•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Một số vấn đề về quyền hạn của HĐND trong ban hành từng loại nghị quyết

08/04/2013
Mặc dù Luật Tổ chức HĐND và UBND, các văn bản pháp luật chuyên ngành trên các lĩnh vực đã quy định rất cụ thể, rõ ràng về các dạng quyền hạn của HĐND trong ban hành từng loại nghị quyết. Tuy nhiên, trên thực tế việc ban hành nghị quyết của HĐND thời gian qua vẫn còn tình trạng lẫn lộn giữa các dạng quyền hạn.
Quyền hạn của HĐND là giới hạn về thẩm quyền được xác định về nội dung, phạm vi, mức độ khi HĐND ban hành nghị quyết, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Theo quy định, quyền hạn của HĐND được thể hiện ở nhiều hình thức và cấp độ khác nhau. Cụ thể bao gồm: quyền quyết định (quyết định và quy định), quyền thông qua và quyền phê chuẩn.

Quyền quyết định là quyền phán quyết, đề ra nhiệm vụ giải quyết một vấn đề cụ thể mà pháp luật quy định (loại trừ quyền tài phán) hoặc quyền đặt ra, thay đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy tắc xử sự (QPPL) bắt buộc các chủ thể phải thực hiện. Quyền quyết định được thể hiện ở hai dạng, đó là quyết định về một vấn đề cụ thể được thể hiện trong các nghị quyết cá biệt, như: quyết định về chương trình xây dựng nghị quyết, về hoạt động giám sát hàng năm của HĐND, về việc hủy bỏ, bãi bỏ văn bản QPPL của HĐND, UBND; quyết định việc đặt tên quảng trường, đường phố... Dạng thứ hai là quy định, đặt ra các quy tắc xử sự chung được áp dụng nhiều lần đối với mọi đối tượng hoặc một nhóm đối tượng và có hiệu lực trong phạm vi địa phương. Dạng này được thể hiện trong các nghị quyết QPPL, như: nghị quyết về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách ở địa phương; nghị quyết quy định thu các loại phí, lệ phí, các khoản đóng góp của nhân dân; nghị quyết quy định số lượng và mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, bản, tiểu khu…

Quyền thông qua là quyền cho ý kiến thể hiện sự đồng ý hay không (khi nghị quyết được ban hành là đã thể hiện sự nhất trí) về một vấn đề (thường là các quy hoạch, kế hoạch, đề án) do UBND trình xin ý kiến trước khi UBND quyết định, hoặc trình cấp trên quyết định, phê duyệt theo thẩm quyền. Chẳng hạn như, tại khoản 2 Điều 9 Luật Điện lực quy định: UBND cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch phát triển điện lực ở địa phương trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) phê duyệt. Tại các Điều 25 và 26 Luật Đất đai năm 2003 quy định: UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi trình Chính phủ xét duyệt (quyết định).

Ngoài ý nghĩa là một dạng quyền hạn của HĐND thì thuật ngữ thông qua còn được sử dụng với ý nghĩa để chỉ một hoạt động tại kỳ họp của HĐND, đó là việc biểu quyết nhất trí đối với các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Tại khoản 2 Điều 29 Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND quy định: Dự thảo nghị quyết được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu HĐND biểu quyết tán thành. Do đó cần phải sử dụng thuật ngữ này phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Thuật ngữ thông qua dùng trong các nghị quyết nhằm để xác định dạng quyền hạn của HĐND trong việc ban hành nghị quyết đó. Còn thuật ngữ thông qua nhằm để chỉ một loại hoạt động tại kỳ họp chỉ được sử dụng trong tài liệu, văn bản phản ánh diễn biến kỳ họp (biên bản kỳ họp).

Quyền phê chuẩn là quyền xem xét, cho ý kiến thể hiện sự đồng ý hay không đối với kết quả nhiệm vụ mà UBND cùng cấp, HĐND cấp dưới đã thực hiện. Chẳng hạn như: HĐND ban hành nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; phê chuẩn nghị quyết của HĐND cấp huyện về việc giải tán HĐND cấp xã... Như vậy, sự khác nhau giữa thông qua với phê chuẩn là: thông qua là cho ý kiến trước khi quyết định (tiền kiểm), còn phê chuẩn là cho ý kiến sau khi đã thực hiện (hậu kiểm).

Tóm lại, mặc dù được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, tuy nhiên đều có dấu hiệu chung để phân biệt các dạng quyền hạn của HĐND trong việc ban hành nghị quyết. Đó là: đối với những vấn đề theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền quyết định (toàn quyền quyết định) của HĐND thì quyền hạn đó là quyết định hoặc quy định (tương ứng với nghị quyết cá biệt hoặc nghị quyết quy phạm). Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cùng cấp hoặc của cấp trên mà UBND xin ý kiến trước khi trình cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật thì quyền hạn của HĐND là quyền thông qua. Đối với những vấn đề đã được thực hiện, nhưng theo quy định của pháp luật sau khi thực hiện phải có ý kiến của HĐND thì quyền hạn đó là quyền phê chuẩn.

Mặc dù Luật Tổ chức HĐND và UBND, các văn bản pháp luật chuyên ngành trên các lĩnh vực đã quy định rất cụ thể, rõ ràng về các dạng quyền hạn của HĐND trong việc ban hành từng loại nghị quyết trong từng lĩnh vực. Tuy nhiên, trên thực tế việc ban hành nghị quyết của HĐND các địa phương thời gian qua vẫn còn tình trạng lẫn lộn giữa các dạng quyền hạn. Có những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của mình thì lại ban hành nghị quyết dưới dạng thông qua (như thông qua dự toán thu, chi ngân sách, thông qua chương trình xây dựng nghị quyết và hoạt động giám sát,...). Ngược lại, có những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của UBND thì lại ban hành nghị quyết dưới dạng quyết định (quy định). Chẳng hạn như theo quy định tại các Điều 55 và 56 Luật Đất đai năm 2003, thì UBND cấp tỉnh xây dựng giá đất cụ thể tại địa phương trình HĐND cùng cấp cho ý kiến trước khi quyết định. Với quy định này thì HĐND chỉ có thẩm quyền cho ý kiến (tức là thông qua phương án giá đất mà UBND xin ý kiến), còn thẩm quyền quyết định về giá đất thuộc UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay nghị quyết của HĐND một số tỉnh lại ban hành dưới dạng quy định giá đất rồi giao cho UBND triển khai thực hiện.

Thậm chí về cùng một vấn đề nhưng nghị quyết của HĐND địa phương này thì thông qua, nghị quyết của HĐND địa phương khác thì lại quy định. Chẳng hạn như triển khai thi hành Nghị định số 92/2009/NĐ-CP (về chức danh, số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố) mặc dù Nghị định này đã quy định cụ thể là HĐND cấp tỉnh quy định về chức danh, mức phụ cấp của từng chức danh, thế nhưng có tỉnh thì ban hành nghị quyết “quy định số lượng, chức danh,...”, có tỉnh thì ban hành nghị quyết “thông qua số lượng, chức danh,...”, thậm chí có tỉnh lại ban hành nghị quyết dưới dạng “thông qua đề án về số lượng, chức danh,...”.

Thực tế, có những địa phương hầu hết các nghị quyết ban hành đều theo dạng thông qua. Sở dĩ như vậy là do đã có sự lẫn lộn, đồng nhất khái niệm thông qua với hàm nghĩa là một dạng quyền hạn (là tính từ - chỉ giới phạm vi thẩm quyền) với khái niệm thông qua (là động từ) dùng để chỉ một hoạt động tại kỳ họp.

Việc ban hành nghị quyết của HĐND các cấp thời gian qua không chỉ có sự lẫn lộn trong việc xác định các loại quyền hạn như đã nêu trên mà vẫn còn những tồn tại khác như: chưa xác định đúng loại nghị quyết (nghị quyết cá biệt - nghị quyết áp dụng pháp luật và nghị quyết QPPL); chưa thống nhất về kỹ thuật trình bày nghị quyết... Thực tế, tại kỳ họp các đại biểu HĐND chỉ tập trung thảo luận về nội dung nghị quyết mà ít khi quan tâm nghiên cứu, thảo luận về mặt hình thức, kỹ thuật trình bày các nội dung của nghị quyết. Trong trường hợp HĐND không trao đổi, thảo luận các vấn đề về mặt kỹ thuật trình bày nghị quyết để thống nhất điều chỉnh đối với dự thảo nghị quyết, bộ phận tham mưu giúp HĐND rà soát để ban hành nghị quyết không thể tự ý chỉnh sửa, nếu phát hiện các sai sót này.

Để bảo đảm chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND, nên thành lập tổ giúp việc cho UBND và HĐND để rà soát các dự thảo nghị quyết, bảo đảm tính thống nhất về mặt hình thức và kỹ thuật trình bày trước khi trình HĐND xem xét, quyết định.

(Theo http://daibieunhandan.vn)