•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng nào?

03/08/2011
Với 90 điều mới, 103 điều sửa đổi, Bộ luật Lao động 2007 đang được xem xét điều chỉnh cơ bản. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng việc sửa đổi chỉ tập trung vào điều, khoản cụ thể thì khó mà thoát khỏi “vòng kim cô” của nguyên tắc chung. Và như vậy, liệu có đáp ứng yêu cầu thực tiễn, sự phát triển sâu rộng các quan hệ lao động và hội nhập với nền kinh tế thế giới?
Chiếc áo đã chật

Bộ luật Lao động được QH thông qua năm 1994 và được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007. Theo đánh giá của các chuyên gia, về cơ bản, Bộ luật phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới của đất nước, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các quan hệ lao động, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, sau 16 năm thực hiện, Bộ luật Lao động như một cái áo đã chật, chỉ mới điều chỉnh được 30% lực lượng lao động xã hội (khoảng gần 14 triệu người). Nhiều điều khoản quy định trong Bộ luật chưa sát với thực tế nên khó thực hiện, một số điều khoản không còn phù hợp, trong khi đó có rất nhiều vấn đề mới phát sinh lại chưa được quy định trong Bộ luật này.

Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động vào thời điểm này trở nên cấp thiết và hết sức quan trọng khi chúng ta xây dựng nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trưởng đại diện Friedrich Ebert Stiftung (FES) tại Việt Nam, ông Joerg Bergstermann cho rằng, sửa đổi không chỉ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn mà quan trọng hơn khi Việt Nam là đất nước đang phát triển, muốn vươn lên để hội nhập với nền kinh tế thế giới. Ông Joerg Bergstermann đưa ra nhận định rằng, chỉ có 10 - 12% đối tượng được bảo vệ bởi Bộ luật Lao động. Và thậm chí các chủ lao động có nhiều cách để lách luật đối với người lao động. Thời gian qua có khoảng 4.000 cuộc đình công xảy ra và hầu hết đều diễn ra ngoài khuôn khổ pháp luật. Như vậy có thể thấy, thực tiễn diễn ra khác so với quy định của luật.

Còn bộn bề vấn đề đặt ra trong việc sửa đổi Bộ luật lần này, đó là ý kiến của Phó chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi. Chẳng hạn, ban hành Bộ luật Lao động chung thì phạm vi, đối tượng áp dụng, nội dung điều chỉnh đến đâu? Có nghiên cứu chương trình xây dựng luật chuyên đề không? Giải quyết vấn đề việc làm xã hội và việc làm sau hợp đồng lao động; vấn đề tiền lương… Tất cả những vấn đề đó đang đặt ra cho Bộ luật Lao động lần này những yêu cầu mới mà khuôn khổ của bộ luật hiên nay chưa thể đáp ứng.

Yêu cầu sửa đổi chung và cụ thể

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 275 điều, tăng 51 điều so với Bộ luật cũ; trong đó có 90 điều mới, 103 điều sửa đổi, 82 điều giữ như hiện hành. Đối với mỗi chương cụ thể, Bộ luật đều có những bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Với sự sửa đổi lần này được coi như là một điều chỉnh lớn đối với Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2007. Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ luật Lao động sửa đổi lần này, nếu chỉ tập trung vào từng điều, khoản cụ thể thì sẽ khó thoát khỏi “vòng kim cô” của điều khoản chung.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Nguyễn Hữu Dũng, việc sửa đổi Bộ luật cần bảo đảm sự phân bổ và sử dụng nguồn nhân lực theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, tạo nhiều việc làm và việc làm bền vững cho người lao động. Lý giải cho quan điểm này, ông Dũng cho rằng, tiếp tục giải phóng triệt để, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và tạo động lực mới để nguồn nhân lực phát huy tiềm năng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo nhiều việc làm cũng đồng nghĩa phải nâng cao chất lượng việc làm, việc làm bền vững. Như vậy mới tăng được năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động. Tăng đầu tư cho phát triển, khuyến khích mọi thành phần kinh tế, công dân, nhà đầu tư trong và ngoài nước mở mang ngành nghề, tạo nhiều việc làm cho người lao động, mà trước hết là phát triển các vùng kinh tế trọng điểm ở 3 miền, phát triển mạnh khu vực dân doanh, đặc biệt coi trọng phát triển ngành dịch vụ, công nghiệp chế biến nông sản, khôi phục và phát triển ngành nghề. Bên cạnh đó, cần phát triển thị trường lao động trên phạm vi cả nước gắn kết cung - cầu lao động, phát triển mạnh hệ thống giao dịch của thị trường lao động.

Việc sửa đổi Bộ luật Lao động không chỉ hướng tới điều tiết quản lý nhà nước về lao động mà quan trọng hơn để bảo vệ quyền lợi của chủ thể người lao động và tạo điều kiện thông thoáng cho đơn vị sử dụng lao động phát triển. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Quan hệ lao động mới đang hình thành và ngày càng hoàn thiện, phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập. Điều đó đòi hỏi sự thể chế hóa chủ trương xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ của Đảng và Nhà nước trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lần này. Việc chế hóa thể hiện ở việc quy định về quyền và trách nhiệm của chủ thể đại diện thực sự cho các bên theo quan hệ lao động theo đúng nguyên tắc thị trường, có tính đến yếu tố hội nhập và điều kiện của Việt Nam.

Việc sửa đổi Bộ luật Lao động lúc này là rất cần thiết. Mặc dù còn rất nhiều vấn đề đặt ra từ các quy định cụ thể đến các nguyên tắc chung. Nhưng với sự đóng góp của cán bộ quản lý bộ, ngành, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và người lao động, hy vọng Bộ luật Lao động sửa đổi lần này sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
(Nguồn: http://daibieunhandan.vn)