•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Các giải pháp thực hiện triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)”

30/06/2017
Trong khuôn khổ Đề tài cấp Bộ năm 2016 “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc thực hiện hiệu quả Bộ luật Hình sự năm 2015” do TS. Phạm Thị Thúy Nga làm chủ nhiệm, ngày 23/6/2017, Ban Chủ nhiệm đề tài đã tổ chức Hội thảo “Các giải pháp thực hiện triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)”.

TS. Phạm Thị Thúy Nga (giữa) chủ trì hội thảo

 

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp hình sự đến từ Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp,... và đông đảo cán bộ nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

Pháp luật hình sự đóng vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật nước ta. Đây là cơ sở pháp lý cho công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trong thời gian tới nhằm bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân; bảo vệ chế độ, bảo vệ các quyền, lợi ích của Nhà nước, của công dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng như phục vụ nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị.Để triển khai thi hành có hiệu quả, cần phải nghiên cứu, đánh giá đúng ý nghĩa, vai trò của pháp luật hình sự; nghiên cứu, làm sáng tỏ những quan điểm mới của Đảng và Nhà nước ta về chính sách hình sự được thể hiện trong pháp luật hình sự; đánh giá những điểm mới trong các chế định cơ bản của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); chỉ ra các giải pháp đảm bảo thực hiện có hiệu quả pháp luật hình sự.

 

Các tham luận và ý kiến thảo luận tại hội thảo xoay quanh các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) trong thời gian tới.

 

PGS.TS. Cao Thị Oanh, Đại học Luật Hà Nội cho rằng: Thực hiện pháp luật hình sự là một loại thực hiện pháp luật cụ thể cũng bao gồm cả bốn hình thức của thực hiện pháp luật, tức là thực hiện pháp luật hình sự được thể hiện qua các hình thức: tuân thủ pháp luật hình sự, chấp hành pháp luật hình sự, sử dụng pháp luật hình sự và áp dụng pháp luật hình sự. Trên cơ sở đó, PGS.TS. Cao Thị Oanh đề xuất các giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện pháp luật hình sự như: ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện văn bản pháp luật hình sự càng cụ thể, bao quát hết những công việc cần triển khai thì văn bản đó càng có thể được thực hiện tốt trong thực tiễn; tổ chức triển khai, giám sát thực thi pháp luật hình sự và đặc biệt là triển khai công tác giải thích hướng dẫn.

 

PGS.TS. Nguyễn Như Phát, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí, PGS.TS. Cao Thị Oanh

và TS. Đinh Thế Hưng (từ trái sang) trao đổi tại hội thảo

 

Một trong những giải pháp thực hiện pháp luật hình sự trong thời gian tới được hội thảo thảo luận đó là công tác nghiên cứu, lý luận và giảng dạy pháp luật hình sự. Bàn về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Trước hết, cần xác định hướng nghiên cứu của khoa học luật hình sự trong thời gian tới như nghiên cứu phục vụ công tác giải thích hướng dẫn; nghiên cứu làm rõ những nội dung mới của BLHS năm 2015(sửa đổi, bổ sung năm 2017); nghiên cứu về tính thống nhất giữa luật nội dung (luật hình sự) với luật hình thức (luật tố tụng hình sự). Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí, về lâu dài, khoa học pháp lý hình cần nghiên cứu, đánh giá tác động của Bộ luật Hình sự đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và tình hình tội phạm, đánh giá tính phù hợp của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với chính sách hình sự của Nhà nước Việt Nam,...

 

Để bảo đảm thực hiện pháp luật hình sự trong đó có BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cần phải tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác giải thích pháp luật hình sự và áp dụng án lệ. Bàn về nội dung này, TS. Đinh Thế Hưng, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng: Nhu cầu giải thích, hướng dẫn pháp luật hình sự ở nước ta trong thời gian tới là rất cấp thiết. Chính vì vậy, công tác giải thích pháp luật trong thời gian tới cần phát hiện các vấn đề cấp bạch, quan trọng phải giải thích, hướng dẫn áp dụng.Từ thực tiễn công tác xét xử, các Tòa án địa phương tập hợp các vướng mắc về áp dụng pháp luật để đề nghị Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng thống nhất. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dântối cao cũng cần nâng cao chất lượng của công tác tổng kết hoạt động xét xử,lấy ý kiến các đơn vị nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án địa phương để văn bản hướng dẫn phù hợp với yêu cầu hoạt động xét xử.

 

TS. Nguyễn Xuân Hà (giữa)

 

Để thực hiện pháp luật hình sự, trong thời gian tới cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến pháp luật hình sự của các lĩnh vực khác nhau. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Hà, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng: Trước hết, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết thi hành BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017),trong đó xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan có trách nhiệm thực thi và hướng dẫn chi tiết nhằm áp dụng hiệu quả các quy định của Bộ luật. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu rà soát, sửa đổi pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất giữa BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)với hệ thống pháp luật về quản lý hành chính và xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm sự vận hành đồng bộ giữa BLHS năm 2015 với các luật khác liên quan.

 

Ngoài ra, hội thảo cũng dành thời gian để thảo luận, trao đổi về vấn đề xây dựng, sử dụng án lệ trong lĩnh vực hình sự; công tác tuyên truyền, phổ biến BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) trong thời gian tới.

Các tin cùng chuyên mục: