•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Các chỉ dẫn phát triển truyền thông của UNESCO và khả năng áp dụng ở Na Uy và Việt Nam

10/05/2012
Đây là hội thảo trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nhà nước và Pháp luật với Trung tâm Nhân quyền Na Uy, Đại học Oslo, tổ chức tại Tp. Hạ Long trong hai ngày 3-4/5/2012.

Một số hình ảnh tại Hội thảo
Mục đích của Hội thảo này là nhằm tìm hiểu những nội dung cơ bản của các chỉ dẫn phát triển truyền thông của UNESCO, khả năng áp dụng tại Việt Nam và Na Uy.




Bà Zenia Chrysostomidis, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Vương quốc Na Uy
phụ trách chính trị và hợp tác phát triển, phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận về các báo cáo tham luận của các nhà khoa học Việt Nam và Na Uy tập trung vào những vấn đề: Tổng quan về các chỉ dẫn phát triển truyền thông của UNESCO; các chỉ dẫn phát triển truyền thông của UNESCO và khả năng áp dụng tại Việt Nam; ý nghĩa của việc áp dụng các chỉ dẫn phát triển truyền thông của UNESCO; khung khổ pháp lý về quyền tự do báo chí ở Việt Nam và ở Na Uy; Hội nhà báo Việt Nam và Na Uy với việc áp dụng các chỉ dẫn phát triển truyền thông của UNESCO; quyền được thông tin và pháp luật bảo đảm quyền được thông tin ở Việt Nam và Na Uy; các chỉ dẫn phát triển truyền thông của UNESCO và việc sửa đổi Hiến pháp 1992 của Việt Nam; các chỉ dẫn phát triển truyền thông của UNESCO và dự luật về quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam…

Theo đó, về nội dung, các chỉ dẫn phát triển truyền thông của UNESCO gồm 5 nhóm chỉ số chính, đó là:
    -    Hệ thống quản lý tạo thuận lợi cho tự do biểu đạt, đa dạng và đa chiều của truyền thông;
    -    Đa chiều và đa dạng của truyền thông, một lĩnh vực hoạt động song song với kinh tế và sự minh bạch về quyền sở hữu;
    -    Truyền thông với tư cách là một diễn đàn cho việc thảo luận dân chủ;
    -    Xây dựng năng lực chuyên môn và trợ giúp các tổ chức hỗ trợ tự do biểu đạt, đa chiều và đa dạng thông tin;
    -    Năng lực hạ tầng đủ để hỗ trợ cho truyền thông đa chiều và độc lập.


Trao đổi về những khó khăn và thách thức về khả năng áp dụng các chỉ dẫn phát triển truyền thông tại Việt Nam, ThS. Đỗ Đình Lương (Bộ Tư pháp) cho rằng quyền được thông tin được ghi nhận trong Hiến pháp nhưng chưa có văn bản luật cụ thể điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể trong việc tiếp cận, chia sẻ thông tin. Mặt khác, việc thực thi pháp luật về báo chí, xuất bản còn có những bất cập và chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
 


Ông Gisle Kvanvig - Giám đốc Chương trình Việt Nam,
Trung tâm Nhân quyền Na Uy

Bàn về việc vận dụng các chỉ dẫn phát triển truyền thông của UNESCO vào sửa đổi Hiến pháp năm 1992, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho rằng, cần bảo đảm sự công khai, sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 thông qua các phương tiện truyền thông.

Hầu hết các tham luận đều nhấn mạnh vấn đề trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của giới truyền thông. GS. Vaargan (Đại học ứng dụng Oslo và Akershus) cho biết, Na Uy không có luật riêng quy định trách nhiệm của truyền thông và báo chí nhưng có các văn bản khác điều chỉnh lĩnh vực này, chẳng hạn như luật về quyền sở hữu trí tuệ năm 1999 và luật về quyền thông tin cá nhân năm 2001.

Tổng kết Hội thảo, các nhà khoa học tại Hội thảo đều nhất trí cho rằng, các chỉ dẫn phát triển truyền thông của UNESCO mang đậm tính khoa học, văn hóa và nhân văn. Các chỉ dẫn này được Việt Nam rất quan tâm, mong muốn tìm hiểu và áp dụng vào thực tế. Hai bên nhận thấy có nhiều điểm tương đồng giữa hai quốc gia trong việc thực hiện các chỉ dẫn này. Tuy nhiên, chưa có những nghiên cứu để tìm ra mức độ thực hiện các chỉ dẫn. Vì thế, trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục tổ chức những cuộc hội thảo và nghiên cứu về vấn đề này. Đây cũng là một chủ đề trao đổi trong các Đối thoại thường niên giữa Na Uy và Việt Nam.

Chương trình Hội thảo trong file đính kèm.
 


Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo.

 

 

Các tin cùng chuyên mục: