•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Đẩy mạnh cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”

04/04/2023
Hội thảo do Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức, diễn ra ngày 28/03/2023 tại trụ sở 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

GS.TS. Võ Khánh Vinh (giữa), TS. Phạm Thị Thúy Nga (bìa phải) và TS. Nguyễn Linh Giang (bìa trái)

đồng chủ trì hội thảo

 

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan, tổ chức: Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam… và các cơ sở giáo dục, đào tạo: Học viện Tòa án, Đại học Kiểm sát Hà Nội, Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Luật Hà Nội, cùng đông đảo viên chức của Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

GS.TS. Võ Khánh Vinh (nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật) và TS. Nguyễn Linh Giang (Phó Viện trưởng) đồng chủ trì hội thảo.

 

Hội thảo diễn ra với 2 phiên. Chủ đề phiên thứ nhất là “Cải cách tư pháp – Nhận thức, thực trạng và những vấn đề đặt ra”. Mở đầu phiên này là tham luận của GS.TS. Võ Khánh Vinh, “Những điểm mới về đẩy mạnh cải cách tư pháp ở Việt Nam trong giai đoạn mới”. Việc đẩy mạnh cải cách tư pháp là một trong những nội dung trọng tâm, xuyên suốt của Nghị quyết số 27/NQ-TW (sau đây viết tắt là Nghị quyết), được thể hiện từ cách tiếp cận, các quan điểm, mục tiêu, trọng tâm, nhiệm vụ và giải pháp được đề ra trong Nghị quyết. Tác giả nêu ra và phân tích những điểm mới về cải cách tư pháp trong giai đoạn mới theo tinh thần của Nghị quyết, đó là: (i) Đổi mới cách tiếp cận đến đẩy mạnh cải cách tư pháp (CCTP) trong giai đoạn mới; (ii) Đặc trưng về tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; (iii) Mục tiêu của đẩy mạnh CCTP; (iv) Đẩy mạnh CCTP là một trong ba trọng tâm của việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; (v) Định hướng nhiệm vụ và các giải pháp đẩy mạnh CCTP; (vi) Tổ chức triển khai thực hiện những nội dung liên quan đến đẩy mạnh CCTP.

 

GS.TS. Võ Khánh Vinh trình bày tham luận

 

Nghị quyết chỉ ra định hướng, nhiệm vụ tổng quát đẩy mạnh CCTP là xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Việc đẩy mạnh CCTP được tiến hành với các nhóm giải pháp sau:

  • Cơ chế thực thi quyền tư pháp trong cơ chế thực thi quyền lực nhà nước;
  • Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tư pháp;
  • Tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Tòa án, các cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp, quyền bổ trợ tư pháp;
  • Phát triển nhân lực tư pháp;
  • Tiếp tục tăng cường các bảo đảm cho tư pháp.

Trong đó, nội dung của nhóm giải pháp về cơ chế thực thi quyền tư pháp trong cơ chế thực thi quyền lực nhà nước là hoàn thiện cơ chế thực thi quyền tư pháp theo hướng xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của quyền tư pháp và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền tư pháp với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp. Ngoài ra, cần phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong cơ quan tư pháp và giữa các cơ quan tư pháp, lập pháp, hành pháp cũng như quy định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan tư pháp trong kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, quyền lập pháp.

 

Tham luận kế tiếp có chủ đề “Một số vấn đề về quyền tư pháp, hoạt động tư pháp, cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp” của PGS.TS. Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao). Trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và CCTP ở nước ta, các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013 đã có những cách nhìn đổi mới về cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước, về thực hiện quyền tư pháp. Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp thông qua hoạt động xét xử trên cơ sở khởi kiện, yêu cầu của các bên liên quan.

 

Hoạt động tư pháp là hoạt động của con người, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhân danh Nhà nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền tư pháp được thực hiện theo trình tự, thủ tục tố tụng tư pháp do pháp luật quy định. Tòa án nhân dân là cơ quan tư pháp duy nhất ở nước ta.

 

PGS.TS. Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

 

Việc xác định chính xác, phân biệt rạch ròi giữa quyền tư pháp với quyền lập pháp và quyền hành pháp; hoạt động thực hiện quyền tư pháp với các hoạt động tư pháp khác, hoạt động bổ trợ tư pháp; cơ quan tư pháp với cơ quan hành pháp thực hiện một số hoạt động tư pháp, cơ quan bổ trợ tư pháp là cơ sở lý luận quan trọng trong việc xây dựng cơ chế phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát trong việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta.

 

Tiếp theo, Hội thảo đã lắng nghe PGS.TS. Phạm Minh Tuyên (Giám đốc Học viện Tòa án) trình bày tham luận “Tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân các cấp ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và những vấn đề đặt ra”. Hệ thống tòa án ở nước ta được tổ chức ở 4 cấp: Tòa án nhân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện. Hiện nay, tòa án đã và đang thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xét xử của mình. Chất lượng xét xử tiếp tục được đảm bảo và có những tiến bộ nhất định, việc tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng theo hướng thực chất, dân chủ, hiệu quả.

 

Tuy nhiên, bài viết cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của tòa án, cụ thể là: Nhận thức của một số tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò của tòa án trong bộ máy nhà nước còn chưa đúng và không thống nhất; Chưa xác định nguyên tắc tư pháp về giám đốc thẩm, tái thẩm; Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án nhân dân chưa đầy đủ; Chưa đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án; Tổ chức bộ máy theo địa giới hành chính và thẩm quyền của tòa án còn chưa hợp lí, chưa đáp ứng yêu cầu của CCTP; Năng lực cán bộ, công chức trong hệ thống tòa án còn nhiều hạn chế.

 

Từ đó, PGS.TS. Phạm Minh Tuyên đưa ra một số giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án: Bổ sung các quy định về nội hàm quyền tư pháp, đặc trưng cơ bản của quyền tư pháp, cơ quan tư pháp, nguyên tắc tư pháp; Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Tòa án; Sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy của tòa án theo thẩm quyền xét xử; Đào tạo đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao và nâng cao đời sống cũng như chế độ đối với các cán bộ, công chức tòa án.

 

Trong phiên này, Hội thảo còn được lắng nghe PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí (Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày tham luận “Nguyên tắc xét xử và chỉ tuân theo pháp luật ở Việt Nam hiện nay: Nhận thức, thực trạng và những vấn đề đặt ra”.

 

PGS.TS. Mai Đắc Biên, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

 

Sau giờ nghỉ giải lao, Hội thảo diễn ra phiên thứ hai với chủ đề về các giải pháp đẩy mạnh CCTP theo tinh thần Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Mở đầu phiên là tham luận Tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xửcủa PGS.TS Mai Đắc Biên (Phó Hiệu trưởng trường Đai học Kiểm sát Hà Nội), một bài viết có tính mới bởi Nghị quyết đề cập đến việc kiểm soát bên trong một cơ quan và trong cùng một cấp chính quyền.

 

Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc xét xử vụ án hình sự là việc Viện Kiểm sát nhân dân sử dụng nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật để thực hiện việc buộc tội người phạm tội, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quyết định, hành vi tố tụng của Tòa án, Hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng để bảo đảm việc xét xử được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Mọi vi phạm pháp luật trong quá trình xét xử được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, không để xảy ra trường hợp oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

 

Việc kiểm soát bên trong của Viện Kiểm sát là kiểm soát quyền lực của các Viện Kiểm sát các cấp, công chức ngành kiểm sát khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc xét xử vụ án hình sự đúng quy định của pháp luật. Sự kiểm soát bên trong này là kiểm soát việc Viện kiểm sát xác định tội danh, đề xuất quan điểm giải quyết vụ án hình sự trong giai đoạn xét xử; kiểm soát việc Viện Kiểm sát thực hiện các quy định của pháp luật trong giai đoạn xét xử. Theo tác giả, để tăng cường kiểm soát bên trong thì cần đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra cũng như công tác thông tin, báo cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử.

 

TS.LS. Đỗ Ngọc Thịnh (bìa trái) và PGS.TS. Phạm Minh Tuyên (bìa phải)

 

Bàn về thể chế luật sư và hành nghề luật sư, Hội thảo có tham luận của TS.LS. Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam). Ông cho biết, thể chế pháp lý hiện nay đã mở đường cho sự phát triển về luật sư và hành nghề luật sư ở nước ta. Tuy nhiên, tác giả nhìn nhận, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra về thể chế luật sư và hành nghề luật sư để đáp ứng được yêu cầu CCTP trong tình hình mới, trong đó có hai vấn đề chính:

- Xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư có khả năng bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

- Yêu cầu hội nhập quốc tế cũng đặt ra việc làm thế nào để xây dựng đội ngũ luật sư không chỉ cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng trong nước mà còn có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng pháp lý của khách hàng nước ngoài.

 

Một trong các giải pháp để phát triển đội ngũ luật sư là cần sửa đổi, bổ sung Điều 65 Luật Luật sư về nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam theo hướng Liên đoàn được phép đào tạo để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ. Đồng thời, Điểm c, Khoản 2 Điều 83 Luật Luật sư quy định về việc Bộ Tư pháp cấp Giấy phép thành lập cơ sở đào tạo nghề luật sư thì cần đổi thành Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án đào tạo nghề luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình. Đây cũng là một trong những điểm nghẽn trong đào tạo nguồn luật sư gần 20 năm qua cần phải được tháo gỡ.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Tiếp theo, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hà (Ban Nội chính Trung ương) trao đổi về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp. Nhiệm vụ xây dựng cán bộ tư pháp được đặt ở nội dung cuối cùng trong Nghị quyết. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện tính mấu chốt với vai trò và tầm ảnh hưởng đến việc hoàn thiện tất cả các nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết. Hiện nay, việc phát triển nhanh về quy mô, số lượng cơ sở đào tạo cử nhân luật dẫn đến mất cân đối và không đồng đều về đào tạo luật ở các cơ sở đào tạo, nhất là nguồn lực đào tạo vẫn còn hạn chế. Việc phát triển đội ngũ giảng viên còn hạn chế, nhất là việc tuyển dụng, thu hút giảng viên giỏi kỹ năng, nghiệp vụ.

 

Từ thực tế trên, chuyên gia cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp thì cần nhận thức một cách thống nhất về vai trò của công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật là đào tạo đội ngũ trí thức gắn với nhiệm vụ phát triển giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, thu hút trọng dụng nhân tài. Nhà nước cũng cần xác định rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp để thống nhất và phân định chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra cho từng cơ sở đào tạo; triển khai đề án tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật, chú trọng tới giải pháp tổng thể về xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về nhân lực tư pháp quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo luật; chú trọng nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo chức danh tư pháp.

 

Trong phiên này, Hội thảo còn diễn ra hai tham luận về Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân của TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi (Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) và Hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành án dân sự, hành chính của bà Nguyễn Thị Hoàng Giang (Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp).

 

PGS.TS. Trương Thị Hồng Hà (giữa), PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (bìa phải)

và PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí (bìa trái)

 

Bình luận tại hội thảo, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật) khẳng định, Nghị quyết có nhiều điểm mới về tư tưởng, luận cứ, quan điểm mà thế giới đã thừa nhận. Chúng ta cần nghiên cứu và thống nhất nhận thức về tư tưởng, quan điểm và nội dung của nghị quyết này, phổ biến rộng rãi ra toàn xã hội về những điểm tiến bộ của Nghị quyết bằng việc triển khai tập huấn đối với các cơ quan thực thi pháp luật; giới thiệu, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông; phổ biến, quán triệt đến giới chuyên môn, người hoạt động trong từng lĩnh vực mà Nghị quyết đã đề ra.

 

Đồng ý với quan điểm của PGS.TS. Trương Thị Hồng Hà về đào tạo các chức danh tư pháp, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị chia sẻ, cần xây dựng bộ tiêu chí về đào tạo luật và được xã hội giám sát. Việc cạnh tranh lẫn nhau giữa các cơ sở đào tạo sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, trình độ nhân lực các chức danh tư pháp.

 

Trao đổi tại hội thảo, PGS.TS. Trần Văn Luyện cho rằng, nếu Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát mà không đồng bộ, độc lập như Tòa án thì rất khó đảm bảo sự độc lập cho toàn bộ nền tư pháp. Cần nghiên cứu sâu sắc hơn về cách thức để độc lập, hình thức độc lập của Cơ quan điều tra tương xứng với bộ máy của Tòa án. Để cả ba cơ quan này hoạt động một cách đồng bộ với xét xử là hoạt động trung tâm thì Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát là hai cơ quan rất quan trọng để thực thi quyền tư pháp.

 

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Nguyễn Linh Giang nhìn nhận, các tham luận và thảo luận đã tập trung vào các vấn đề then chốt của CCTP đặt trong tinh thần của Nghị quyết 27 như quyền tư pháp, tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện Kiểm sát, luật sư, thi hành án, độc lập tư pháp, nguồn nhân lực tư pháp... TS. Nguyễn Linh Giang trân trọng cám ơn các chuyên gia, nhà khoa học đã viết bài tham luận cũng như đến tham dự và phát biểu tại hội thảo. Phó Viện trưởng cho biết, trong thời gian tới, Viện Nhà nước và Pháp luật sẽ tiếp tục tổ chức các chuỗi hoạt động khoa học liên quan đến tinh thần của Nghị quyết và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hợp tác, tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực.

Các tin cùng chuyên mục: