•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Bảo đảm pháp lý thực hiện quyền của lao động di cư nội địa ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp”

17/08/2020
Ngày 10/8/2020, Đề tài cấp Bộ “Bảo đảm pháp lý thực hiện quyền của lao động di cư nội địa ở Việt Nam hiện nay” do TS. Phạm Thị Thúy Nga làm chủ nhiệm đã tổ chức hội thảo tại Hội trường tầng 2, trụ sở Viện Nhà nước và Pháp luật, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

Tham gia Hội thảo có TS. Nguyễn Linh Giang, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật (cơ quan chủ trì đề tài); TS. Trần Văn Biên, Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật; các thành viên đề tài, khách mời và các nhà khoa học trong Viện.

 

TS. Phạm Thị Thúy Nga, Chủ nhiệm đề tài, phát biểu mở đầu hội thảo

 

Mở đầu Hội thảo, TS. Phạm Thị Thúy Nga báo cáo tổng quan mục tiêu và nội dung nghiên cứu, tiến độ nghiên cứu của đề tài. Trong đó, mục tiêu nghiên cứu của đề tài là làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về bảo đảm pháp lý thực hiện quyền của lao động di cư nội địa ở Việt Nam hiện nay, từ đó đề ra các quan điểm, giải pháp hoàn thiện bảo đảm pháp lý thực hiện quyền của người lao động di cư nội địa ở Việt Nam hiện nay.

 

Để làm được điều này, Chủ nhiệm đề tài mong muốn các báo cáo, trao đổi, thảo luận tại hội thảo sẽ đưa ra các đánh giá về thực trạng quy định và thực tiễn thực hiện các bảo đảm pháp lý thực hiện quyền của lao động di cư nội địa ở Việt Nam trong thời gian qua; chỉ ra những thành tựu và hạn chế, các nguyên nhân dẫn đến việc chưa bảo đảm được quyền của lao động di cư nội địa. Trong đó, Đề tài chú trọng đến một số quyền của lao động di cư nội địa chưa được bảo đảm tốt ở Việt Nam như: quyền an sinh xã hội; quyền có các điều kiện sống đảm bảo; quyền có các điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh; quyền không bị phân biệt đối xử trên thị trường lao động và một số quyền nhân thân khác. Từ những đánh giá trên, Hội thảo cũng là nơi để các nhà khoa học đưa ra các quan điểm và đề xuất các giải pháp hoàn thiện bảo đảm pháp lý thực hiện quyền của lao động di cư nội địa ở Việt Nam.

 

Tiếp theo, TS. Hoàng Kim Khuyên (Viện Nhà nước và Pháp luật) trình bày báo cáo Bảo đảm pháp lý thực hiện quyền an sinh xã hội của lao động di cư nội địa ở Việt Nam hiện nay”. Bàn về khái niệm, tác giả cho rằng, quyền được hưởng an sinh xã hội (ASXH) bao gồm quyền tiếp cận và duy trì những lợi ích, bằng tiền mặt hoặc bằng hiện vật, dựa trên sự bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử nào, để bảo vệ con người khỏi các hoàn cảnh: (i) Thiếu thu nhập từ việc làm do bệnh tật, khuyết tật, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, tuổi già, hoặc cái chết của một thành viên trong gia đình; (ii) Không có khả năng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; (iii) Không đủ khả năng hỗ trợ gia đình, đặc biệt là đối với trẻ em và những người lớn sống phụ thuộc.

 

TS. Hoàng Kim Khuyên (giữa) trình bày báo cáo

 

Mọi người đều có quyền được hưởng ASXH mà không có bất kỳ sự phân biệt nào dựa trên các yếu tố như thành phần, chủng tộc, tôn giáo, màu da, v.v… Đối với lao động di cư nội địa nói riêng và người lao động di cư nói chung thì quyền hưởng an sinh xã hội bao gồm những quyền chính sau đây:

  • Quyền được bảo đảm thu nhập;
  • Quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe;
  • Quyền được trợ giúp trong các hoàn cảnh khó khăn;
  • Quyền được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Về thực trạng pháp luật ghi nhận quyền an sinh xã hội của lao động di cư nội địa ở Việt Nam, theo TS. Hoàng Kim Khuyên, pháp luật hiện nay điều chỉnh tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn những rảo cản pháp lý nhất định hạn chế quyền tiếp cận/thụ hưởng ASXH từ phía người lao động di cư và thân nhân của họ. Chẳng hạn, liên quan đến quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của lao động di cư nội địa, hiện nay có một số văn bản pháp luật và chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo việc tiếp cận công bằng các dịch vụ nâng cao và chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho tất cả người di cư. Theo Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 thì trong một số trường hợp, luật có xu hướng hạn chế các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người di cư hơn là bảo vệ quyền lợi của họ. Theo đó, công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú sẽ được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe không hạn chế tại các trạm y tế xã/phường tại địa phương. Những người di cư ngắn hạn và người di cư trái phép không đăng ký cư trú sẽ không được hưởng quyền lợi bảo hiểm đầy đủ.

 

TS. Nguyễn Linh Giang trao đổi tại hội thảo

 

Thảo luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Linh Giang nhìn nhận, những rào cản pháp lý đã ảnh hưởng rất lớn đến việc hưởng thụ quyền của người lao động di cư nội địa. Chính điều này làm cho họ trở thành những đối tượng dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, cần phải có những hoạt động điều tra xã hội học thì mới có thể chỉ ra tính dễ tổn thương của lao động di cư nội địa đến đâu, họ tổn thương ở đâu và pháp luật bảo vệ họ đến đâu.

 

Theo TS. Đinh Thế Hưng, không ngẫu nhiên mà Nhà nước đặt ra Hộ khẩu để hạn chế quyền của người lao động. Đề tài cần nhận diện các rào cản pháp lý hiện nay về bảo vệ quyền của lao động di cư để tháo gỡ. Ngoài ra, cần tìm ra khung lý thuyết về bảo vệ lao động di cư nội địa ở Việt Nam.

 

Trong tham luận “Kinh nghiệm bảo đảm quyền của người lao động di cư nội địa ở một số nước và gợi mở cho Việt Nam”, ThS. Chu Thị Thanh An giới thiệu chính sách của Trung Quốc, Ấn Độ trong việc bảo đảm quyền cho lao động di cư nội địa. Ở Trung Quốc, lao động nhập cư nông thôn phải đối mặt với những thách thức trong việc chuyển giao các quyền an sinh xã hội của họ khi họ di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác. Những thách thức và lý do đi kèm với chúng bao gồm: (i) Mức đóng góp vào quỹ bảo hiễm xã hội thấp giải thích phần lớn những khó khăn cho người lao động di cư trong việc chuyển giao các quyền và lợi ích an sinh xã hội của họ; (ii) Năng lực của các cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội cần được tăng cường để có thể chuyển một lượng lớn hồ sơ của người lao động di cư giữa các tỉnh và giải quyết quyền lợi cho họ; (iii) Những hạn chế về đăng ký hộ khẩu hiện tại ngăn cản người lao động nhập cư tham gia các chương trình an sinh xã hội cho người dân thành thị và nông thôn không được trả lương tại nơi làm việc. Cuối cùng, sự phân tán của hệ thống thông tin an sinh xã hội ở các khu vực khác nhau cũng làm hạn chế việc chuyển giao quyền và lợi ích cho lao động di cư.

 

ThS. Chu Thị Thanh An

 

Từ việc phân tích những cách thức bảo đảm quyền của lao động di cư nội địa ở Trung Quốc và Ấn Độ, tác giả đã đưa ra một số khuyến nghị gợi mở cho Việt Nam như: cần hoàn thiện quy định pháp luật để ghi nhận sự bình đẳng về quyền giữa lao động di cư nội địa và lao động bản địa; giảm các điều kiện mang tính hành chính ngăn cản người lao động tiếp cận các quyền về an sinh xã hội; thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội trong cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho người lao động di cư nội địa, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ pháp lý.

 

Hội thảo cũng đã thu nhận những ý kiến, trao đổi của PGS.TS. Vũ Thư, PGS.TS. Lê Mai Thanh, ThS. Nguyễn Thu Dung và các nhà khoa học khác về các nội dung khác của đề tài.

 

Ngoài ra, Hội thảo đã lắng nghe và trao đổi về các tham luận:

  • Bảo đảm pháp lý thực hiện quyền của lao động di cư nội địa ở Việt Nam hiện nay (ThS. Trần Thị Loan, Viện Nhà nước và Pháp luật);
  • Thực trạng bảo vệ quyền nhân thân của người lao động di cư nội địa và một số kiến nghị (ThS. Phạm Thị Hiền, Viện Nhà nước và Pháp luật);
  • Bảo đảm pháp lý thực hiện quyền có các điều kiện sống đảm bảo của lao động di cư nội địa ở Việt Nam hiện nay (Th. Bùi Thị Hường, Viện Nhà nước và Pháp luật).

Phát biểu kết thúc hội thảo, TS. Phạm Thị Thúy Nga cám ơn các thành viên đề tài, các nhà khoa học đã đưa ra các quan điểm, ý kiến quý báu đóng góp vào việc thực hiện đề tài. Ban chủ nhiệm sẽ tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện đề tài.

Các tin cùng chuyên mục: