•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo Đề tài cấp Bộ “Hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay”

16/10/2016
Ngày 11/10/2016, tại Hội trường tầng 1, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo của Đề tài cấp Bộ “Hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay” do PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh là Chủ nhiệm.

PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh (trái) và PGS.TS. Nguyễn Đức Minh

chủ trì Hội thảo

 

Tham gia Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; TS. Lê Mai Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật; TS. Lê Minh Thắng, Học viện Bưu chính Viễn thông; TS. Nguyễn Am Hiểu, Đại học Luật Hà Nội TS. Đinh Thị Mai, Học viện Khoa học xã hội và các cán bộ nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

Tham luận đầu tiên là của PGS.TS. Nguyễn Như Phát, “Tổng quan về doanh nghiệp trong bối cảnh cải cách thể chế thị trường ở nước ta hiện nay”. Trong tham luận này, PGS.TS. Nguyễn Như Phát tập trung điểm lại tình hình thực hiện pháp luật về doanh nghiệp từ khi ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2014. Nhìn chung, việc đăng ký doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng 10%, doanh nghiệp bổ sung tăng vốn tăng 43%, số vốn đăng ký tăng lên. Từ tháng 7/2015, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh được giảm bớt (từ 3,8 xuống còn 3,3 ngày).

 

PGS.TS. Nguyễn Như Phát trình bày tham luận

 

Ngoài những mặt tích cực, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cũng chỉ ra những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện luật doanh nghiệp nhận định, chẳng hạn như Luật Đầu tư có lẽ không nên tồn tại khi nhiều quy định của Luật Đầu tư mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp, sự xuất hiện của quá nhiều giấy phép con, các doanh nghiệp không chú trọng đến báo cáo tác động môi trường,...

 

Đồng tình với nhận định của PGS.TS. Nguyễn Như Phát về sự tồn tại của Luật Đầu tư, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh cho rằng, tính trên tổng thể hệ thống pháp luật Việt Nam, Nhà nước kiểm soát các nhà đầu tư nước ngoài cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên 3 vấn đề chính là lao động, môi trường và một số quy định của luật thuế. Những vấn đề khác do các luật khác điều chỉnh, việc giải quyết các tranh chấp thông qua các cơ chế quốc tế cũng như áp dụng quy tắc quốc tế trong ứng xử trong doanh nghiệp. Về điều kiện kinh doanh, Luật Đầu tư công bố tất cả các ngành nghề kinh doanh có điều kiện với hơn 200 lĩnh vực. Tuy nhiên, cần xác định những loại ngành nghề nào thì cần duy trì giấy phép và duy trì giấy phép ở mức độ nào. Quy trình hành chính cho hoạt động này hiện không rõ ràng. Nếu không có giấy phép con thì các Bộ ngành sẽ quản lý bằng cách gì?

 

ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương

 

Tiếp theo, Hội thảo đã lắng nghe ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương trình bày tham luận “Nhu cầu và mục tiêu hoàn thiện khung pháp luật về doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay”. ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương chỉ ra những vấn đề còn nhiều bất cập như mã ngành kinh doanh, nhóm công ty. Về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, lý lịch tư pháp nhiều khi gây hạn chế đến quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư. Để hợp pháp hóa lãnh sự, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư yêu cầu doanh nghiệp phải nộp báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán. Dẫn chứng về những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh cho biết các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải tự mình áp mã số hàng hóa khi làm thủ tục với cơ quan hải quan trong khi các văn bản quy định về mã số xung đột và khác nhau. Việc kiểm soát các văn bản quy phạm yếu khi nhiều công văn chứa nội dung quy phạm sai với quy định trong nghị định, thông tư liên quan đến thuế, đầu tư.

 

Về quản trị công ty cổ phần, TS. Lê Minh Thắng cho biết, dựa trên những nghiên cứu, đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang tập trung nghiên cứu, hoàn thiện 5 nhóm vấn đề:

-        Tập trung hoàn thiện cơ chế, thể chế để đảm bảo khuôn khổ quản trị công ty hiệu quả;

-        Đảm bảo quyền cổ đông và các chức năng sở hữu chính;

-        Đối xử bình đẳng đối với cổ đông;

-        Vai trò của các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

-        Trách nhiệm của Hội đồng quản trị;

 

TS. Lê Minh Thắng, Học viện Bưu chính Viễn thông

 

Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là tranh chấp giữa nhà quản lý, điều hành với cổ đông, hay nói cách khác là giữa người làm thuê với những chủ sở hữu của công ty không niêm yết, công ty đại chúng. Quyền của cổ đông nhỏ bị xâm phạm nghiêm trọng. Việc quy định tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định đại hội cổ đông tăng từ 51% lên 65% số cổ phần dẫn đến các cổ đông lớn sẽ nắm quyền quyết định. Từ đó, TS. Lê Minh Thắng đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện khung quản trị công ty cổ phần, cụ thể là: (i) Các cán bộ điều hành cần tham gia các khóa học để nâng cao ý nghĩa của khung quản trị; (ii) Xây dựng cơ chế bảo vệ cổ đông thiểu số; (iii) Hoàn thiện chế độ công khai hóa thông tin; (iv) Công khai hóa giám sát hiệu quả các giao dịch; (v) Nâng cao tính độc lập của ban kiểm soát.

 

Hội thảo cũng đã lắng nghe hai tham luận nghiên cứu về bản chất pháp lý, cấu trúc vốn và chế độ quản trị của công ty hợp danh và công ty trách hiệm hữu hạn. Ngoài những nội dung trên, các nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận về những vấn đề khác như tội kinh doah trái phép; trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại; doanh nghiệp xã hội;…

 

Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh yêu cầu các thành viên hoàn thiện sớm các chuyên đề để Ban chủ nhiệm Đề tài tổng hợp và bảo vệ đúng tiến độ.

 

Các tin cùng chuyên mục: