•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với việc cải cách luật dân sự”

07/09/2020
Ngày 17/8/2020, Đề tài cấp Bộ “Luật dân sự trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do TS. Trần Văn Biên làm chủ nhiệm đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với việc cải cách luật dân sự” tại Hội trường tầng 2, trụ sở Viện Nhà nước và Pháp luật, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

Tham gia hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật (cơ quan chủ trì đề tài); TS. Nguyễn Linh Giang, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật  cùng các thành viên đề tài, khách mời và các nhà khoa học trong Viện.

 

Chủ nhiệm đề tài, TS. Trần Văn Biên (ngồi giữa) phát biểu khai mạc hội thảo

 

Phát biểu mở đầu, TS. Trần Văn Biên trình bày về mục tiêu và nội dung nghiên cứu, tiến độ nghiên cứu của đề tài. Trong đó, mục tiêu nghiên cứu của đề tài là phân tích thực trạng và những vấn đề đặt ra của pháp luật dân sự trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tìm hiểu kinh nghiệm cải cách luật dân sự của một số nước trên thế giới, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật dân sự đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Vì thế, Chủ nhiệm đề tài mong muốn các báo cáo, trao đổi, thảo luận tại hội thảo sẽ đưa ra các đánh giá về thực trạng quy định và thực tiễn thực hiện một số vấn đề pháp lý mới của luật dân sự trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0: Quyền riêng tư đối với hình ảnh, bí mật gia đình, cá nhân; tài sản ảo; hợp đồng thông minh, sở hữu trí tuệ; việc thực hiện và bảo vệ quyền dân sự;… cũng như chỉ ra kinh nghiệm của pháp luật nước ngoài về các nội dung này. Đồng thời, Hội thảo cũng phân tích những khó khăn, thách thức của Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật để thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ những đánh giá trên, Ban chủ nhiệm đề tài mong muốn các nhà khoa học đưa ra các quan điểm và đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật.

 

TS. Nguyễn Minh Oanh trình bày tham luận

 

Tiếp theo, TS. Nguyễn Minh Oanh (Đại học Luật Hà Nội) trình bày báo cáo “Những vấn đề pháp lý về tiền ảo (tiền mã hóa) trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Bàn về khái niệm, tác giả cho rằng, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào đưa ra khái niệm về tiền ảo và theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì tiền ảo không phải là một loại tiền tệ nên không phải là phương tiện thanh toán. Đồng thời, hiện nay vẫn chưa có quan điểm thống nhất về việc tiền ảo có phải là một loại quyền tài sản không và nếu thừa nhận thì việc thừa kế, tặng cho tiền ảo sẽ được giải quyết như thế nào, hoạt động kinh doanh tiền ảo có bị đánh thuế hay không? Từ những khó khăn, vướng mắc này nên tác giả cho rằng, yêu cầu quan trọng là cần đưa ra cách hiểu thống nhất về tiền ảo, khoang vùng giới hạn một số loại tiền ảo nhất định và xác định tiền áo là một loại tài sản hạn chế lưu thông.

 

Sau đó, ThS. Cao Thị Lê Thương trình bày báo cáo về “Chế định quyền của cá nhân đối với hình ảnh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Trong đó, báo cáo viên đưa ra nhận định, trong thời đại ngày nay, khái niệm hình ảnh của cá nhân không chỉ dừng lại ở việc nhận dạng bằng tri giác của con người, điển hình như việc mạng xã hội Facebook tự “gắn thẻ” các cá nhân trong một tấm hình tập thể hay việc giám sát (CCTV) tại Trung Quốc kết hợp với siêu máy tính sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để trừng phạt người có hành vi vi phạm pháp luật. Từ thực tiễn đó, các quốc gia trên thế giới cũng có những cách thức bảo vệ quyền của cá nhân đối với hình ảnh khác nhau.

 

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (giữa) và ThS. Cao Thị Lê Thương (bìa phải)

 

Thảo luận tại hội thảo, PGS.TS Phạm Hữu Nghị cho rằng, về vấn đề tiền ảo, đây là xu thế mà Việt Nam dù muốn hay không cần phải thừa nhận. Vì vậy, phải tìm ra những dấu hiệu riêng biệt của tiền ảo so với tiền thật, từ đó, đề xuất khung pháp lý phù hợp. Đồng thời, cần có luật quy định về việc hạn chế lưu thông và cách thức thu thuế từ loại tiền này.

 

PGS.TS Nguyễn Như Phát cũng cho rằng, việc pháp lý hóa vấn đề tiền ảo là yêu cầu bắt buộc để hội nhập quốc tế và tránh thất thu thuế. Tuy nhiên, cần đặt ra lộ trình phù hợp để vừa đủ xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến tiền ảo nhưng cũng không làm xáo trộn hệ thống tài chính quốc gia.

 

Hội thảo tiếp tục với tham luận của ThS. Hoàng Văn Thắng (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), “Những vấn đề pháp lý về hợp đồng thông minh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Tác giả cho biết, thuật ngữ này được nhắc đến đầu tiên năm 1994, tuy nhiên cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề pháp lý chưa được giải quyết thỏa đáng.

 

Theo TS. Trần Văn Biên, hợp đồng thông minh là một chế định mới tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, cần phải có cách hiểu rõ ràng về khái niệm hợp đồng thông minh, điểm khác biệt và ưu việt hơn so với hợp đồng điện tử là gì, từ đó xây dựng cơ chế vận hành, quản lý, phòng ngừa rủi ro và xử lý phát sinh. Đây là vấn đề mới, cần nghiên cứu và đưa ra quan điểm để xây dựng pháp luật nhằm áp dụng loại hợp đồng này trong tương lai.

 

Ngoài ra, Hội thảo đã lắng nghe và trao đổi về các tham luận:

  • Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới việc thực hiện pháp luật dân sự và bảo vệ quyền dân sự (TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Viện Nhà nước và Pháp luật);
  • Chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (ThS. Chu Thị Thanh An, Viện Nhà nước và Pháp luật)

Hội thảo cũng đã thu nhận những ý kiến, trao đổi của PGS.TS. Vũ Thư, PGS.TS. Lê Mai Thanh, và các nhà khoa học khác về các nội dung khác của đề tài.

 

Phát biểu kết thúc hội thảo, TS. Trần Văn Biên cám ơn các thành viên đề tài, các nhà khoa học đã đưa ra các quan điểm, ý kiến quý báu đóng góp vào việc thực hiện đề tài. Ban chủ nhiệm sẽ tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện đề tài.

Các tin cùng chuyên mục: