•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “5 năm thi hành Hiến pháp 2013: Thành tựu và những vấn đề đặt ra”

20/09/2018
Ngày 12/9/2018, tại Hội trường tầng 1, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức Hội thảo “5 năm thi hành Hiến pháp 2013: Thành tựu và những vấn đề đặt ra”.

Hội thảo đã thu hút gần 100 đại biểu, các nhà khoa học đến từ các cơ quan của trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục đào tạo của Việt Nam.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh phát biểu khai mạc hội thảo

 

Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho biết, mục đích của hội thảo là tạo ra diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu thảo luận về thành tựu và những vấn đề đặt ra sau 5 năm thi hành Hiến pháp năm 2013. Ban tổ chức mong muốn các đại biểu, các nhà khoa học dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận. Vì thế, các tác giả khi trình bày tham luận hãy nêu ra những nội dung chính, những vấn đề trọng tâm cần thảo luận.

 

Chủ trì phiên thảo luận buổi sáng là PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và TS. Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

PGS.TS. Nguyễn Như Phát

 

Hội thảo bắt đầu với các tham luận của PGS.TS. Bùi Xuân Đức (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), “Thực hiện nguyên tắc pháp quyền theo quy định của Hiến pháp năm 2013”; PGS.TS. Ngô Huy Cương (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), “Để Hiến pháp giữ vai trò tối thượng trong đời sống xã hội” và PGS.TS. Nguyễn Như Phát (Viện Nhà nước và Pháp luật), “Thực tiễn thực hiện Khoản 3 Điều 4 Hiến pháp năm 2013”. Các báo cáo phản ánh những kết quả, thành tựu, một số vấn đề cần giải quyết và đề xuất giải pháp tiếp tục thực hiện Hiến pháp.

 

Sau đó, Hội thảo đã nghe các ý kiến bình luận, trao đổi của GS.TS. Thái Vĩnh Thắng, PGS.TS. Trần Văn Độ, GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, TS. Nguyễn Thị Kim Thoa về các vấn đề: Nhà nước pháp quyền, kiểm soát quyền lực nhà nước, nhìn nhận về thi hành Hiến pháp.

 

Theo ông Nguyễn Phước Thọ (Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ), thành tựu lớn nhất sau 5 năm thi hành Hiến pháp 2013 là các nhà quản lý cũng như người dân đã nhận thức được vai trò của kiểm soát quyền lực, hệ thống pháp luật đã cơ bản được hoàn thiện. Mặt khác, một vấn đề cần được tiếp tục làm rõ là việc phân quyền giữa trung ương và địa phương cũng như phân định thẩm quyền giữa Chính phủ với các Bộ và giữa các Bộ với nhau.

 

 

Hội thảo tiếp tục thảo luận đến 12.00.

 

Phiên đầu của hội thảo buổi chiều diễn ra với các tham luận của PGS.TS. Vũ Thư (Viện Nhà nước và Pháp luật), “Tổ chức thực hiện quyền hành pháp theo Hiến pháp 2013”; ThS. Lê Thị Thiều Hoa (Viện Khoa học pháp lý), “Thực trạng xây dựng pháp luật cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013”; TS. Phan Thanh Hà (Viện Nhà nước và Pháp luật), “Tổ chức thực hiện quyền lập pháp theo Hiến pháp 2013”.

 

Một số ý kiến thảo luận và sau thời gian nghỉ giải lao, Hội thảo tiếp tục nghe các báo cáo:

- Tổ chức thực hiện quyền tư pháp theo Hiến pháp 2013 – TS. Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật);

- Thực trạng và giải pháp thực hiện quy định của Hiến pháp 2013 về cán bộ, công chức, viên chức - GS.TS. Phạm Hồng Thái (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội);

- Cụ thể hóa Hiến pháp 2013 về cơ chế bảo vệ Hiến pháp: Thực trạng và bình luận – PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội).

 

TS. Đinh Thế Hưng cho rằng, có rất nhiều điểm mới về quyền tư pháp được cụ thể hóa trong chương quy định về Tòa án của Hiến pháp 2013. Việc này đã nâng cao vị trí, vai trò của Tòa án so với trước đây. Về mặt khoa học, quyền tư pháp được quan tâm, tập trung nghiên cứu rất cụ thể, nổi bật là: kiểm soát quyền tư pháp với những quyền khác; cách thức kiểm soát quyền tư pháp;…

 

GS.TS. Phạm Hồng Thái

 

Nhìn nhận về thực trạng quy định và thực hiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, GS.TS. Phạm Hồng Thái nêu ra những hạn chế sau:

  • Thiếu quy định về chế độ công vụ;
  • Các nguyên tắc thi hành công vụ chưa được xác lập đầy đủ, mới dừng lại ở việc liệt kê nguyên tắc thi hành công vụ của công chức hay nguyên tắc quản lý công chức;
  • Chưa tạo ra sự cạnh tranh trong tuyển dụng công chức;
  • Chưa xác lập được cơ cấu công chức trong cơ quan;
  • Xử lý công chức, cán bộ vi phạm pháp luật còn nhẹ, không có tính răn đe;
  • Đánh giá cán bộ, công chức còn chung chung, chưa có tiêu chí mang tính định lượng.

Sau một số ý kiến thảo luận, hội thảo diễn ra với các tham luận về các vấn đề khác được quy định trong Hiến pháp 2013: Quyền dân sự, chính trị của công dân; Quyền kinh tế, văn hóa, xã hội của công dân; Chính sách đối ngoại; Khoa học và công nghệ.

 

PGS.TS. Lê Mai Thanh

 

Nhận xét về chính sách đối ngoại quy định tại Điều 12 Hiến pháp 2013, PGS.TS. Lê Mai Thanh cho rằng, đường lối đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ ngoại giao, chủ động và tích cực hội nhập của Việt Nam đã tận dụng lợi thế bên ngoài kết hợp với nội lực nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, đưa đất nước ngày càng phát triển. Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực đang ngày càng diễn biến phức tạp. Với vị trí địa chính trị đặc biệt, Việt Nam tiếp tục chủ trương chính sách ngoại giao đa phương, đa dạng, chủ động và tích cực hội nhập theo tinh thần Điều 12 Hiến pháp 2013 là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

 

Phát biểu kết thúc, thay mặt Ban tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho rằng, hội thảo đã có một ngày làm việc hiệu quả, thu nhận được nhiều ý kiến với nội dung khá toàn diện được quy định trong Hiến pháp 2013. Các báo cáo đều có những đánh giá về những việc đã làm được và những vấn đề đặt ra trong quá trình thi hành Hiến pháp. Những bình luận, trao đổi tại hội thảo đã giúp cho các nhà khoa học nhận thức thêm về ý tưởng khoa học trong các quy định của Hiến pháp.

Các tin cùng chuyên mục: