•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học quốc gia “Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”

27/05/2022
Ngày 19/5/2022, tại Đại học Luật, Đại học Huế, đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Đại học Luật, Đại học Huế và Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức., Hội thảo được tổ chức bằng cách kết hợp cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

TS. Phạm Thị Thúy Nga, PGS.TS. Nguyễn Duy Phương và TS. Lê Thị Nga (từ phải sang) chủ trì Hội thảo

 

Tham gia Hội thảo, về phía Viện Nhà nước và Pháp luật có TS. Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng; TS. Nguyễn Linh Giang, Phó Viện trưởng; TS. Trần Văn Biên, Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật; các nghiên cứu viên cao cấp, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương và các nhà nghiên cứu khác. Về phía Đại học Luật, Đại học Huế có PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Duy Phương, Phó Hiệu trưởng và đông đảo giảng viên, sinh viên nhà trường. Ngoài ra, đến dự Hội thảo còn có đại diện các ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế và các nhà khoa học đến từ các đơn vị đào tạo khác.

 

Hội thảo đã nhận được gần 70 tham luận và đã chọn được 42 bài viết có tính học thuật cao của các học giả, nhà nghiên cứu có uy tín đến từ các viện nghiên cứu, học viện và trường đại học. Trong đó, Ban tổ chức lựa chọn 08 tham luận để báo cáo trực tiếp tại Hội thảo. Nội dung các bài viết phong phú, đề cập đến nhiều vấn đề mới, đột phá, phân tích chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực.

 

TS. Phạm Thị Thúy Nga phát biểu khai mạc hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Duy Phương và TS. Phạm Thị Thúy Nga chia sẻ, ở Việt Nam, những giá trị cốt lõi của nhà nước pháp quyền về chủ quyền nhân dân, về tư tưởng đề cao giá trị công bằng, công lý, quyền con người đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới từ những ngày đầu thành lập nước; trở thành tư tưởng xuyên suốt của Cách mạng Việt Nam; thể hiện trong nhiều bài viết, bài nói chuyện của Hồ Chí Minh cũng như trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp nước ta. Mục đích của Hội thảo là nhằm đưa ra các luận cứ khoa học cho việc xây dựng lý thuyết về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN), từ đó định hướng, xác định những bước đi, giai đoạn phù hợp cho quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong thời gian tới.

 

Chủ trì Hội thảo là TS. Phạm Thị Thúy Nga, PGS.TS. Nguyễn Duy Phương, TS. Cao Đình Lành và TS. Lê Thị Nga (Đại học Luật, Đại học Huế).

 

Tham luận mở đầu của GS.TS. Võ Khánh Vinh (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), “Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, do TS. Trần Văn Biên thay mặt trình bày. Theo tác giả, pháp luật là đặc trưng cơ bản, cốt lõi, có nội hàm rất phong phú và gắn liền với những đặc trưng cơ bản khác của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Bài viết luận giải nội dung, tính chất và các mối quan hệ của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; thực trạng khái quát về pháp luật hiện nay và đổi mới thể chế pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

 

PGS.TS. Nguyễn Duy Phương trình bày tham luận

 

Tiếp theo là tham luận “Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền” của PGS.TS. Nguyễn Duy Phương. Bài viết nhận định, nhà nước pháp quyền là một sản phẩm vô giá trong quá trình phát triển của nhân loại. Ở Việt Nam, tư tưởng về nhà nước pháp quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết, xây dựng nên và là nền tảng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay. Theo đó, tư tưởng của Người về nhà nước pháp quyền được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau: Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; Nhà nước hợp hiến, hợp pháp, quản lý xã hội bằng pháp luật kết hợp với giáo dục đạo đức; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; Nhà nước có hệ thống pháp luật dân chủ, thể hiện ý chí, lợi ích của nhân dân; Nhà nước có trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước nhân dân, bảo đảm cho công dân phải làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; Có biện pháp kiểm soát quyền lực nhà nước, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kiểu mới. Phân tích về tư tưởng Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân, PGS.TS. Nguyễn Duy Phương cho rằng, quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh là xác lập tất cả mọi quyền lực trong tay Nhà nước và trong xã hội đều thuộc về nhân dân, được thể hiện rõ nét trong các bản Hiến pháp.

 

Hội thảo tiếp tục lắng nghe PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương trình bày tham luận “Hoàn thiện pháp luật về dân chủ ở Việt Nam hiện nay”. Nhìn nhận về thực trạng pháp luật về dân chủ, trên phương diện nhận thức, tác giả cho rằng, mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật chưa được nhận diện đầy đủ. Sự phân định giữa pháp luật với nguyên tắc pháp quyền, nhà nước pháp quyền chưa mạch lạc khiến cho việc xác định các yêu cầu cụ thể của pháp luật chưa rõ nét. Ngoài ra, pháp luật về dân chủ còn nhiều bất cập về nội dung và hình thức, vẫn còn không ít khoảng trống và nhiều điểm chưa phù hợp, chưa đủ ràng buộc, chưa kiểm soát một cách thực sự hữu hiệu đối với các chủ thể trong các hành động liên quan đến bảo đảm quyền dân chủ. Trong thực tiễn, tình trạng tách rời giữa dân chủ và kỷ cương, dân chủ và pháp luật vẫn còn xuất hiện trong Đảng, Nhà nước và xã hội. Biểu hiện tập trung nhất là trạng thái vừa chuyên quyền, mất dân chủ hay dân chủ hình thức, vừa dân chủ quá trớn, cực đoan, lợi dụng dân chủ. Để giải quyết những vấn đề trên, PGS.TS. Việt Hương đề xuất một số giải pháp là: Cụ thể hóa quy trình lập hiến theo hướng đề cao vị trí quyền lực của nhân dân, đi đôi với xây dựng cơ chế bảo hiến hữu hiệu; Đến năm 2030, đảm bảo áp dụng trong thực tiễn cơ chế pháp lý cho phép vận hành nguyên tắc quyết định theo đa số và bảo vệ ý kiến của thiểu số trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước; Xây dựng chính sách, pháp luật và hiện thực hóa theo hướng đảm bảo luật hóa đến mức tối đa các quyền dân chủ của người dân, đảm bảo pháp luật dân chủ trở thành một bộ phận trọng yếu của hệ thống pháp luật hiện hành.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương trình bày tham luận

 

Sau đó, với tham luận “Nguyên tắc pháp quyền trong mối quan hệ với dân chủ và quyền con người”, TS. Lê Thị Nga đã phân tích, làm rõ mối quan hệ giữa nguyên tắc pháp quyền, quyền con người và dân chủ trong bối cảnh yêu cầu của hoạt động xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Để bảo đảm nguyên tắc pháp quyền, điều tiên quyết là phải xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện, khoa học, làm khung khổ pháp lý cho việc thiết lập và vận hành nền dân chủ và thực thi quyền con người. Để đáp ứng được điều này, hệ thống pháp luật phải bảo đảm các yếu tố minh bạch, khả thi, hợp lý; có cơ chế pháp lý để buộc cơ quan nhà nước tuân thủ pháp luật…

 

Bình luận tại Hội thảo về vấn đề quyền con người, TS. Nguyễn Linh Giang cho rằng, việc pháp điển hóa các quyền dân sự - chính trị cơ bản là cần thiết để bảo vệ lợi ích chung của xã hội và bảo đảm, bảo vệ quyền con người. TS. Nguyễn Linh Giang cũng trao đổi về mối quan hệ giữa quyền của nhóm thiểu số với dân chủ trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới ngày càng quan tâm và lắng nghe ý kiến của nhóm thiểu số và nỗ lực bảo vệ quyền của họ.

 

Ngoài các tham luận nêu trên, Hội thảo còn lắng nghe các tham luận:

- Mối quan hệ giữa lẽ công bằng và nguyên tắc pháp quyền từ góc nhìn của Aristotle và những gợi mở trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam – ThS. Đồng Thị Huyền Nga (Đại học Luật, Đại học Huế);

- Hoàn thiện pháp luật về giám sát của các hoạt động của bộ máy nhà nước ở Việt Nam hiện nay – TS. Lê Thương Huyền (Viện Nhà nước và Pháp luật);

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với yêu cầu xây dựng nền quản trị quốc gia trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam – TS. Nguyễn Thị Linh Giang (Học viện Chính trị khu vực III).

 

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (bìa phải) thảo luận tại Hội thảo

 

Bàn về lẽ công bằng, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng, để nhìn nhận, xem xét đã có sự bình đẳng, công bằng hay chưa thì không chỉ căn cứ vào các quy định của pháp luật mà cần phải xem xét ở góc nhìn rộng hơn: Bối cảnh của vụ việc, phong tục, tập quán, hoàn cảnh của các chủ thể… Hồ Chí Minh rất coi trọng tính chính đáng của chính quyền nhân dân. Để thể hiện tính chính đáng, chính danh của chính quyền thì nước ta đã tổ chức tổng tuyển cử năm 1946. Đề cao tính chính đáng, chính danh của chính quyền thì phải đề cao Hiến pháp. Hồ Chí Minh không tuyệt đối hóa tính giai cấp mà coi trọng tính xã hội, tính dân tộc, tính nhân dân của pháp luật. PGS.TS. Phạm Hữu Nghị đồng ý với PGS.TS. Nguyễn Duy Phương về ý kiến cần sử dụng nhiều loại quy phạm khác, cùng với quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm tạo ra trật tự xã hội, đồng thời thúc đẩy xã hội phát triển.

 

Hội thảo cũng thu nhận nhiều trao đổi, thảo luận rất sôi nổi về sự cần thiết phải có tòa hiến pháp; về cơ chế pháp lý giám sát hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam theo yêu cầu của Hiến pháp năm 2013; về sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân đối với các tổ chức của Đảng; về sự cần thiết ban hành Luật về Hội, Luật về biểu tình.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Nhiều ý kiến từ các đại biểu, các nhà khoa học trên tinh thần trách nhiệm, khoa học, thẳng thắn đề cập và đề xuất những nội dung cốt lõi, mới, đột phá về tư duy pháp lý góp phần hoàn thiện lý thuyết về nguyên tắc pháp quyền trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam làm nền tảng để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Có nhiều vấn đề đã được Hội thảo làm rõ cũng như được đưa ra trao đổi, thảo luận và cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.

 

Phát biểu kết thúc hội thảo, TS. Phạm Thị Thúy Nga và PGS.TS. Nguyễn Duy Phương khẳng định Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, Ban tổ chức cảm ơn các đại biểu, nhà khoa học, thày cô giáo và các bạn sinh viên đã nhiệt tình tham gia và đưa ra nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận. TS. Phạm Thị Thúy Nga và PGS.TS. Nguyễn Duy Phương mong muốn Viện Nhà nước và Pháp luật và Đại học Luật, Đại học Huế tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động khoa học trong thời gian tới.

 

Các đại biểu, nhà khoa học chụp ảnh kỷ niệm

Các tin cùng chuyên mục: