•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hoàn thiện cơ chế, chính sách trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

12/02/2020
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, tại phiên họp thứ 42 diễn ra vào sáng 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình tại phiên họp

 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật tại phiên họp, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thời gian qua, một số Bộ luật, Luật mới được ban hành như: Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017); Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Luật cạnh tranh năm 2018… và tình hình thực tế đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số các quy định tại Luật XLVPHC để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

 

Do vậy, việc thể chế kịp thời, đầy đủ đường lối của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định còn hạn chế, vướng mắc để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và khắc phục những bất cập trong thi hành Luật XLVPHC là cần thiết.

Theo Bộ Trưởng Lê Thành Long, Luật XLVPHC, sau 6 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật XLVPHC đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn.

 

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về XLVPHC và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật XLVPHC, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

 

Dự thảo Luật được xây dựng gồm 4 điều. Cụ thể, Điều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC; Điều 2 quy định về việc bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Luật XLVPHC; Điều 3 quy định về việc bãi bỏ một số điều, khoản của Luật XLVPHC và Điều 4 quy định về hiệu lực thi hành.

 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều, sửa kỹ thuật 12/142 điều, bổ sung mới 2 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 5 điều của Luật XLVPHC.

 

Về xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Luật quy định tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng.

 

Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể một số nội dung liên quan đến việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc xác định vi phạm hành chính. Tăng thời hạn ra quyết định xử phạt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bổ sung quy định về việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền đối với tổ chức.

 

Về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, dự thảo Luật đã sửa đổi các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như: quy định cụ thể các hành vi vi phạm là điều kiện để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; bổ sung quy định về việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc…

 

Liên quan đến các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như: tạm giữ người theo thủ tục hành chính; áp giải người vi phạm… để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

 

Đối với việc quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, dự thảo Luật bỏ quy định về việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ 6 tháng tại Điều 17 Luật XLVPHC. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ quản lý thống nhất biểu mẫu sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính, mẫu báo cáo, thống kê dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính.

 

Thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Ủy ban Pháp luật tán thành cách xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, trong đó cơ bản là để khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập của Luật XLVPHC; đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác đấu tranh, phòng ngừa các hành vi vi phạm hành chính. Đồng thời tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách được xác định trong một số văn kiện của Đảng; bảo đảm tính tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

 

Về hồ sơ và tài liệu, Ủy ban Pháp luật nhận thấy Cơ quan soạn thảo đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tham khảo ý kiến góp ý của các cơ quan có liên quan trong quá trình xây dựng dự án Luật.

 

Hồ sơ dự án Luật được gửi đúng thời hạn và cơ bản đầy đủ các loại tài liệu theo quy định. Tuy nhiên, nội dung của các tài liệu trong hồ sơ còn khá sơ sài; Tờ trình và tài liệu trong hồ sơ chưa phân tích, làm rõ được lý do, căn cứ và sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung của dự thảo Luật; nhiều nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật nhưng không phải là vấn đề bất cập được xác định trong Báo cáo tổng kết, cũng không được đánh giá tác động cụ thể; ngược lại, nhiều nội dung được xác định trong Báo cáo tổng kết là có vướng mắc, bất cập nhưng không được sửa đổi, bổ sung, chưa phù hợp với mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật...

 

Do đó, để đáp ứng đủ điều kiện trình Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo hướng bổ sung làm rõ thực trạng các bất cập, vướng mắc, căn cứ, sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các nội dung của dự thảo Luật và đánh giá tác động cụ thể đối với từng chính sách của dự thảo Luật; đồng thời bổ sung dự thảo các văn bản quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

 

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cơ bản tán thành với sự cần thiết, cách xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung được nêu trong Tờ trình, song cũng đề nghị bổ sung làm rõ căn cứ, sự cần thiết sửa đổi, bổ sung và đánh giá tác động cụ thể đối với các nội dung của dự thảo Luật.

 

Toàn cảnh phiên họp

 

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc thật kỹ lưỡng về việc tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực; thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt; việc bổ sung 2 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gồm ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm; việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy…

 

So với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, dự thảo Luật do Chính phủ trình lần này được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng.

 

Về nội dung nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với quan điểm tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng... ở mức cao hơn để tăng sức răn đe.

 

Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm, Luật XLVPHC là dự án Luật quan trọng, được áp dụng nhiều nhất trong thực tiễn. Do vậy, việc sửa Luật cần bảo đảm vừa quản lý nhà nước, quản lý xã hội tốt nhưng vẫn phải đảm bảo tốt quyền con người, quyền công dân.

 

Phát biểu kết thúc nội về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, trên cơ sở các ý kiến góp ý tại phiên họp,  Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật, có đánh giá tác động cụ thể cho từng chính sách mới; rà soát, bổ sung thống kê các vụ xử lý vi phạm qua từng năm, từng lĩnh vực để đảm bảo cơ sở thực tiễn có tính thuyết phục.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát lại các nhóm lĩnh vực nâng mức phạt tiền tối đa theo tinh thần không nhất thiết mức phạt của vi phạm hành chính lúc nào cũng phải thấp hơn hình sự. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Ủy ban thẩm tra, các bộ ngành liên quan, cơ quan hữu quan hoàn thiện dự án Luật trước khi trình ra Quốc hội./.

 

(Theo http://chinhphu.vn)