•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tìm tiêu chí, phương pháp sửa đổi Hiến pháp

03/08/2011
Tiêu chí và phương pháp sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 được đề cập tại tọa đàm Xây dựng tiêu chí, phương pháp tổng kết việc thi hành Hiến pháp phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, do Viện Nghiên cứu lập pháp vừa tổ chức. Còn nhiều ý kiến khác nhau, song tất cả đều hướng đến việc xây dựng bản Hiến pháp với tư cách là một đạo luật cơ bản và có ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước.
Chưa có quy trình cụ thể

Tổng kết việc thi hành Hiến pháp là xem xét, nhìn nhận lại tổng thể, toàn diện quá trình thực tiễn triển khai các quy định của Hiến pháp trong khoảng thời gian nhất định và một số luật liên quan nhằm phân tích, đánh giá các kết quả đã đạt được, những bất cập, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; từ đó, rút ra những kết luận làm cơ sở cho việc đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của Hiến pháp. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, hoạt động tổng kết thực tiễn việc thi hành Hiến pháp đã nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Qua các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, nhất là khi sửa đổi Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 thì hoạt động tổng kết việc thi hành Hiến pháp được tiến hành đồng bộ với quy mô, phạm vi rộng, số lượng tham gia đông đảo ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp là chủ thể được giao thực hiện tổng kết với nhiệm vụ chính là: tiến hành thu thập, phân tích, đánh giá thông tin, tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau về thực tiễn thi hành Hiến pháp và pháp luật, từ đó cho thấy những ưu điểm và hạn chế, thậm chí là sự mâu thuẫn giữa các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành… để có sự kế thừa, phát triển, điều chỉnh và bổ sung hợp lý, bảo đảm tính khả thi và tính thống nhất của dự thảo Hiến pháp trong hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về quy trình, thủ tục sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, trong đó tổng kết là khâu bắt buộc đầu tiên, nên việc tổng kết thi hành Hiến pháp ở nước ta đôi khi chưa được chú trọng đúng mức, việc thực hiện còn thiếu thống nhất, chưa có hệ thống tiêu chí mang tính chuẩn mực chung và phương pháp thực hiện mang tính khoa học. Thực tiễn cho thấy, việc tổng kết Hiến pháp có nghĩa là việc đánh giá các kết quả đạt được của Hiến pháp, tức là xem việc thực thi Hiến pháp đóng vai trò như thế nào trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và pháp luật. Đồng thời, việc đánh giá này cũng chính là quá trình xem xét Hiến pháp có phù hợp với những điều kiện mới không.

Lựa chọn tiêu chí nào?

Ở góc độ khác nhau sẽ có những tiêu chí đánh giá khác nhau về Hiến pháp, chẳng hạn có tiêu chí về hình thức, tiêu chí về nội dung; tiêu chí dựa trên những đặc điểm của Hiến pháp như tính bền vững, tính công khai, tính dân chủ; tiêu chí về hệ thống chính trị, chế độ kinh tế... Tuy nhiên, tính bền vững, ổn định thể hiện thông qua tính hiệu lực lâu dài, ổn định của Hiến pháp là một tiêu chí nhận được sự nhất trí của giới nghiên cứu. Theo đó, với tư cách là một đạo luật cơ bản và tối cao, Hiến pháp đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính ổn định về chính trị, kinh tế và xã hội. Do vậy, nó thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước, nhân dân và toàn xã hội. Ngược lại, một Hiến pháp được thay thế, sửa đổi thường xuyên thì không thể hiện tính tối cao và cơ bản của Hiến pháp.

Ngoài ra, tiêu chí công khai và minh bạch cũng đáng được xem xét trong quá trình thảo luận các tiêu chí tổng kết Hiến pháp. Theo đó, tính công khai bắt nguồn từ đặc điểm của pháp luật, là đòi hỏi của hệ thống pháp luật và các quy định của Hiến pháp về tổ chức bộ máy Nhà nước ở Trung ương. Tính công khai của các quy định của Hiến pháp thể hiện ở chỗ, không chỉ Hiến pháp mà tất cả các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước phải được ban hành đúng thẩm quyền, theo trình tự luật định và công bố theo quy định của pháp luật. Để bảo đảm tính công khai rộng rãi, cần đánh giá các hoạt động thực thi quy định của Hiến pháp, dựa trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đúng trình tự, đúng thủ tục và với hình thức pháp lý cao, hạn chế tối đa các văn bản hướng dẫn thi hành. Khi tổ chức thực hiện, các cơ quan phải hướng đến đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân với các hoạt động của cơ quan nhà nước.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế, tính minh bạch trở thành yêu cầu, nguyên tắc của Hiến pháp và pháp luật quốc gia trong mối quan hệ với pháp luật quốc tế mà quốc gia đó tham gia ký kết hoặc gia nhập. Tính minh bạch đòi hỏi các quy phạm pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước ở Trung ương phải đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, ổn định, có thể dự đoán trước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận và thực hiện để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, tính minh bạch đòi hỏi quá trình tổ chức và thực thi các quy định của Hiến pháp về tổ chức và hoạt động bộ máy nhà nước ở Trung ương cần phải xác định tiêu chí về tính phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tương thích với các cơ quan Nhà nước của các nước trên thế giới. Tiêu chí này đòi hỏi việc tổ chức, thực thi các quy định của Hiến pháp phải có sự kế thừa, có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trong việc điều chỉnh bằng pháp luật các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động của các cơ quan nhà nước ở Trung ương; đồng thời bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện không bị mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, gia nhập.

Xây dựng diễn đàn sửa đổi Hiến pháp?

Vì Hiến pháp là một đạo luật cơ bản, phản ánh lợi ích của các nhóm lợi ích, tầng lớp, giai cấp khác nhau trong xã hội, nên điều quan trọng là làm thế nào để cho phép họ được quyền tranh luận, trao đổi, bày tỏ quan điểm đánh giá của mình, và quan trọng hơn, những ý kiến, quan điểm của họ được lắng nghe. Chính vì thế, lựa chọn phương pháp nào hay nhóm phương pháp tổng thể nào (phân tích hệ thống, so sánh, điều tra xã hội học, thống kê, chuyên gia, dự báo…) thì cần phải dựa trên những vấn đề nêu trên. Và việc tổng kết Hiến pháp cần phải được thực hiện bằng nhiều hình thức và mô hình khác nhau, từ hội đồng lập hiến, ủy ban sửa đổi hiến pháp, các hội nghị, hội thảo quốc gia, các cuộc tranh luận bàn tròn ở Trung ương và địa phương, các hoạt động đánh giá của các cơ quan hành pháp, các quy trình tiếp xúc và làm việc với cử tri.

Từ cách lập luận trên, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được xem là đợt sinh hoạt chính trị của các tầng lớp nhân dân. Người dân phải có quyền được thông tin về chính sách sửa đổi Hiến pháp, có quyền bảy tỏ các ý kiến đánh giá Hiến pháp hiện hành cũng như những nguyện vọng cho một bản Hiến pháp trong tương lai. Để có thể tham gia vào quá trình này, người dân cần được tiếp cận những thông tin liên quan đến quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; đồng thời cũng có quyền được tiếp cận tham khảo các thông tin liên quan đến quá trình này ở những nước trong khu vực, đặc biệt là nước có hệ thống pháp luật tương ứng với Việt Nam.

(Nguồn: http://daibieunhandan.vn)