•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Thực hiện thừa phát lại: Bao giờ có quy chế phối hợp?

06/05/2016
Mặc dù đã có Nghị quyết số 107/2015/QH 13 về thực hiện chế định thừa phát lại, Quyết định sô 101/QĐ – TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết trên, song đến thời điểm này, việc tổ chức thi hành án vẫn là một điểm nghẽn của các Văn phòng Thừa phát lại.

Một trong những giải pháp trước mắt Bộ Tư pháp đề xuất là sớm xây dựng quy chế phối hợp liên ngành với Bộ Công an nhằm xác định rõ trách nhiệm phối hợp của lực lượng công an trong việc tổ chức THA dân sự. Tuy nhiên bao giờ có quy chế phối hợp vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

 

Công an không mặn mà

 

Theo quy định, văn phòng Thừa phát lại (VPTPL) được thực hiện 4 công việc, trong đó có tổ chức thi hành án (THA). Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Tư pháp thì đến nay các VPTPL trên toàn quốc mới THA được 500 vụ (việc), xác minh THA được 1.000 việc – một con số vô cùng khiêm tốn nếu so với các vụ việc THA dân sự cần phải thi hành.

 

Đại diện VPTPL TP Hồ Chí Minh nêu sự việc, đã bán xong tài sản, người trúng thầu đấu giá đã nộp đủ tiền, người phải THA không giao nhà, theo quy định thì TPL phải tổ chức cưỡng chế giao nhà. Để thực hiện được công việc này, TPL đã nhiều lần làm việc với Ban Chỉ đạo THA và các cơ quan chức năng đã ra quyết định cưỡng chế, Ban chỉ đạo và Viện Kiểm soát cũng đã phê duyệt Kế hoạch cưỡng chế. Về mặt thủ tục TPL đã làm đúng và đủ quy định, tuy nhiên tất cả bị vô hiệu hóa vì thiếu sự hỗ trợ của Công an quận với lý do, TPL là một tổ chức xã hội nên Công an không thể hỗ trợ cưỡng chế, và việc này cũng chưa có tiền lệ nên phải xin ý kiến cấp trên.

 

Việc xin ý kiến cấp trên kéo dài trong nhiều tháng, hậu quả là VPTPL bị người được THA và người mua trúng đấu giá tài sản THA khiếu nại, yêu cầu đòi bồi thường.

 

Một trong những nguyên nhân được các cơ quan liên quan đưa ra  là do nhận thức chưa đầy đủ về chế định TPL, cũng như sự tương thích giữa các quy định liên quan đến hoạt động của TPL và hoạt động của  ngành công an, THA. Cụ thể, bản liên quan chưa quy định trách nhiệm của ngành công an trong việc hỗ trợ phối hợp với chấp hành viên, thừa phát lại là tổ chức tư  nhân.

 

Tất nhiên, cũng không ít VPTPL tuy đã nhận được sự hỗ trợ của ngành công an, nhưng nghẽn lại do TPL. Đại diện Chi cục THA dân sự Hà Nội cho biết, để có thể THA thì người đó cần phải trải qua nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, nếu không trải qua nghiệp vụ THA thì không thể THA được, đó là chưa kể đến việc xây dựng được kế hoạch cưỡng chế, thuyết phục các cơ quan liên quan đồng ý với kế hoạch của mình. Không hiếm trường hợp khi được phê duyệt kế hoạch thì VPTPL… xin rút.

 

Mặt bằng chung về thể chế

 

Một trong những giải pháp trước mắt được Bộ Tư pháp đề xuất là sớm xây dựng quy chế phối hợp liên ngành với Bộ Công an, nhằm xác định rõ trách nhiệm phối hợp của lực lượng công an trong việc tổ chức THA dân sự. Chuyên viên cao cấp của Bộ Tư pháp, Dương Thanh Mai gợi ý, trong khi chờ sự hoàn thiện về thể chế thì Bộ Tư pháp cần gỡ khó cho các VPTPL bằng cách chỉ đạo điểm một số vụ việc cụ thể, trọng điểm đang vướng mắc tại các VPTPL. Điều này, vừa bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án, người đã mua trúng đấu thầu tài sản THA, tránh khiếu kiện của người dân.

 

Tất nhiên, những giải pháp nêu trên chỉ có tính chất tạm thời, chưa đi vào thực chất vấn đề của việc tổ chức xác minh THA, THA của các VPTPL. Bởi, THA dân sự luôn là một công việc khó, được coi là điểm nghẽn trong nhiều năm của ngành Tư pháp. Chính vì tính chất khó khăn, phức tạp của công việc nên rất cần sự hỗ trợ của nhiều ngành, trong đó đặc biệt là ngành công an trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành. Vậy, nếu chỉ dừng lại ở phối hợp với ngành công an liệu có giải quyết được gốc rễ vấn đề.

 

Ở một khía cạnh khác cần phải thấy, liên quan đến xác minh THA, tổ chức THA dân sự thì các VPTPL hiện đang phải cạnh tranh với một lực lượng THA chuyên nghiệp được hỗ trợ của lực lượng liên ngành. Vậy, làm thế nào để các VPTPL tạo niềm tin cho người được THA?. Muốn làm được điều này, ngoài sự hỗ trợ liên ngành, thì về lâu dài cần có sự đào tạo, nâng cao kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ liên quan cho các TPL, thư ký TPL.

 

Hiện nay, việc đào tạo này đều do các VPTPL tự lo, tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn (kinh phí tống đạt chưa được phê duyệt, việc tổ chức THA thiếu sự hỗ trợ…) thì việc đào tạo dường như bị bỏ lửng. Chính vì thế, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể từ Bộ Tư pháp trong vấn đề này. Đồng thời, ở khía cạnh dài hơi hơn, cần có sự tích hợp giữa những công việc của TPL và THA dân sự. Theo đó, những gì THADS làm được thì cũng có thể giao cho TPL và ngược lại để người dân có sự lựa chọn. Và, để làm được điều này cần có mặt bằng chung về thể chế theo hướng sửa Luật THADS.

 

(Theo http://daibieunhandan.vn)