•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội nghị tổng kết Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

02/12/2013
Sáng 30/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2008 (Luật năm 2008) và Luật Ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 (Luật năm 2004) nhằm đánh giá toàn diện, khách quan những kết quả đạt được, xác định tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong việc thi hành 02 Luật; qua đó đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm xây dựng Luật ban hành VBQPPL trên cơ sở hợp nhất hai Luật. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển cùng đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp ở địa phương. Về phía Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn, các đồng chí nguyên Thứ trưởng, đại diện các đơn vị thuộc Bộ cùng tham dự Hội nghị.
 
Báo cáo tổng hợp kết quả tổng kết của các Bộ, ngành, địa phương về thi hành Luật năm 2008 và Luật năm 2004, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết: hai đạo Luật này là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động lập pháp ở nước ta. Sự ra đời của hai đạo Luật này đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương về ý nghĩa, vai trò của công tác xây dựng pháp luật, về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động xây dựng pháp luật; tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động xây dựng pháp luật ở nước ta trong những năm vừa qua, góp phần đưa công tác xây dựng pháp luật của Nhà nước ta ngày càng đi vào nề nếp, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng VBQPPL; bước đầu khắc phục được tình trạng hệ thống VBQPPL phức tạp, quá nhiều loại văn bản, gây khó khăn khi theo dõi, xác định thứ bậc hiệu lực của các loại văn bản. Từ đó, góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật có tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hòa và hội nhập quốc tế.
 
Trao đổi tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất đánh giá cao những tác động tích cực mà hai đạo Luật mang lại. Qua 5 năm thực hiện Luật năm 2008 và 9 năm thực hiện Luật năm 2004, Nhà nước ta đã ban hành được một hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh tương đối đầy đủ các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 và những năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công cuộc đổi mới và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi hai Luật như: tính thống nhất, ổn định, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật chưa cao; tính ổn định, cân đối của hệ thống tuy có cải thiện nhưng vẫn còn sự chênh lệch lớn trong các lĩnh vực khác nhau; còn có sự cắt khúc, thiếu tính liên kết hữu cơ giữa việc ban hành pháp luật và thực thi pháp luật; kỹ thuật soạn thảo văn bản còn có những hạn chế nhất định; tiến độ ban hành văn bản chưa đáp ứng được yêu cầu…
 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: qua triển khai Luật năm 2008 và Luật năm 2004, hệ thống pháp luật Việt Nam đã được hoàn thiện đáng kể, tăng về số lượng, đảm bảo về chất lượng và cân đối giữa các lĩnh vực pháp luật, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, đảm bảo quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN, đáp ứng các yêu cầu hội nhập…
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống pháp luật và cách thức xây dựng, thi hành pháp luật vẫn còn những bất cập do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý tới nguyên nhân từ nhận thức chưa đầy đủ, chưa toàn diện của lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương về vai trò, vị trí của công tác xây dựng và thi hành pháp luật; chưa dành đủ nguồn lực về con người, thời gian và kinh phí cho công tác này.
 
Để hoàn thiện thể chế xây dựng pháp luật trong những năm tới, Phó Thủ tướng chỉ ra một số vấn đề cần quan tâm thực hiện như: tiếp tục thể chế hóa định hướng chiến lược của Đảng về xây dựng và thi hành pháp luật, đặc biệt, sớm cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp (sửa đổi) liên quan đến việc ban hành VBQPPL; phát huy vai trò của hoạch định chính sách trong việc thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để xây dựng hệ thống pháp luật nghiêm minh, công bằng, thống nhất; chú trọng tăng cường củng cố, kiện toàn các cơ quan, đơn vị làm công tác xây dựng pháp luật, tăng cường năng lực đội ngũ trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật…
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường một lần nữa nhấn mạnh vai trò của 2 đạo luật về ban hành VBQPPL trong thời kỳ đổi mới. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ rõ: những tồn tại, bất cập trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật thời gian qua, đặc biệt để hai đạo luật song song tồn tại kéo dài, đã để lại những hệ lụy lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Từ đó, Bộ trưởng đã nêu lên một số định hướng cụ thể trong đổi mới thể chế về xây dựng pháp luật, cụ thể: khẩn trương xây dựng một đạo Luật thống nhất về ban hành VBQPPL; mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, hướng tới các quy định mang tính nguyên tắc về phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức thi hành luật… chứ không dừng lại ở ban hành VBQPPL; định hình khái niệm VBQPPL một cách rõ ràng, minh bạch; đổi mới hình thức VBQPPL; đổi mới quy trình xây dựng pháp luật; tăng cường các điều kiện bảo đảm thực thi pháp luật...
 
Nhân dịp này, Hội nghị cũng đã trao bằng khen của Bộ Tư pháp cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, ban hành văn bản và công tác kiểm tra văn bản.
 
(Theo http://moj.gov.vn)

Các tin cùng chuyên mục: