•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992 - Những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung"

24/07/2012
Ngày 21/7/2012, tại Hà Nội, Ban chủ nhiệm đề tài độc lập cấp Nhà nước “Cơ sở lý luận và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phù hợp với tình hình mới” đã tổ chức Hội thảo "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992 – Những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung". Đây là hội thảo nằm trong kế hoạch thực hiện đề tài nhánh VII do PGS.TS. Nguyễn Như Phát – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật làm chủ nhiệm đề tài.


TS. Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, TS. Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp và PGS.TS. Nguyễn Như Phát đồng chủ trì Hội thảo.

Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định tại Chương V của Hiến pháp 1992, trong đó, bổ sung thêm một số quyền mới so với Hiến pháp 1980 như: công dân có quyền tự do kinh doanh; quyền cá nhân được suy đoán vô tội; người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được Nhà nước bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi chính đáng...

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Hiến pháp 1992 đã đánh dấu một bước phát triển mới trong nhận thức về quyền con người và quyền công dân, đồng thời xác lập được những nguyên tắc cơ  bản về quyền con người, quyền công dân làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân trên thực tế. Tuy nhiên, sau 20 năm thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền con người và quyền công dân đã bộc lộ một số hạn chế như: chưa làm rõ và tách bạch giữa quyền con người và quyền công dân, giữa quyền và nghĩa vụ cơ bản với quyền và nghĩa vụ khác...

Hiến pháp 1992 cũng còn nhiều quy định về quyền con người chưa gắn với trách nhiệm của Nhà nước; hoặc có những nghĩa vụ của công dân chưa gắn với quyền hạn của Nhà nước; một số quy định về quyền con người, quyền công dân chưa phản ánh đúng bản chất và ý nghĩa của mối quan hệ giữa công dân với Nhà nước... Các ý kiến tại Hội thảo cũng đã đề xuất một số định hướng sửa đổi Chương V thành Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, chuyển vị trí Chương này lên thành Chương II, cơ cấu lại toàn bộ nội dung với việc bổ sung một số quy định về trách nhiệm và cơ chế bảo đảm thực thi quyền con người; không đồng nhất khái niệm quyền con người với quyền cơ bản của công dân; tuyên bố về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ, cập nhật các quyền được ghi nhận trong luật nhân quyền quốc tế...



Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là một chế định quan trọng và là nội dung cơ bản của các bản Hiến pháp trên thế giới nói chung, Hiến pháp Việt Nam nói riêng. Những hạn chế của Hiến pháp 1992 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cần được khắc phục trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này.

Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận kiến nghị của các chuyên gia về định hướng sửa đổi, bổ sung chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp và nêu rõ: cần xem xét sửa đổi chế định này trên cơ sở quán triệt Kết luận của Hội nghị Trung ương V, Khóa XI; kết quả tổng kết thực tiễn 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992; mục đích, yêu cầu thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, trong đó chỉ rõ “con người là trung tâm của chiến lược phát triển đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước, với quyền làm chủ của nhân dân...”.

Các tin cùng chuyên mục: