu tư công

03/08/2011
Tại Hội thảo Hoàn thiện pháp luật về bảo đảm tính hiệu quả của các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước do Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng: hệ thống pháp luật về dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước (đầu tư công) có phạm vi điều chỉnh rộng, nhưng chưa rõ ràng, dẫn đến hiệu quả quản lý nguồn vốn Nhà nước chưa cao. Do vậy, việc hoàn thiện pháp luật về đầu tư công để tiến tới minh bạch tài chính Nhà nước, tránh lãng phí, tham nhũng… là cần thiết.
Hệ thống pháp lý chồng chéo

Chỉ ra một số hạn chế mang tính phổ biến trong hệ thống pháp luật quy định về dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Võ Đình Toàn cho rằng, hiện nay pháp luật quy định về dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước có phạm vi điều chỉnh rộng, các quy phạm pháp luật (QPPL) được ban hành ở nhiều văn bản như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí… ngoài ra, còn được quy định ở nhiều nghị định, thông tư do Chính phủ, các bộ ban hành. Nhiều văn bản pháp luật về lĩnh vực này sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Để điều chỉnh việc chi tiêu của Nhà nước, có hàng loạt luật, pháp lệnh và nghị định nhưng trên thực tế vẫn chưa rõ ràng trong việc quản lý tài sản quốc gia, tài sản hình thành từ mua sắm và đầu tư bằng tiền của Nhà nước. Hơn nữa cũng không rõ ai quản và quản ai trong mua sắm của Nhà nước. Thực tế, tài sản quốc gia, kể cả tài sản đầu tư mới, tài sản quốc gia từ nhiều thế hệ truyền lại đang được quản lý thiếu tập trung và không ít tài sản đã được khai thác để phục vụ cho lợi ích cá nhân hoặc nhóm lợi ích. Tuy nhiên, việc xử lý những hành vi mua sắm sai, hành vi gian lận lại không nghiêm, kinh phí sử dụng sai chưa từng bị thu hồi.

Hoạt động đầu tư sử dụng vốn Nhà nước cũng chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản khác nhau nhưng chưa đầy đủ, lại chồng chéo và mâu thuẫn nên gây nhiều vướng mắc trong áp dụng, thi hành. Đơn cử, quy định về vốn nhà nước không thống nhất, có sự chồng chéo giữa Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu. Khoản 1 Điều 4 Luật Đấu thầu xác định: Vốn Nhà nước bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước và các vốn khác do Nhà nước quản lý. Còn Khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư thì xác định: Vốn Nhà nước là vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn đầu tư khác của Nhà nước… Quy định như vậy đã dẫn đến những bất cập. Ví dụ, cùng là dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước nhưng không có xây dựng công trình thì thực hiện theo Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành theo các nghị định của Chính phủ; còn dự án đầu tư có xây dựng công trình lại thực hiện theo Luật Xây dựng. Trên thực tế, có những dự án đầu tư có một phần xây dựng công trình, một phần mua sắm trang thiết bị thì theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 52/1999 của Chính phủ. Trong khi Luật và Nghị định có nhiều nội dung khác nhau, dẫn tới khó áp dụng.

Cần hoàn thiện pháp luật về đầu tư công

Thực tế, hoạt động chi tiêu của Nhà nước, mua sắm của Chính phủ được nhân dân đặc biệt quan tâm. Mua sắm của Chính phủ là một tiêu chí quan trọng để đánh giá sự trong sạch của Chính phủ và bộ máy quản lý nhà nước. Do đó, phải công khai và minh bạch tài chính nhà nước, công khai các hoạt động chi tiêu, mua sắm của Chính phủ để người dân thực hiện quyền giám sát. Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Đặng Văn Thanh, chủ trương tiết kiệm 10% kinh phí thường xuyên của các cơ quan, tổ chức như hiện nay là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là cần nâng cao chất lượng chi tiêu, trước hết là mua sắm của Chính phủ. Tuy nhiên khi xây dựng Luật không nên xem việc giảm được một khoản chi, một lượng vốn đầu tư (nếu có) là cần thiết. Ví dụ, trong dự án giao thông, điểm nút của một con đường lẽ ra phải xây cầu vượt, lại làm vòng xuyến thì về tài chính sẽ giảm bớt số chi, nhưng không hiệu quả. Do vậy, quy định các định mức chi tiêu tài chính phù hợp với yêu cầu khách quan của dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước cần tư duy theo hướng chống lãng phí mà không phải là cắt gọt các nội dung chi.

Việc sử dụng vốn Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, đối tượng đầu tư rất rộng và còn dàn trải. Do vậy, cần quy định rõ những lĩnh vực kinh tế thuộc diện Nhà nước phải đầu tư vốn. Và, để xây dựng hệ thống pháp luật đầu tư công được hoàn chỉnh nên có sự tham khảo các nước để so sánh tương quan, nhằm sử dụng vốn nhà nước hiệu quả.

(Nguồn: http://daibieunhandan.vn)