•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học quốc tế “Biến đổi khí hậu – Những vấn đề pháp lý và chiến lược ứng phó trong ASEAN”

27/06/2017
Trong 02 ngày, 20 - 21/6/2017, tại Khách sạn Hilton Hanoi Opera , số 1 Lê Thánh Tông, Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật đã phối hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung của CHLB Đức (KAS) tổ chức hội thảo quốc tế “Biến đổi khí hậu – Những vấn đề pháp lý và chiến lược ứng phó trong ASEAN”.

Hội thảo đã thu hút sự tham dự của hơn 100 lượt đại biểu đến từ các cơ quan sau đây:

- Các bộ, ngành trung ương: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu, các cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường: Cục Biến đổi khí hậu, Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Vụ Pháp chế; Bộ Tư pháp; Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban thường vụ Quốc hội,...

- Các cơ sở đào tạo: Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Học viện Ngoại giao,...

- Đại biểu của các địa phương: thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bạc Liêu.

- Các nhà khoa học quốc tế đến từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Ấn Độ.

 

Về phía cơ quan tổ chức hội thảo có sự tham dự của bà Gisela Elsner, Giám đốc Chương trình Nhà nước pháp quyền Châu Á, Viện KAS; ông Peter Girke, Trưởng đại diện Văn phòng Viện KAS tại Hà Nội; PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; TS. Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

Phát biểu chào mừng hội thảo, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hoan nghênh Chương trình Nhà nước pháp quyền Châu Á, Viện KAS và Viện Nhà nước và Pháp luật đã có sáng kiến tổ chức hội thảo với chủ đề mang tính thời sự và cấp bách hiện nay, được thế giới nói chung cũng như Nhà nước và người dân Việt Nam hết sức quan tâm. Ông mong muốn hội thảo là diễn đàn để các đại biểu, các nhà khoa học có cơ hội trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm từ đó tìm ra giải pháp và chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu từ góc độ pháp lý.

 

Ông Peter Girke và bà Gisela Elsner cũng chia sẻ những ý kiến của PGS.TS. Đặng Nguyên Anh. Bà Gisela Elsner cám ơn các nhà khoa học nước ngoài và Việt Nam đã quan tâm và dành thời gian có mặt ở đây để cùng trao đổi, thảo luận về một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Biến đổi khí hậu, biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và nước biển dâng đã tạo nên các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của người dân. Bà Gisela Elsner hy vọng các ý kiến tại hội thảo sẽ gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược, hoàn thiện các văn bản pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Ngoài 16 tham luận và các gợi ý, bình luận của những người chủ trì, hội thảo có 48 lượt ý kiến phát biểu, thảo luận sôi nổi cũng những người tham dự.

 

Phiên thứ nhất của hội thảo có chủ đề “Tác động của biến đổi khí hậu và các yêu cầu đặt ra đối với việc ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu”, do PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và bà Gisela Elsner chủ trì. Tham luận đầu tiên do PGS.TS. Nguyễn Đức Minh trình bày, “Nguyên nhân và tác động của biến đổi khí hậu đến xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật ở Việt Nam”. Con người là nguyên nhân chính gây ra sự nóng lên trên toàn cầu hiện nay, thể hiện ở việc sử dụng ngày càng nhiều năng lượng; gia tăng các phương tiện giao thông; phát thải khí nhà kính từ các quy trình công nghiệp được sản xuất trong quá trình chuyển hoá hóa học của vật liệu; ô nhiễm từ sản xuất của các làng nghề; rừng bị cháy và bị chặt phá; sản xuất nông nghiệp và hậu quả từ đô thị hóa.

 

Biến đổi khí hậu đã thúc đẩy nhanh và toàn diện quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, nhất là chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu. Việt Nam cơ bản đã tạo đủ khung thể chế và chính sách ứng phó biến đổi khí hậu. Việt Nam tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) sau khi Công ước này được ký kết. Từ hơn 10 năm trở lại đây, Quốc hội Việt Nam đã chú ý xây dựng, ban hành chính sách và nhiều đạo luật liên quan đến phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã được hiến định trong Hiến pháp với quy định về trách nhiệm của Nhà nước chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã thực hiện ba chương trình ứng phó biến đổi khí hậu quan trọng: (i) Chương trình Khoa học công nghệ quốc gia về biến đổi khí hậu, (ii) Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và (iii) Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC).

 

Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của Nhà nước, của các quốc gia và toàn nhân loại. Các quốc gia cần hợp tác, phối hợp chặt chẽ với nhau trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhà nước cần tuyên truyền, giáo dục, giúp cho mọi tổ chức, cá nhân và các chủ thể khác trong xã hội nhận thức đúng, đủ về nguyên nhân, tác động của biến đổi khí hậu, thu hút họ cùng tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống biến đổi khí hậu. Lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của quốc gia. Ngoài một chiến lược riêng, vấn đề biến đổi khí hậu cần được chú ý trong các chính sách, pháp luật có liên quan. Cần hài hòa cả hai mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong chính sách của bộ, ngành và địa phương, cũng như hài hòa giữa chính sách của trung ương với chính sách của địa phương.

 

Ngoài ra, để loại bỏ nguyên nhân con người gây ra biến đổi khí hậu, ngay từ bây giờ đã phải ban hành chính sách, pháp luật về năng lượng thay thế theo hướng sử dụng năng lượng sạch, giảm việc tiêu thụ than và nâng cao hiệu quả sử dụng điện cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thực hiện các biện pháp ứng phó với biển đổi khí hậu.

 

Tiếp theo là tham luận “Khung pháp lý ASEAN về biến đổi khí hậu” của GS. Koh Kheng Lian (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Singapore). Nhìn chung, sau trận bão Haiyan đổ bộ vào miền Trung Philippines năm 2013, ASEAN đã tích cực và có nhiều bước tiến trong việc xây dựng các văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu. Tác giả đã nghiên cứu một số văn kiện quan trọng của ASEAN, tập trung vào cách quản lý thiên tai và phản ứng khẩn cấp, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ những nghiên cứu này, GS. Koh Kheng Lian nhận định ASEAN đang thực hiện mạnh mẽ mục tiêu trở thành người đi tiên phong trong quản lý thiên tai và phản ứng khẩn cấp với những tác động của biến đổi khí hậu tới năm 2025.

 

Tham luận của PGS.TS. Phạm Hữu Nghị bàn về các yêu cầu đặt ra đối với chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đó là:

- Chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu cần xác lập được trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, có sự tham gia và giám sát của toàn xã hội.

- Cần thể hiện được quan điểm tổng hợp và thống nhất, liên ngành, liên vùng; vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản, bảo đảm tính toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm; có bước đi phù hợp trong từng giai đoạn; dựa vào nội lực là chính, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ và kinh nghiệm quốc tế.

- Cần thể hiện đồng thời cả nội dung thích ứng và nội dung giảm nhẹ biến đổi khí hậu, trong đó thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm.

- Cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, thể hiện rõ trách nhiệm giải trình có chính quyền các cấp, ngăn ngừa và chống tham nhũng.

- Hướng tới bảo đảm, bảo vệ quyền con người được sống trong môi trường an toàn, bảo đảm sinh kế, lương thực, thực phẩm, bảo đảm sự sống và sức khỏe của người người dân, nhất là người dân ở những vùng chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.

 

Biến đổi khí hậu gây ra nhiều thiên tai và tàn phá mạnh mẽ đến môi trường và cuộc sống người dân, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương, đó là người nghèo, người già, trẻ em, phụ nữ và người khuyết tật. Những tổn thất gặp phải sẽ lại càng làm chồng chất thêm gánh nặng của họ trong đời sống vốn đã nhiều khó khăn. GS. Gloria Ramos (Trường Luật, Đại học Cebu, Philippines) đã có bài trình bày nhìn nhận cách phản ứng của Chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự sau sự cố cơn bão Haiyan và đề xuất các phương án khả thi để bảo đảm khả năng thích nghi của nhóm người này. Tuy nhiên, trên thực tế, họ vẫn đang phải sống trong những khu vực với môi trường bị ô nhiễm. Những nhà máy điện than đã xây dựng quy trình giảm ô nhiễm nhưng không thực hiện.

 

Tại phiên này, hội thảo cũng đã lắng nghe tham luận của GS. Linda Yanti (Trường Luật, Đại học Gadjah Mada, Indonesia) và thảo luận về việc ban hành chính sách pháp luật ở các quốc gia trong khu vực ASEAN.

 

Phiên thứ hai “Thiết chế ứng phó với biến đổi khí hậu” do PGS.TS. Nguyễn Như Phát và PGS.TS. Phạm Hữu Nghị chủ trì. Mở đầu phiên là tham luận “Thiết chế quốc gia và quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu” của luật sư Sanjeet Purohit (Tòa thượng thẩm Ấn Độ). Bắt đầu từ tháng 6/1992, Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) ký kết tại cuộc họp thượng đỉnh trái đất ở Rio, đem thế giới lại gần với nhau để hạn chế khí phát thải nhà kính và thích nghi với biến đổi khí hậu. Công ước này đòi hỏi trách nhiệm ở tất cả các cấp độ và chia sẻ trách nhiệm công bằng cho các quốc gia. Các thiết chế quốc tế như Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cung cấp thông tin khoa học, kĩ thuật, kinh tế - xã hội liên quan tới cách hiểu về biến đổi khí hậu. Các tổ chức biến đổi khí hậu quốc tế khác như UNFCCC, UNDP, và CLIVAR (Chương trình dao động khí hậu và khả năng dự báo) tập trung vào nghiên cứu liên ngành về biến đổi khí hậu.

 

Theo luật sư Sanjeet Purohit, Hiệp ước Paris năm 2015 nhấn mạnh quá trình hơn là các mục tiêu xác định giảm thiểu. Đối với các quốc gia đang phát triển, các chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu nhằm hiện thức hoá cam kết quốc tế, do đó Ấn Độ cũng như Việt Nam sẽ làm gì để thực thi hiệp ước này là vấn đề cần phải bàn. Chúng ta phải xác định rõ mục tiêu để hiện thực hóa các con số trong Hiệp ước Paris. Không có giải pháp nào là toàn diện và còn nhiều việc phải làm nhưng chúng ta cần nhận thức được không thể đứng yên mà phải hành động tích cực ngay từ bây giờ.

 

Về mối liên hệ giữa chủ quyền quốc gia với biến đổi khí hậu cũng được các nhà khoa học thảo luận sôi nổi. GS. Koh Khang Leng cho rằng, ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu nên ngoài việc tôn trọng, bảo vệ chủ quyền thì các quốc gia cũng phải có nghĩa vụ tuân thủ các hiệp định quốc tế. Chủ quyền quốc gia ko bị can thiệp khi chúng ta nhìn nhận “can thiệp” theo hướng “hợp tác – phối hợp”. Khi một quốc gia trong ASEAN gặp những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu thì các quốc gia khác trong khối cần có những hành động hỗ trợ giúp đỡ. PGS.TS. Phạm Hữu Nghị nhận định, nhiều quốc gia đang “lẩn trốn” trách nhiệm của mình. Ông dẫn chứng trường hợp các quốc gia ở thượng nguồn lưu vực sông Mê-kông đang xây dựng và vận hành các công trình thủy điện để tận dụng triệt để nguồn nước dẫn đến hạn hán và xâm nhập mặn cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, Ủy hội sông Mê-kông cần đưa ra cơ chế pháp lý ràng buộc các quốc gia này có trách nhiệm trong việc sử dụng hài hòa, hợp lý nguồn nước, không gây tác hại xấu đến các quốc gia khác.

 

Tiếp theo, ThS. Nguyễn Văn Huy (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường) giới thiệu tình hình triển khai, tập trung vào một số kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu của Việt Nam trong thời gian qua; đồng thời đề ra một số định hướng, nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới tại Việt Nam.

 

Về thực tiễn ứng phó với biến đổi khí hậu ở địa phương, hội thảo đã nghe tham luận của ông Huỳnh Đỗ Khoa về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và một số giải pháp mà tỉnh Bạc Liêu đã và đang thực hiện để ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, Bạc Liêu phải đón nhận nhiều đợt triều cường dâng cao bất thường, nước biển dâng cao, các trạng thái thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn và sụt lún ở bán đảo Cà Mau. Mức nước trung bình ở ven biển Bạc Liêu có khuynh hướng tăng cao với tốc độ 10,62mm/năm, trong khi mức trung bình theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2016 là 3.34mm/năm. Như vậy, nếu mực nước biển dâng 1m thì tỉnh Bạc Liêu sẽ bị ngập 48,6% diện tích. Đợt hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra trong mùa khô năm 2015-2016 đã gây thiệt hại năng nề trong sản xuất nông nghiệp và thiếu nước ngọt sinh hoạt cho khoảng 5.000 hộ dân.

 

Trước những diễn biến nêu trên, tỉnh Bạc Liêu đã và đang triển khai rất nhiều các chương trình, kế hoạch, như: xây dựng tuyến đê Biển Đông, 24 cống, hệ thống kè và các công trình trên đê biển; nghiên cứu xây dựng các công trình giảm sóng, gây bồi tạo bãi, phát triển thảm rừng phòng hộ; xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh để phục vụ sản xuất (hệ thống thủy lợi, giao thông, trạm bơm điện điện kết hợp các ô đê bao khép kín); xây dựng và thực hiện các dự án sơ tán dân khỏi rừng phòng hộ và các khu vực có nguy cơ sạt lở cao;…

 

Tại phiên thứ hai này, hội thảo cũng đã lắng nghe tham luận của TS. Nguyễn Văn Phương “Sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam” và thảo luận về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

 

Sáng ngày 21/6, hội thảo diễn ra phiên cuối cùng “Chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu của một số nước và gợi mở kinh nghiệm cho Việt Nam”. GS. Noriko Okubo (Đại học Osaka, Nhật Bản) tập trung phân tích các biện pháp giảm thiểu liên quan tới chính sách biến đổi khí hậu ở Nhật Bản. Ngày 13/5/2016, Kế hoạch ứng phó hiện tượng trái đất nóng lên đã được Quốc hội Nhật Bản thông qua. Kế hoạch vạch ra đường hướng để đạt được mục tiêu trung hạn là giảm thiểu phát thải khí nhà kính 26% vào năm 2030 so với năm 2013, làm rõ các chính sách và biện pháp thực hiện, đồng thời đặt ra mục tiêu dài hạn là giảm 80% vào năm 2050. Các biện pháp ứng phó chủ yếu bao gồm tiết kiệm năng lượng, tăng cường năng lượng tái sinh và quy hoạch sử dụng đất. Một số luật, như Luật Xây dựng năng lượng hiệu quả và Luật Thành phố ít carbon được ban hành, sửa đổi nhằm đề cao biện pháp ứng phó trái đất nóng lên một cách toàn diện và chiến lược.

 

Giới thiệu về thực trạng sử dụng năng lượng và chính sách ứng phó ở Hàn Quốc, GS. Park Siwon (Trường Luật, Đại học Quốc gia Kangwong, Hàn Quốc) cho biết, Hàn Quốc nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia có mức tiêu thụ năng lượng, cũng như xả thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, xếp thứ bảy trên thế giới ở cả hai hạng mục tại thời điểm 2013. Để đối phó với xu hướng này, từ năm 2008, Hàn Quốc đã khởi động một loạt các chính sách và biện pháp để chống lại xả thải khí nhà kính, bao gồm hệ thống trao đổi khí thải cấp quốc gia đầu tiên tại Châu Á. Tuy nhiên, sự lệ thuộc vào năng lượng hoá thạch trong ngành điện của Hàn Quốc vẫn chưa có sự thay đổi. Kể cả khi sáng kiến “Phát triển xanh” ra đời, Chính phủ vẫn cho phép hàng loạt các nhà máy điện than hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cực lớn cho phát triển kinh tế. Theo chiều hướng này, việc tìm kiếm giải pháp để Chính phủ Hàn Quốc lấp đầy sự khác biệt giữa chính sách khí hậu tiên tiến và chính sách năng lượng truyền thống vẫn là một thử thách.

 

Một quốc gia khác có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam là Thái Lan. GS. Eathopol Srisawaluck (Khoa Luật, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan) cho biết, Chính phủ Thái Lan tái khẳng định cam kết theo INDCs nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính ở mức 20-25% vào năm 2030. Cơ quan phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu ở cấp độ quốc gia là Uỷ ban Biến đổi khí hậu quốc gia được thành lập năm 2007. Giống như Việt Nam, Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng là người đứng đầu. Cơ quan này đề ra các chính sách và chiến lược đối phó biến đổi khí hậu và các cơ chế hợp tác quốc tế về quản lý biến đổi khí hậu.

 

Thái Lan đã ban hành nhiều luật liên quan tới quản lý khí thải nhà kính; năng lượng; xử lý sản phẩm công nghiệp và quản lý nông nghiệp, rừng và sử dụng đất. Thêm vào đó, có luật liên quan tới quản lý chất thải và Nghị quyết Hoàng gia về thành lập tổ chức quản lý khí thải nhà kính (TGO) năm 2007. Nói chung, các chính sách và pháp luật của Thái Lan về biến đổi khí hậu, đặc biệt là Chương trình chủ đạo về biến đổi khí hậu 2012 - 2050 nhắm tới việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong thời gian dài dựa trên các nguyên tắc phát triển bền vững.

 

Bàn về cơ chế tham vấn trước khi ban hành chính sách, GS. Noriko Okubo cho biết, trước khi ban hành một chính sách cụ thể, Nhật Bản triển khai các dự án thí điểm ở địa phương. Ở những địa phương này, Nhà nước sẽ thực hiện tham vấn với người dân và doanh nghiệp. Trên thực tế, người dân và chính quyền địa phương đã đóng góp nhiều sáng kiến hiệu quả. Nếu dự án thành công, được người dân ủng hộ thì sẽ được áp dụng rộng rãi ở tầm quốc gia.

 

Về hiệu quả thực thi chính sách pháp luật, theo GS. Linda Yanti, việc ban hành nhiều đạo luật chưa hẳn đã hiệu quả, nhiều khi các quy định bị chồng chéo và khó thực hiện. Indonesia không có đạo luật riêng về biến đối khí hậu, thay vào đó là Quy hoạch và Chiến lược quốc gia. Cơ quan quy hoạch quốc gia và nhiều Bộ khác đôi khi phải cạnh tranh với nhau để có thẩm quyền thực hiện các chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Bình luận về vấn đề này, ông Roger Chan (Hiệp hội Luật sư Malaysia) cho rằng, công cụ tư pháp đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi chính sách pháp luật. Tòa án phải quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, hiểu rõ được hệ quả từ phán quyết của mình. Thẩm phán không chỉ đọc hồ sơ vụ án mà cần phải đi thực tế, đến tận nơi xảy ra vụ việc thì mới đưa ra phán quyết đúng đắn. Ngoài ra, theo bà Heidi (CHLB Đức), Nhà nước cần xây dựng chính sách pháp luật đủ sức răn đe để người dân có ý thức trong việc sử dụng tiết kiệm năng lượng, tuân thủ và bảo vệ môi trường.

 

Hội thảo cũng đã lắng nghe các tham luận “Thực trạng áp dụng Luật Biến đổi khí hậu ở Philippines: Những cơ hội và thách thức” của GS. Rose Liza Eisma (Đại học Cebu, Philippines); “Đạo luật về giảm hiệu ứng nhà kính của Đài Loan năm 2015 và những gợi mở” của GS. Anton Ming-Chih (Đại học Quốc gia Tsing Hua, Đài Loan); “Thực trạng và giải pháp hoàn thiện thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam” của TS. Phạm Văn Võ (Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh).

 

Phát biểu kết thúc hội thảo, bà Gisela Elsner đã tổng hợp các ý kiến của người tham dự. Bà khẳng định kết quả từ hội thảo đã làm rõ hơn vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam, các nhà khoa học đã gợi mở cho nhau kinh nghiệm về những vấn đề pháp lý và chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu. Sau đó, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh thay mặt Ban tổ chức cám ơn các báo cáo viên, các nhà khoa học, các vị đại biểu đã đến tham dự và thảo luận tại hội thảo; cám ơn bộ phận tổ chức và phục vụ hội thảo. Thay mặt Viện Nhà nước và Pháp luật, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cảm ơn bà Gisela Elsner và cán bộ Viện KAS đã hỗ trợ, phối hợp với Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức thành công hội thảo.

 

Các hình ảnh tại hội thảo:

 

 

PGS.TS. Đặng Nguyên Anh phát biểu chào mừng hội thảo

 

Ông Peter Girke phát biểu tại hội thảo

 

Bà Gisela Elsner

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và bà Gisela Elsner chủ trì phiên thứ nhất

 

GS. Koh Kheng Lian (phải) và GS. Gloria Ramos

 

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị

 

Luật sư Sanjeet Purohit

 

ThS. Nguyễn Văn Huy

 

Ông Roger Chan (giữa)

 

Ông Huỳnh Đỗ Khoa

 

GS. Noriko Okubo

 

GS. Eathopol Srisawaluck (áo đen, thứ 3 từ trái sang)

 

GS. Park Siwon

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh phát biểu kết thúc hội thảo

 

 

Các tin cùng chuyên mục: