•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sửa Luật để có hành lang pháp lý minh bạch hơn cho công tác phòng, chống tham nhũng

02/11/2012
Thảo luận tại tổ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012, nhiều ĐBQH nhất trí cho rằng, trong năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc kiến nghị ban hành nhiều cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần tạo cơ sở pháp lý ngày càng toàn diện, đầy đủ, phù hợp và chặt chẽ hơn cho công tác phòng, chống tham nhũng.
Song, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Hiệu quả phòng, chống tham nhũng còn thấp. Để khắc phục hạn chế này, trước hết cần nhanh chóng hoàn thiện việc sửa Luật để có hành lang pháp lý minh bạch hơn cho công tác phòng, chống tham nhũng.

ĐBQH Lê Thị Nga (Thái Nguyên): Nếu anh không sẵn sàng nhận thì người ta có đưa… không?
 
Chúng ta có quyết tâm chính trị cao về phòng, chống tham nhũng; triển khai tốt việc xây dựng thể chế và tuyên truyền. Nhưng hiệu quả phòng, chống tham nhũng còn thấp.

Để nâng cao hiệu quả công tác này, trước hết cần chú ý vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, cụ thể là cần thể chế hóa vai trò của Kiểm toán Nhà nước tại dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi). Bởi hiện nay có tình trạng kiến nghị của kiểm toán thực hiện cũng được, không thực hiện cũng không có chế tài xử lý. Luật Kiểm toán Nhà nước quy định chung chung. Thứ hai, cần nghiên cứu sửa đổi theo hướng Tổng Kiểm toán Nhà nước cần trình bày báo cáo với QH và phải đưa vào diện trả lời chất vấn của ĐBQH. Tổng Kiểm toán Nhà nước có cùng nhiệm kỳ với nhiệm kỳ của QH. Cần tăng cường vai trò của Kiểm toán Nhà nước để tăng hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Kê khai tài sản là nội dung lớn của công tác công khai, minh bạch. Khi tiến hành hoạt động này thì phải trả lời được những câu hỏi: áp dụng với ai? Để làm gì? Và theo phương thức nào?... Theo kinh nghiệm thế giới, hoạt động kê khai không chỉ về giá trị tài sản, mà còn ở nguồn gốc hình thành. Đối tượng kê khai thì không chỉ quan chức, mà còn ở vợ con của quan chức thì mới ngăn chặn được. Hiện nay, chúng ta mới áp dụng kê khai của quan chức, chưa áp dụng với vợ con của quan chức là không hợp lý. Tôi cho rằng, quan chức phải chịu sự kiểm sát gắt gao hơn công dân bình thường. Mặt khác, hiện nay việc công khai tài sản còn sơ hở. Nguyên nhân do Luật Phòng, chống tham nhũng quy định nhiều hình thức công khai kê khai tài sản ở Điều 12 như công bố tại cuộc họp, niêm yết tại trụ sở, đưa lên trang web... Điều luật này mở rộng ở đầu quy định nhưng đuôi lại quy định cho phép cá nhân được lựa chọn hình thức công khai. Theo dõi các vụ thanh tra lớn, thì ngay ĐBQH tìm kết luận thanh tra cũng rất khó. Vì có trường hợp, người bị điều tra tham nhũng đã tận dụng điều khoản này để chọn hình thức công khai nào dễ và phạm vi hẹp nhất. Như vậy thì không thể chống tham nhũng tốt được vì phạm vi công khai không rộng.

Luật Thanh tra vừa được QH sửa đổi để bảo đảm cơ quan thanh tra tương đối độc lập với chủ thể quản lý. Nhưng trong thực hiện có nhiều quy định thể hiện tính độc lập của cơ quan thanh tra với đối tượng quản lý chưa được thực hiện. Ví dụ, Luật không quy định sau khi thanh tra thì phải lấy ý kiến của chủ thể quản lý về kết luận thanh tra. Nhưng thực tế lại đang diễn ra như vậy. Tổng thanh tra Nhà nước Huỳnh Phong Tranh cho biết, đợt thanh tra phải sau 1 năm mới đưa ra kết luận (chậm hơn 10 lần so với quy định của luật) do phải lấy ý kiến của cơ quan chức năng khác. Chúng tôi chia sẻ với những khó khăn của cơ quan thanh tra. Tuy nhiên, Luật Thanh tra đã trao quyền độc lập cho cơ quan này với chủ thể quản lý thì không thể không thực hiện. Nếu cơ quan thanh tra không độc lập với cơ quan quản lý ngành thì công tác phòng, chống tham nhũng khó đạt chuyển biến.

Khi tham nhũng đã được khẳng định là quốc nạn thì phải có giải pháp tương ứng. Không thể xác định là quốc nạn mà giải pháp phòng, chống chỉ bình thường. Khi Ủy ban Tư pháp tiến hành khảo sát, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì thấy, việc xử án treo với án tham nhũng sai so với quy định của pháp luật không nhiều. Song, dư luận xã hội đặt câu hỏi vì sao án treo với tội tham nhũng lại có tỷ lệ lớn so với án treo tội trị an, trật tự? Vấn đề ở đây suy cho cùng là phải xem lại chế định án treo ở Bộ luật Tố tụng hình sự. Cụ thể là với trường hợp án phạt không quá 3 năm và có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì được cho hưởng án treo, không cần thiết phải tạm giam. Tình tiết giảm nhẹ ở đây là phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, bồi hoàn, khắc phục hậu quả và những tình tiết giảm nhẹ khác mà phải ghi trong bản án. Tình tiết giảm nhẹ khác là thân nhân tốt, được thưởng huân chương, huy chương... Trong khi đó, người giữ chức vụ, quyền hạn thường phải có thân nhân tốt thì mới được bổ nhiệm. Do đó, phải xem lại chế định án treo với án tham nhũng và phải có điều kiện áp dụng khác với đối tượng phạm tội bình thường. Sẽ là không đúng nếu án tham nhũng căn cứ vào hành lang pháp lý như đối tượng phạm tội trị an, trật tự.

Tham nhũng hiện được phát hiện ít là do đang chặn cả hai đầu. Người hối lộ đứng ra tố cáo có thể chịu phạt đến án chung thân - chặn cả hai đầu như vậy thì làm sao xử lý được? Điều 189 quy định trước khi bị phát giác mà tự tố cáo thì sẽ được xem xét giảm nhẹ. Tuy nhiên, quy định này không khuyến khích cá nhân đứng ra tố cáo hành vi tham nhũng. Để phát hiện hành vi tham nhũng, khuyến khích tố cáo thì trong điều kiện hiện nay cần xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người hối lộ. Chắc hẳn sẽ có ý kiến không đồng tình với quan điểm này, nhưng cũng cần hỏi lại là: nếu anh không sẵn sàng nhận thì người ta có đưa không? Hay như có ĐBQH từng nói anh không nhũng nhiễu, không cửa quyền thì người dân có muốn hối lộ không?
 
ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre): Việc luật hóa các hành vi tham nhũng giữa Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng chưa đồng nhất

Trong thực tiễn phòng, chống tham nhũng thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra đã được thực hiện nhiều nhưng kết quả mang lại ít, gây bức xúc trong dư luận. Lý giải cho thực trạng này, có thể thấy, hiện nay, việc luật hóa các hành vi tham nhũng giữa Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng chưa đồng nhất. Trong Bộ luật Tố tụng hình sự quy định 7 hành vi tham nhũng; Luật Phòng, chống tham nhũng quy định 12 hành vi. Như vậy, còn 5 hành vi chưa được cụ thể hóa. Trong khi đó, đã làm công tác điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng thì dứt khoát phải căn cứ vào Bộ luật Tố tụng hình sự.

Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần đi sâu vào việc sửa đổi, điều chỉnh các quy định về kê khai tài sản trong điều kiện chúng ta chưa thể kiểm soát được thu nhập của cán bộ, công chức; nhanh chóng thành lập tổ chức giám định trong phòng, chống tham nhũng; chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm công tác giám định. Bên cạnh đó, cần quy định trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan quản lý tài chính, tài sản đầy đủ, kịp thời; mạnh dạn cho phép thay đổi việc áp dụng nghiệp vụ trong điều tra các hành vi tham nhũng theo hướng bí mật thực hiện, nhằm tránh nguy cơ tội phạm tham nhũng có thời gian tẩu tán tài sản, hợp thức hóa các hành vi sai phạm. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp, gắn kết giữa các đơn vị thanh tra và điều tra. Ví dụ, khi cơ quan thanh tra phát hiện có dấu hiệu tham nhũng thì Luật cần quy định cơ quan thanh tra có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cho cơ quan điều tra. Việc phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản cần lập tức thực hiện ở giai đoạn này. Còn như hiện nay, chờ có kết luận điều tra mới chuyển sang cơ quan điều tra thì thời hạn đụng với thời hiệu điều tra của bên tố tụng, có những trường hợp không làm án được. Những vướng mắc trong thực tiễn nêu trên gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống tham nhũng.
 
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh): Sửa Luật để có hành lang pháp lý minh bạch hơn cho công tác phòng, chống tham nhũng

Tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đây là công việc còn nhiều khó khăn. Thực tế trong thời gian qua, hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tham nhũng chưa hoàn chỉnh, cho nên có những trở ngại nhất định trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012 chưa phân tích đến cùng những nguyên nhân của tồn tại, yếu kém, chưa chỉ ra được địa chỉ trách nhiệm của những yếu kém. Ví dụ một trong những yếu kém hiện nay là việc xử lý các vụ án tham nhũng thường kéo dài, nhưng Báo cáo chưa chỉ rõ tại sao việc xử lý các vụ án tham nhũng lại kéo dài; nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan và cấp nào, địa phương nào chịu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ án tham nhũng kéo dài?

Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng ở các địa phương là lực lượng chủ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta. Song trong Báo cáo, vai trò của Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng các địa phương còn thể hiện sơ sài, có khoảng 5 - 6 dòng. Tôi e ngại, vai trò của các Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng ở địa phương có tồn tại hay không? Báo cáo nêu năm 2012, Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng của tỉnh, thành phố đã ban hành 638 văn bản để chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương. Trong khi đó, lại chưa nêu được Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng đã phát hiện bao nhiêu vụ vi phạm tham nhũng ở địa phương. Tôi cho rằng, số liệu này cần phải được làm rõ, để thấy sự yếu kém, hạn chế của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng các địa phương.        

Tôi đồng tình với các giải pháp phòng, chống tham nhũng nêu trong Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, trước mắt phải nhanh chóng hoàn tất việc sửa Luật Phòng, chống tham nhũng để có hành lang pháp lý minh bạch hơn cho công tác phòng, chống tham nhũng. Lần sửa đổi này, cần thống nhất quan điểm không nên giao cơ quan hành pháp nắm giữ Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng mà nên đưa về cơ quan Đảng. Một giải pháp nữa cần lưu ý là phát huy mạnh hơn nữa vai trò của cơ quan báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt cần có những giải pháp để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cũng như sự an toàn cho phóng viên tác nghiệp.


Chính phủ cần đánh giá cụ thể, sâu sắc hơn theo tiêu chí nhận định tình hình tham nhũng đã được ban hành

Theo đánh giá của Chính phủ thì công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) chưa đạt yêu cầu và mục tiêu là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý Nhà nước.

Ủy ban Tư pháp nhất trí với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng trong năm 2012. Tuy nhiên, Báo cáo chưa nêu rõ được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã làm tốt hoặc chưa làm tốt công tác PCTN; những lĩnh vực, ngành nào còn để xảy ra nhiều tham nhũng, nguyên nhân để xảy ra tham nhũng và phương hướng phòng, chống, các giải pháp có tính đột phá để tăng cường hiệu quả công tác PCTN. Công tác đánh giá tình hình tham nhũng trong cả nước vẫn chưa căn cứ vào các tiêu chí đã quy định tại Thông tư số 11/2011/TT-TTCP ngày 9.11.2011 của Thanh tra Chính phủ về tiêu chí nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác PCTN... Qua hoạt động giám sát, khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại một số địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng nhưng nhìn chung tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần đánh giá cụ thể, sâu sắc hơn theo tiêu chí đã được ban hành.

Phải có quy định cụ thể để xác định rõ hơn trách nhiệm của cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ

Ủy ban Tư pháp cho rằng, để các quy định pháp luật về PCTN thực sự có hiệu quả trong quá trình thi hành, bên cạnh việc rà soát hệ thống pháp luật để có những sửa đổi phù hợp thì vấn đề cần đặc biệt quan tâm khắc phục là phải có quy định cụ thể để xác định rõ hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ; cần thực hiện nghiêm chủ trương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức kèm theo đó là chính sách về tiền lương thỏa đáng chứ không chỉ chú trọng, quan tâm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chung chung.


(Nguồn: Báo cáo của Ủy ban Tư pháp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012)


(Theo http://daibieunhandan.vn)