•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Hợp tác xuyên quốc gia trong pháp luật về bảo vệ môi trường khu vực sông Mê Kông”

08/03/2012
Hội thảo do Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Chương trình Nhà nước pháp quyền Châu Á của Viện KAS (CHLB Đức) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 24/02/2012.

Hội thảo có sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học Việt Nam đại diện cho các cơ sở nghiên cứu, đào tạo đến từ: Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Học viện Khoa học xã hội, Trung tâm Phát triển bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC), Đại học Cần Thơ… Đại biểu quốc tế tại Hội thảo có ông Marc Splitzkatz, Giám đốc Chương trình Nhà nước pháp quyền Châu Á của Viện KAS, TS. Joerg Menzel, Đại học Bonn (CHLB Đức), GS.TS. Koh Kheng Lian, Giám đốc Trung tâm Châu Á – Thái Bình Dương về Luật môi trường (Singapore) và GS. Kanongnij Sribuaiam, Khoa Luật - Đại học Chulalongkorn (Thái Lan).

PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật và ông Marc Spitzkatz đồng chủ trì Hội thảo.
 


Hội thảo đã lắng nghe 10 báo cáo khoa học từ các học giả và nhiều ý kiến trao đổi trực tiếp tại hội thảo xoay quanh những vấn đề lý luận và thực tiễn của pháp luật về bảo vệ môi trường lưu vực sông Mê Kông, pháp luật về bảo vệ môi trường của ASEAN và các cơ chế hợp tác của các quốc gia lưu vực sông Mê Kông, đó là:
    -    Biến đổi khí hậu và những thách thức về bảo vệ môi trường trong khu vực sông Mê Kông;
    -    Xây dựng các đập trên sông Mê Kông nhìn từ góc độ bảo vệ môi trường và phát triển bền vững;
    -    Tổng quan và các khía cạnh so sánh của sự phát triển pháp luật về môi trường quốc tế và hợp tác quốc tế;
    -    Khái quát ASEAN – pháp luật môi trường, chính sách và quản lý;
    -    Các bệnh có nguồn gốc động vật (cúm gia cầm), an ninh nguồn nước và quản trị thảm họa;
    -    Tổng quan cơ chế hợp tác quốc tế lưu vực Mê Kông;
    -    Những vấn đề môi trường lưu vực sông Mê Kông và nhu cầu tăng cường hợp tác xuyên quốc gia;
    -    Hợp tác về bảo vệ môi trường khu vực sông Mê Kông trong khuôn khổ Ủy hội sông Mê Kông;
    -    Về khuôn khổ pháp lý hợp tác xuyên quốc gia trong lĩnh vực môi trường khu vực sông Mê Kông;
    -    Quan điểm của các bên liên quan về vấn đề phát triển thủy điện dòng chính hạ lưu vực sông Mê Kông.


Bàn về những thách thức trong việc bảo vệ môi trường lưu vực sông Mê Kông, nhiều ý kiến cho rằng, sự khác biệt về lợi ích giữa các nước ở thượng nguồn và hạ nguồn sông Mê Kông làm cản trở khả năng hợp tác để cùng phát triển. Sức ép của sự phát triển trong bối cảnh phải thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và các cơ chế hợp tác xuyên quốc gia chưa hoàn thiện có nguy cơ gây bùng phát xung đột, hủy hoại các thành tựu về hợp tác-phát triển mà các nước đạt được trong nhiều năm qua.

Về khuôn khổ pháp lý hợp tác trong lĩnh vực môi trường khu vực sông Mê Kông, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã dẫn ra Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững sông Mê Kông được ký kết giữa 4 quốc gia thành viên là Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam vào ngày 5/4/1995. Hiệp định là căn cứ thành lập Ủy hội sông Mê Kông (MRC). Trung Quốc và Myanmar tham gia với tư cách là nước đối thoại. Ủy hội là tổ chức duy nhất có chức năng xây dựng các khuôn khổ pháp lý về hợp tác lưu vực sông Mê Kông, trong đó bao gồm:
    -    Xây dựng những quy chế bắt buộc đối với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước;
    -    Xây dựng quy chế bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực sông;
    -    Thúc đẩy các dự án phát triển chung.


Bên cạnh Hiệp định phát triển bền vững khu vực sông Mê Kông năm 1995 là văn bản pháp lý có ý nghĩa ràng buộc 4 quốc gia, các văn kiện thỏa thuận khác (Chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), Hợp tác Mê Kông – Mỹ, Hợp tác Mê Kông – Nhật Bản) mang tính nội khối cũng như ngoại khối hầu như có tính linh hoạt và được xem như cơ chế pháp lý mềm áp dụng trong thực tế hợp tác khu vực sông Mê Kông. Đây là trở ngại không nhỏ cho việc hợp tác trong lĩnh vực môi trường.

Kết thúc Hội thảo, nhiều nhà khoa học cho rằng những tham luận, ý kiến trao đổi tại Hội thảo rất bổ ích, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong việc xây dựng nền tảng pháp lý và cơ chế hợp tác xuyên quốc gia trong bảo vệ môi trường khu vực sông Mê Kông.
 

Các tin cùng chuyên mục: