•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Tài phán hành chính trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay”

21/06/2010
Tài phán hành chính (TPHC) là việc xem xét và ra phán quyết có giá trị pháp lý nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến một hành vi, quyết định hành chính. Đó là tranh chấp giữa một bên là cơ quan hành chính nhà nước với một bên là đối tượng tác động của hành vi, quyết định hành chính (công dân và các tổ chức cụ thể). Như vậy, có thể hiểu TPHC là hoạt động giải quyết các tranh chấp hành chính hay các tranh chấp nảy sinh trong quá trình điều hành, quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó chủ yếu là việc xem xét, phán quyết về tính đúng đắn của các quyết định hay hành vi quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Trong các ngày 14, 15/06/2010 tại Hà Nội và 17, 18/06/2010 tại Nha Trang, hội thảo “Tài phán hành chính trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay” do Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Viện KAS (CHLB Đức, tại Việt Nam) tổ chức. Nhiều đại biểu và nhà khoa học là lãnh đạo các bộ, ngành, viện, trường, và địa phương như: Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Thanh tra nhà nước tỉnh Khánh Hòa, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện KAS, Tòa án nhân dân Tp. Hà Nội, Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính – Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh … đã tham dự hội thảo.

Trong hai cuộc hội thảo được tổ chức về cùng một chủ đề, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến nền TPHC ở Việt Nam được đưa ra bàn thảo.

Theo TS. Trần Thị Hiền, Đại học Luật Hà Nội, hoạt động TPHC tại Việt Nam bao gồm:
-    Hoạt động xem xét giải quyết khiếu nại hành chính của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
-    Hoạt động thanh tra, kiểm tra trong hệ thống cơ quan hành chính;
-    Hoạt động xét xử các tranh chấp hành chính do Tòa án nhân dân thực hiện.
TS. Trần Thị Hiền cũng cho rằng, mô hình tòa hành chính nằm trong cơ cấu toà án nhân dân là tương đối phù hợp với giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

Bàn về cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính, Ths. Nguyễn Tuấn Khanh, Viện Khoa học Thanh tra – Thanh tra Chính phủ, nói: Ở Việt Nam đang tồn tại hai cơ chế giải quyết, cơ chế hành chính và cơ chế tư pháp. Cơ chế hành chính được thực hiện bởi các cơ quan hành chính nhà nước, được tiến hành theo những nguyên tắc của hoat động hành chính và thực hiện theo những trình tự, thủ tục hành chính. Quá trình hình thành và phát triển cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính theo thủ tục hành chính chia làm nhiều giai đoạn, bắt đầu là Pháp lệnh quy định việc xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1981 đến Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, sửa đổi bổ sung 2 lần vào năm 2004 và năm 2005. Về cơ chế tư pháp, việc giải quyết các vụ án hành chính theo cơ chế tố tụng được thực hiện trên những nguyên tắc của hoạt động tố tụng hành chính của cơ quan tư pháp, độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Hiện nay, thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính của Tòa án gồm có 22 loại việc (theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996, sửa đổi năm 2006).

Hoạt động xét xử các vụ án hành chính đã từng bước được đẩy mạnh và đạt được một số kết quả. Theo thống kê từ năm 1998 đến hết năm 2008, toàn ngành tòa án đã giải quyết 19.861 vụ án. Tuy nhiên, tỷ lệ xét xử các vụ án hành chính so với tổng số vụ việc khiếu nại còn thấp. Ông Nguyễn Tuấn Vũ, Chánh tòa hành chính Tòa án nhân dân Tp. Hà Nội, cho biết: Trong năm qua, Hà Nội chỉ có khoảng 100 vụ án hành chính. Người dân thường có tâm lý kiện thẳng lên cơ quan xét xử cấp trên, trong khi tòa cấp dưới hoàn toàn đủ năng lực và xử đúng. Tuy nhiên, các thẩm phán tòa hành chính cũng không thực sự độc lập làm ảnh hưởng đến hoạt động xét xử do bị tác động từ lãnh đạo địa phương và cơ chế bổ nhiệm 5 năm một lần. 

Các đại biểu cũng tập trung phân tích những hạn chế trong hệ thống hành chính nhà nước nhằm hoàn thiện cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính, đó là:
-    Mở rộng phạm vi, đối tượng của việc giải quyết khiếu nại hành chính
-    Tăng cường trách nhiệm giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước
-    Đổi mới thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính
-    Cơ chế bảo đảm việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật
-    Hoàn thiện tổ chức và hoạt động của tòa hành chính.

TPHC có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế. Các đại biểu đều thống nhất quan điểm rằng vai trò của tòa hành chính trong kiểm tra, giám sát thực hiện quyền lực nhà nước được thể hiện rõ nét nhất. Việc thành lập tòa hành chính và thực tiễn hoạt động xét xử trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình cải cách nền hành chính ở nước ta, buộc các cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức phải tự nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn và ý thực trách nhiệm, có những thay đổi phù hợp trong thủ tục cũng như phương thức điều hành, quản lý xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện đầy đủ các quyền tự do dân chủ của mình.

Các tin cùng chuyên mục: