•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội nghị “Nghiên cứu và đào tạo về quyền con người ở nước ta hiện nay: Thực trạng và giải pháp”

27/11/2013
Ngày 25 tháng 11 năm 2013, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Nghiên cứu và đào tạo về quyền con người ở nước ta hiện nay: Thực trạng và giải pháp”.
Hội nghị là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Nghiên cứu và giáo dục về quyền con người” thuộc Chương trình “Quản trị công và cải cách hành chính” (giai đoạn 2012-2015) theo Hiệp định giữa Chính phủ Đan Mạch và Chính phủ Việt Nam. Tham dự Hội nghị có các đại biểu đến từ các Viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Huế, Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Vinh.
 
GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Dự án “Nghiên cứu và giáo dục về quyền con người” thuộc Chương trình “Quản trị công và cải cách hành chính” (giai đoạn 2012-2015) chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị, cho biết:  hội nghị với mục đích kết nối mạng lưới tất cả các cơ sở đào tạo luật học trên toàn quốc cùng họp lại để chia sẻ kinh nghiệm đào tạo về quyền con người. Dự án đã tổ chức cho cán bộ đi học hỏi kinh nghiệm đào tạo quyền con người ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vừa qua, Dự án cũng đã phối hợp với Trường Đại học Vinh tổ chức hội thảo “Quyền con người với vấn đề báo chí”, phối hợp với Đại học Huế tổ chức hội thảo “Quyền con người với các tổ chức xã hội”. Quyền con người hiện nay không chỉ được đào tạo ở khoa luật mà còn được đào tạo ở một số khoa tại Học viện Khoa học xã hội: Chính sách công, Phát triển con người, Công tác xã hội…
 
Các đại biểu tham dự đã nghe 12 tham luận: 
- “Kết hợp giữa nghiên cứu và đào tạo về quyền con người ở nước ta hiện nay” (do PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày); 
- “Tình hình nghiên cứu và đào tạo về quyền con người tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh”(TS. Trần Thị Rồi,Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh); 
- “Giảng dạy quyền con người từ góc độ ngành Quan hệ quốc tế qua môn học An ninh con người”(TS. Đào Minh Hồng,Trưởng khoa, Khoa Quan hệ Quốc tế,Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh); 
- “Tình hình nghiên cứu và đào tạo về quyền con người tại Học viện Khoa học xã hội” (TS. Lê Mai Thanh, Phó Tổng biên tập, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); 
- “Quyền con người và vấn đề giảng dạy về quyền con người trong trường đại học”(TS. Nguyễn Duy Phương, Phó Trưởng khoa, Khoa Luật, Đại học Huế); - “Hoạt động nghiên cứu và giảng dạy về quyền con người tại Khoa luật, Trường Đại học Vinh” (ThS. Đinh Ngọc Thắng,Trưởng khoa, Khoa Luật, Trường Đại học Vinh); 
- “Nghiên cứu và giảng dạy về quyền con người tại Trường Đại học Luật Hà Nội” (PGS.TS. Nguyễn Hữu Chí, PhóTrưởng khoa pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội); 
- “Viện Nghiên cứu Quyền con người với việc nghiên cứu và giáo dục về quyền con người ở Việt Nam hiện nay”(PGS.TS. Hoàng Văn Nghĩa, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh); 
- “Đào tạo và Nghiên cứu về quyền con người trong ngành xã hội học” (TS. Lê Thị Mai, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng); 
- “Tình hình nghiên cứu, giảng dạy về quyền con người tại  Trường Đại học Tây Nguyên” (TS. Trần Trung Dũng, Phó Hiệu trưởngTrường Đại học Tây Nguyên); 
- “Nghiên cứu và giảng dạy về quyền con người tại khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn” (PGS.TS. Lê Thị Châu, Trưởng khoa, Khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn); 
- “Vài nét tình hình và phương hướng giáo dục quyền con người tại Đại học Cần Thơ” (TS. Phạm Văn Beo,Trưởng bộ môn luật Tư pháp, Khoa Luật, Đại học Cần Thơ).
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, GS.TS. Võ Khánh Vinh, nêu rõ: Vấn đề Quyền con người chưa bao giờ được thể hiện rõ và mạnh mẽ như hiện nay. Sắp tới, việc đào tạo quyền con người sẽ được đưa vào giảng dạy trong chương trình thạc sĩ ngành Chính trị học tại Học viện KHXH. Dự án sẽ kết nối vấn đề nghiên cứu, đào tạo quyền con người theo xu hướng đa ngành, liên ngành về khoa học xã hội để chương trình đào tạo quyền con người được mở rộng, phát triển mạnh mẽ và có sức lan tỏa rộng rãi không những trong nước mà còn trong khu vực. Dự án sẽ mở rộng sự hợp tác đào tạo quyền con người với các quốc gia như Mỹ, Úc, Nga… trong Khu vực; mở rộng liên kết đào tạo quyền con người với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Quốc gia Lào, Viện Khoa học Hoàng gia Campuchia, đặc biệt sẽ có những kết nối với liên minh Châu Âu trong lĩnh vực này. GS.TS. Võ Khánh Vinh cũng bày tỏ kỳ vọng các trường có đào tạo ngành Luật sẽ cùng hợp sức lại, tạo thành sức mạnh để mở rộng mã ngành đào tạo Quyền con người, vì hơn bao giờ hết, phát triển đào tạo quyền con người đang có những thuận lợi nhất định bởi nó đã và đang trở thành chủ trương của Đảng, của Nhà nước.
 
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và đào tạo về quyền con người của các đại biểu tham dự.

Các tin cùng chuyên mục: