•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Tăng cường quản lý trong Nhà nước pháp quyền trước yêu cầu phát triển xã hội hài hòa”

06/03/2017
Trong 02 ngày, 28/2 và 1/3/2017, tại Khách sạn Sheraton, số 11 Xuân Diệu, Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật đã phối hợp với Viện Konrad-Adenauer-Stiftung của CHLB Đức (KAS) tổ chức hội thảo “Tăng cường quản lý trong Nhà nước pháp quyền trước yêu cầu phát triển xã hội hài hòa”.

Hội thảo đã thu hút sự tham dự của gần 200 lượt đại biểu đến từ các cơ quan:

            - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Ban Hợp tác quốc tế; Viện Nhà nước và Pháp luật; Viện Nghiên cứu Châu Âu; Viện Nghiên cứu Trung Quốc; Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng; Học viện Khoa học xã hội;...

            - Các bộ, ngành trung ương: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Bộ Tư pháp; Bộ Công an; Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; Trung ương Hội Luật gia Việt Nam;...

            - Các cơ sở đào tạo: Trường Đại học Luật Hà Nội; Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Nội vụ; Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Kinh tế Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Khoa Luật, Đại học Vinh.

            - Đại biểu của các địa phương: tỉnh Tuyên Quang; tỉnh Bắc Ninh; tỉnh Hải Dương; tỉnh Hưng Yên, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.v.v.

 

Về phía cơ quan tổ chức hội thảo có sự tham dự của ông Peter Girke, Trưởng đại diện Văn phòng Viện KAS của CHLB Đức tại Hà Nội, cùng một số cán bộ của Văn phòng Viện KAS; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; TS. Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh phát biểu khai mạc hội thảo

 

Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, phát triển xã hội bền vững và hài hoà là xu hướng phát triển tất yếu, khách quan của thời đại. Nhận thức rất rõ vị trí, tầm quan trọng của phát triển xã hội bền vững, trong thời gian qua Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước ta đã rất quan tâm, chú ý phát triển nhanh và bền vững; giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhờ đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội theo hướng bền vững. Tuy nhiên, mục tiêu xây dựng quan hệ hài hòa giữa các lĩnh vực, ngành nghề, vùng, miền vẫn chưa đạt được. Chính sách, giải pháp đối với các vấn đề biến đổi cơ cấu, phân hóa giàu - nghèo, phân tầng xã hội, kiểm soát rủi ro, giải quyết mâu thuẫn xã hội, bảo đảm an toàn xã hội, an ninh cho con người vẫn chưa được thực thi có hiệu quả. Vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn khoa học để thông tin, trao đổi khoa học giữa các nhà nghiên cứu, những người tham gia hoạch định chính sách, những người quản lý, những người tham gia đào tạo, những người làm thực tiễn ở trung ương và các địa phương về quản lý của Nhà nước trước yêu cầu phát triển xã hội hài hòa. Hội thảo thảo luận về giá trị của phát triển xã hội hài hòa và yêu cầu của nó đối với quản lý nhà nước; nhận diện, đánh giá thực trạng quản lý nhà nước trước yêu cầu phát triển xã hội hài hòa. Từ đó, gợi mở và thảo luận một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội hài hòa.

 

Ông Peter Girke, Trưởng đại diện Văn phòng Viện KAS

 

Ông Peter Girke cũng chia sẻ những ý kiến phát biểu của PGS.TS. Nguyễn Đức Minh. Ông cho biết phát triển xã hội hài hòa là định hướng đúng đắn của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội; tuy nhiên sự phát triển này vẫn chưa bền vững. Đó là sự phân cách giàu nghèo, giữa thành thị và nông thôn, ô nhiễm môi trường. Ông mong muốn hội thảo là nơi để các đại biểu và nhà khoa học trao đổi về những thách thức đặt ra trong quá trình phát triển bền vững; qua đó đóng góp những ý tưởng cho việc tăng cường quản lý trong Nhà nước pháp quyền trước yêu cầu phát triển xã hội hài hòa. 

 

Hội thảo đã nghe 12 báo cáo tham luận và 34 lượt ý kiến phát biểu, thảo luận sôi nổi của những người tham dự.

 

GS.TSKH. Đào Trí Úc trình bày tham luận của mình

 

Phiên thứ nhất của Hội thảo có chủ đề “Quản lý của Nhà nước pháp quyền trước yêu cầu phát triển xã hội hài hòa”, do PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và ông Peter Girke chủ trì. GS.TSKH. Đào Trí Úc (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã mở đầu phiên này bằng tham luận về“Vai trò và trách nhiệm của Nhà nước pháp quyền trong bảo đảm xã hội phát triển hài hòa”. Theo GS Đào Trí Úc, phát triển xã hội bền vững, hài hòa đang đặt ra một câu hỏi lớn là làm thế nào để Nhà nước có thể quản trị được quá trình phát triển của đất nước trước yêu cầu của tình hình mới. Nhà nước pháp quyền có vai trò quan trọng và trách nhiệm chủ yếu trong bảo đảm sự phát triển hài hòa của đất nước bằng việc thực hiện nguyên tắc về sự thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Xã hội phát triển hài hòa phải dựa trên nền tảng của Hiến pháp và pháp luật. Công bằng và công lý là những giá trị nền tảng của Nhà nước pháp quyền. Hiến pháp và pháp luật không thể chỉ đứng về phía lợi ích của Nhà nước mà phải tìm sự cân bằng về lợi ích của xã hội. Nhà nước cần phát hiện, kết nối các lợi ích xã hội, khai thác có hiệu quả và phát huy nguồn lực con người. Khi Hiến pháp được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh thì sẽ tạo ra một trật tự xã hội bền vững và dân chủ pháp quyền.

 

PGS.TS. Nguyễn Như Phát

 

Trong tham luận về “Tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội trong quản lý phát triển ở Việt Nam hiện nay”, PGS.TS. Nguyễn Như Phát (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho rằng giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội có mối quan hệ tương tác đặc biệt. Tăng trưởng kinh tế đem lại những giá trị vật chất to lớn chính là điều kiện để thực hiện công bằng xã hội. Kinh tế càng phát triển, càng có điều kiện thuận lợi hơn để hoạch định và thực thi các chính sách công bằng xã hội. Ngược lại, công bằng xã hội có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Ở Việt Nam, trong những năm qua, chính sách phát triển của Nhà nước là luôn kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội và bước đầu đã đạt được nhiều thàn tựu quan trọng. Tuy nhiên, kinh tế thị trường cùng với quy luật giá trị đã làm gia tăng những vấn đề phức tạp trong công bằng xã hội. Việc thực hiện chưa tốt vai trò, chức năng và phương thức điều hành của Nhà nước trong trật tự dân chủ, pháp quyền đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến công bằng xã hội, như: công bằng giữa Nhà nước và nhân dân; công bằng về cơ hội; công bằng trong phân phối nguồn lực và thực hiện chính sách xã hội. Từ những phân tích trên, PGS.TS. Nguyễn Như Phát nêu ra mấy giải pháp về chính sách để vừa tăng trưởng kinh tế vừa giải quyết tốt hơn yêu cầu của công bằng xã hội trong một trật tự hài hòa, đó là:

-  Thay đổi mô hình hình tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục tự do và dân chủ hóa nền kinh tế theo tinh thần của Hiến pháp và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Hạn chế đến mức tối đa sự phân biệt về pháp luật và chính sách giữa các thành phần kinh tế.

-  Hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường. Cải cách hệ thống quản trị quốc gia trên cơ sở nhận thức đúng và phân biệt vai trò của Nhà nước với tư cách là chủ nhân của quyền lực (nhà kiến tạo) và với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp (nhà đầu tư). Thực hiện công khai minh bạch trong điều hành và quản trị quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế; thực hiện có hiệu quả công tác chống tham nhũng.

-  Hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả hơn các chính sách và pháp luật về an sinh xã hội; huy động sức mạnh xã hội để giám sát trong phân bổ các nguồn lực.

 

GS.TS. Lê Minh Tâm bình luận về tham luận của GS.TSKH. Đào Trí Úc

 

GS.TS. Lê Minh Tâm (Hội Luật gia Việt Nam) đã bình luận về tham luận của GS.TSKH. Đào Trí Úc. GS Lê Minh Tâm tâm đắc với thông điệp mà GS.TSKH. Đào Trí Úc đưa ra là Nhà nước cần thể hiện được năng lực phát hiện và phát huy tiềm năng của xã hội cũng như giải quyết hài hòa các xung đột phát sinh. Trong Nhà nước pháp quyền, cá nhân được Hiến pháp ghi nhận không chỉ dưới góc độ công dân mà còn là thành viên của các tổ chức xã hội dân sự. Tăng cường quản lý của Nhà nước không chỉ tập trung vào nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước, mà cần chú ý phát huy vai trò quản lý tự quản của các tổ chức xã hội và phát huy tiềm năng của xã hội và cá nhân.

 

Trong báo cáo về “Chính sách pháp luật về sự hài hòa giữa kinh tế và phát triển văn hóa”, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy (Viện Nhà nước và Pháp luật) khuyến nghị cần nhận thức đúng đắn về mối quan hệ biện chứng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa. Cần tạo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa. Để đạt được điều đó thì chính sách phát triển kinh tế cần gắn với chính sách phát triển văn hóa. Xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam giàu tính nhân văn, vừa tiếp thu những giá trị phổ quát của nhân loại, vừa duy trì bản sắc và những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

 

GS.TS. Võ Khánh Vinh (bìa trái)

 

Tại phiên thứ nhất này còn có tham luận của GS.TS. Võ Khánh Vinh về “Quản lý xung đột và đồng thuận xã hội trong quá trình phát triển ở Việt Nam”. Theo GS.TS. Võ Khánh Vinh, xung đột xã hội và đồng thuận xã hội là những nhân tố khách quan, tồn tại song hành như hai mặt đối lập của sự tồn tại và phát triển của xã hội. Phát triển xã hội hài hòa, ổn định, bền vững là trạng thái phát triển xã hội mà ở đó tuy có sự tồn tại của xung đột xã hội nhưng xung đột xã hội đó được quản lý có hiệu quả và không tác động tiêu cực lớn hoặc ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của xã hội. Quản lý xung đột và đồng thuận xã hội là sự tác động của Nhà nước tới sự vận động của các mâu thuẫn trong xã hội trên cơ sở pháp luật và thông qua các cơ quan trong bộ máy nhà nước với mục tiêu phòng ngừa và giải quyết xung đột xã hội đồng thời củng cố, phát triển đồng thuận xã hội. Phòng ngừa và giải quyết xung đột xã hội, kiến tạo, xây dựng, phát triển đồng thuận xã hội là những nhiệm vụ và nội dung quan trọng, thường xuyên của quản lý phát triển xã hội. Những nhiệm vụ và nội dung này được tiến hành đồng thời và gắn với các nhiệm vụ và nội dung khác của quản lý phát triển xã hội. Sự đồng thuận tạo ra sự bền vững khi đồng thuận dựa trên nền tảng thừa nhận và bảo vệ các quyền và tự do của con người. Ghi nhận và bảo đảm quyền con người là yếu tố hạt nhân của sự đồng thuận xã hội và đây là một điểm nhấn nổi bật của Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam. Không chỉ trong thực hiện chính sách, pháp luật mà cả trong giai đoạn ban hành chính sách, pháp luật đã cần chú ý phát huy các nhân tố kiến tạo, xây dựng, phát triển đồng thuận xã hội, loại trừ các nhân tố tiềm tàng gây ra xung đột xã hội.

 

Bình luận tại hội thảo, ông Peter Girke cho rằng, xung đột và đồng thuận xã hội luôn đặt ra cho quốc gia trong quá trình phát triển. Nước Đức có nền kinh tế thị trường xã hội, ở đó vẫn cần sự tham gia của Nhà nước vào thị trường. Có những phương thức khác nhau trong lĩnh vực kinh tế để giải quyết xung đột xã hội. Chẳng hạn như, trong lĩnh vực lao động, khi thỏa thuận về mức lương cũng như giải quyết các xung đột, Công đoàn đại diện cho người lao động sẽ làm việc với Hiệp hội người sử dụng lao động đại diện cho người sử dụng lao động. Về nguyên tắc, việc xác lập quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động dựa trên sự đồng thuận. Việc giải quyết xung đột thì cần có sự tham gia của nhiều bên.

 

PGS.TS. Nguyễn Văn Vân (Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) trao đổi về giá trị phổ biến của pháp luật và tính công bằng của pháp luật trong quản lý xã hội hài hòa.

 

PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng (Viện NC Đông Nam Á)

 

Phiên thứ hai của hội thảo “Quản lý nhà nước trước yêu cầu phát triển xã hội hài hòa ở một số quốc gia và gợi mở chính sách đối với Việt Nam” do PGS.TS Nguyễn Như Phát và PGS.TS Vũ Thư chủ trì. Hội thảo đã nghe tham luận của PGS.TS. Đinh Công Tuấn (Viện Nghiên cứu Châu Âu), GS.TS. Đỗ Tiến Sâm (Viện Nghiên cứu Trung Quốc), PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á). Từ những kinh nghiệm quản lý nhà nước nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển hài hòa của các nước Bắc Âu, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, các diễn giả đã gợi mở những kinh nghiệm cho Việt Nam:

   - Xây dựng xã hội hài hòa là quá trình xử lý ổn thỏa các mâu thuẫn trong quá trình phát triển, là quá trình không ngừng loại bỏ những nhân tố không hài hòa và tăng cường các nhân tố hài hòa.

   - Cần có hệ thống pháp luật đầy đủ để giải quyết các vấn đề xã hội trong quá trình phát triển đất nước.

   - Nhà nước cần có những giải pháp giải quyết vấn đề phát triển không cân bằng giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc cho con người; giải quyết tốt những vấn đề lợi ích mà người dân quan tâm nhất, trực tiếp nhất và thiết thực nhất; phối hợp lẫn nhau giữa nhà nước quản trị, xã hội tự điều tiết và người dân tự quản lý.

   - Phát huy vai trò và sự chủ động tham gia của người dân, các tổ chức xã hội trong quá trình quản lý nhà nước, xã hội.

   - Xây dựng, kiện toàn, cải cách thể chế, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý theo hướng xây dựng một hệ thống tổ chức quản lý gọn nhẹ, trong sạch và hiệu quả; giảm rào cản về mặt thể chế, tháo gỡ khó khăn cho người dân để giải phóng và phát triển mạnh mẽ sức sản xuất xã hội, tạo cơ sở vật chất cho việc xây dựng xã hội hài hòa; chuyển từ “chính phủ quản lý, điều hành” sang “chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp”, xây dựng “chính phủ liêm chính”; đề cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, đạo đức công vụ trong quản lý nhà nước.

   - Phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng, xã hội, tạo nhiều việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng môi trường xanh, sạch, phục vụ con người, xây dựng hệ thống an sinh xã hội có tính chia sẻ giữa nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ, trong đó Nhà nước giữ vững vai trò chủ đạo.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Ngoài ra, hội thảo đã nghe tham luận về “Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường trong phát triển ở Việt Nam hiện nay” của PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật).

 

Sáng ngày 1/3, hội thảo diễn ra phiên cuối cùng về “Quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực trước yêu cầu phát triển xã hội hài hòa ở Việt Nam”. Sau khi nghe tham luận “Các yếu tố tác động và điều kiện bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội hài hòa” của PGS.TS. Nguyễn Minh Phương (Trường Đại học Nội vụ), PGS.TS. Nguyễn Như Phát nêu ra một số vấn đề để hội thảo cùng thảo luận.

 

PGS.TS. Vũ Thư

 

Phân tích về bình đẳng xã hội trong quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội hài hòa ở Việt Nam, PGS.TS. Vũ Thư (Viện Nhà nước và Pháp luật) đề xuất một số giải pháp như: (i) Xây dựng, hoàn thiện và đổi mới chính sách bình đẳng xã hội; (ii) Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; (iii) Quyền lực nhà nước phải được kiểm soát; (iv) Xây dựng nền kinh tế thị trường đồng bộ; (v) Nâng cao ý thức về bình đẳng trong đời sống xã hội.

 

Bình luận về các tham luận nói trên, PGS. TS Dương Minh Sơn (Trường Đại học Kinh tế Luật Thành phố Hồ Chí Minh) tán thành ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Như Phát khi cho rằng quản lý của Nhà nước không chỉ là việc riêng của cơ quan nhà nước mà còn là công việc của cả xã hội. Trong bất kỳ xã hội nào cũng tồn lại các lợi ích và nhóm lợi ích khác nhau. Sự phát triển xã hội hài hòa phụ thuộc vào việc cân bằng lợi ích của các nhóm đó. Về lợi ích giữa Nhà nước và nhân dân, Nhà nước có xu hướng lạm dụng quyền lực còn người dân thì muốn tự do. Vậy phải làm thế nào để cân bằng lợi ích cho cả hai bên? Một ví dụ cụ thể là hài hòa lợi ích của người nộp thuế với Nhà nước. Nhà nước với các chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp cần tạo ra sự bình đẳng tương đối giữa các chủ thể.

 

PGS.TS. Dương Minh Sơn

 

GS.TSKH. Đào Trí Úc cho rằng bình đẳng và công bằng là hai thuật ngữ có nội hàm khác nhau. Bình đẳng là khái niệm pháp lý còn công bằng là khái niệm trên phương diện xã hội. Khi nói đến bình đẳng là nói đến sự ngang nhau trước pháp luật. Công bằng là bảo đảm các lợi ích chính đáng đều được tính đến. Vậy hai khái niệm này liên quan như thế nào với nhau. Có thể có bình đẳng trước pháp luật nhưng chưa chắc đã có công bằng.

 

Theo ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Đức Minh trong quản lý có hai bên là bên quản lý và bên bị quản lý. Do vậy, xung đột lợi ích đã có tiềm tàng ngay trong mối quan hệ đó. Do đó, cần giải quyết hài hòa xung đột lợi ích trong mối quan hệ đó. Ngoài ra, cần tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa các cá nhân trong xã hội. Cái đích của quản lý là làm hài hòa lợi ích của các cá nhân và ở đó lấy lợi ích chung của xã hội là tiêu chuẩn đánh giá sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Một trong những yếu tố quan trọng để tạo sự đồng thuận xã hội và cân bằng lợi ích giữa Nhà nước và người dân là Nhà nước bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Ông chia sẻ quan điểm của GS.TSKH. Đào Trí Úc là Nhà nước phải phát hiện và phát huy tiềm năng của người dân. Nhà nước chăm lo cải thiện đời sống của người dân, chú ý đến các nhóm yếu thế trong xã hội, tiết kiệm chi phí trong quản lý, chống tham nhũng, lãng phí. Nhà nước huy động nguồn lực của người dân, trước hết là thuế và sử dụng có hiệu quả tiền thuế người dân đã đóng góp để đầu tư phát triển và phục vụ trở lại cho lợi ích của người dân. Nhà nước cũng cần huy động nguồn lực từ các tổ chức xã hội, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội phục vụ lợi ích của người dân.

 

Ngoài ra, hội thảo đã nghe ý kiến bình luận của ThS. Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật) và các tham luận về “Bảo đảm quyền con người trong phát triển xã hội hài hòa ở Việt Nam” của GS.TS. Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội); “Giảm bớt chênh lệch giàu nghèo trong quá trình phát triển ở Việt Nam” của GS.TS. Phạm Hồng Thái (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội).

 

TS. Nguyễn Linh Giang

 

Bình luận về các tham luận nói trên, TS. Nguyễn Linh Giang (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho rằng, để có xã hội hài hòa, ít mâu thuẫn thì cần bắt đầu từ sự tham gia của người dân. Có lẽ, Nhà nước pháp quyền là yêu cầu để đạt được xã hội hài hòa nhưng cũng có trường hợp có xã hội hài hòa mà không cần Nhà nước pháp quyền. Tương tự là các quốc gia phát triển với sự hiện diện các yếu tố của Nhà nước pháp quyền nhưng xã hội không hẳn đã hài hòa. Điều này có thể bắt nguồn từ vấn đề quyền con người, xung đột về sắc tộc, tôn giáo…

 

Kết thúc hội thảo PGS.TS. Nguyễn Đức Minh đã tổng kết hội thảo, phản ánh ý kiến của người tham dự về thành công của hội thảo; đồng thời gợi mở các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. Thay mặt Ban Tổ chức hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh đã cám ơn các báo cáo viên, các nhà khoa học, các vị đại biểu đã đến tham dự và thảo luận tại hội thảo; cám ơn bộ phận tổ chức và phục vụ hội thảo. Thay mặt Viện Nhà nước và Pháp luật, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cảm ơn Văn phòng Viện KAS tại Hà Nội, ông Peter Girke và các cán bộ của Văn phòng Viện KAS đã hỗ trợ, phối hợp với Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức thành công hội thảo.

 

Các tin cùng chuyên mục: