•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Cải cách chính quyền địa phương: Chia sẻ kinh nghiệm Việt Nam và CHLB Đức”

15/07/2011
Hội thảo do Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Viện KAS (CHLB Đức) tổ chức tại Hà Nội vào các ngày 04-05/07/2011 và tại Đà Nẵng từ 07- 08/07/2011.
Đông đảo các đại biểu và nhà khoa học đến từ: Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nhà nước và Pháp luật, Bộ Nội vụ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật Tp.Hồ Chí Minh, HĐND Tp.Đà Nẵng, Sở Nội vụ Tp.Đà Nẵng, Sở Nội vụ Bắc Ninh, Trường Chính trị Tp.Đà Nẵng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam,… Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của GS.TS. Otto Depenheuer từ Đại học Koln và ông Stefan Urban – Giám đốc Dự án của Viện KAS tại Hà Nội.

Tại Hội thảo ở Hà Nội, các báo cáo tham luận và các bình luận của các nhà khoa học Việt Nam và chuyên gia Đức đã đề cập nhiều vấn đề lý luận cơ bản về cải cách chính quyền địa phương (CQĐP) cũng như những kinh nghiệm thực hiện cải cách CQĐP tại Việt Nam và CHLB Đức như: Tính chất, vị trí, vai trò của chính quyền địa phương; Quan niệm về phân công quyền lực và phân cấp giữa trung ương và địa phương; Vấn đề phân chia đơn vị hành chính-lãnh thổ; Vấn đề phân định mô hình chính quyền đô thị và nông thôn; Đổi mới tổ chức và hoạt động của các bộ phận cấu thành chính quyền địa phương các cấp; Xu hướng cải cách mô hình chính quyền địa phương trong giai đoạn hiện nay…

Trao đổi về việc phân chia đơn vị hành chính-lãnh thổ và vấn đề cải cách CQĐP hiện nay, TS. Dương Quang Tung – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, cho biết: Trong hai thập kỷ vừa qua, việc phân chia địa phương và nâng cấp đơn vị hành chính diễn ra khá nhiều với lý do đưa ra là để nâng cao năng lực quản lý, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Theo ông, cần xem xét lại việc này khi Việt Nam hiện nay có quá nhiều cấp hành chính và nên chăng cần hợp nhất lại một số tỉnh. Kiến nghị đó nhận đươc sự chia sẻ từ một số đại biểu khác khi cho rằng việc sáp nhập là hợp lý và phù hợp với xu thế chung của thế giới.
    
Về hoạt động của UBND các cấp, TS. Phan Văn Hùng – Bộ Nội vụ, cho rằng: trong 10 năm qua, việc cải cách cơ quan hành chính nhà nước đã có bước tiến dài, thể hiện như: Tăng quyền hạn cho UBND các cấp; Số lượng thành viên trong UBND, đặc biệt ở cấp xã đã giảm nhiều; Phân định rõ thẩm quyền giữa Chủ tịch UBND và tập thể UBND; Cải cách mạnh thủ tục hành chính… Tuy nhiên, TS. Phan Văn Hùng đã đề cập nhiều điểm hạn chế trong tổ chức và hoạt động của UBND các cấp. Chia sẻ ý kiến đó, nhiều đại biểu cho rằng cần cải cách mạnh hơn nữa hoạt động của UBND như: Sửa đổi một số quy định của Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp theo hướng để người dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND; phân biệt mô hình UBND ở đô thị với nông thôn; giảm hơn nữa số lượng thành viên UBND, xác định rõ hơn mối quan hệ về thẩm quyền, trách nhiệm giữa UBND và HĐND cùng cấp cũng như giữa UBND cấp trên và cấp dưới….

Hội thảo đã nghe GS.TS. Depenheuer giới thiệu mô hình tổ chức CQĐP ở CHLB Đức và trình bày những xu hướng mới xuất hiện trong quá trình tăng cường hiệu quả hoạt động của CQĐP. Nhiều câu hỏi, bình luận và trao đổi được nêu ra từ phía các nhà khoa học Việt Nam đối với chủ đề báo cáo của GS.TS Depenheuer. Không khí trao đổi diễn ra đậm chất học thuật và cởi mở.

Tại Đà Nẵng, những vấn đề lý luận cơ bản về chính quyền địa phương cũng như mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Cộng hoà Liên bang Đức được tiếp tục nhấn mạnh và khẳng định lại. Đặc biệt, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và quản lý của Đà Nẵng đến từ HĐND thành phố, Sở Nội vụ thành phố, Đoàn luật sư thành phố, Toà án nhân dân quận Sơn Trà, Truờng Chính trị… đã có nhiều tham luận về thực tiễn tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp tại Đà Nẵng. Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều có chung nhận định Đà Nẵng là địa phương có nhiều kinh nghiệm tốt trong đổi mới chính quyền địa phương, cần được tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng.

Ban tổ chức Hội thảo nhận định rằng cuộc Hội thảo được tổ chức tại hai địa điểm Hà Nội và Đà Nẵng đều đạt được mục tiêu đề ra. Trong một phát biểu của mình, PGS.TS. Nguyễn Như Phát – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật khẳng định rằng những nội dung được đề cập tại hội thảo cần được tiếp tục triển khai nghiên cứu, trao đổi sâu hơn nữa, xem đó là hoạt động thiết thực nhằm phúc đáp yêu cầu đổi mới căn bản mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở nước ta, trực tiếp phục vụ cho nhiệm vụ sửa đổi Hiến pháp 1992 đang đặt ra một cách cấp bách hiện nay. PGS.TS. Nguyễn Như Phát cũng nêu vấn đề xây dựng mô hình chính quyền địa phương tự quản ở Việt Nam như là một gợi mở cho quá trình nghiên cứu tiếp theo.    

Bạn đọc muốn tham khảo nội dung chi tiết của hai cuộc Hội thảo nói trên, xin liên hệ trực tiếp với Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật, số 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

Các tin cùng chuyên mục: