•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Định hướng và giải pháp thực hiện quan điểm của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam về Nhà nước và pháp luật”

11/10/2021
Ngày 30/9/2021, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức Hội thảo cấp Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam với chủ đề “Định hướng và giải pháp thực hiện quan điểm của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam về Nhà nước và pháp luật” bằng hình thức trực tuyến.

 

Tham dự hội thảo có GS.TS. Võ Khánh Vinh (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam); GS.TS. Lê Minh Tâm (Hội Luật gia Việt Nam); TS. Chu Thị Hoa (Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các cơ quan Bộ, ngành, các cơ sở giáo dục và đông đảo cán bộ nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật) nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự hội thảo. Mục đích của hội thảo là nhằm làm rõ quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII) về Nhà nước và pháp luật, trên cơ sở đó đề xuất nội dung cần thể chế hóa nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật. PGS.TS. Nguyễn Đức Minh mong muốn các diễn giả, các nhà khoa học, các nhà quản lý, người làm công tác thực tiến bám sát vào mục đích này để trình bày tham luận, trao đổi và thảo luận tại hội thảo.

 

Hội thảo diễn ra với 2 phiên:

  • Phiên thứ nhất: Định hướng và giải pháp thực hiện các quan điểm của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về Nhà nước” – Chủ trì: PGS.TS. Nguyễn Đức Minh.
  • Phiên thứ hai: Định hướng và giải pháp thực hiện các quan điểm của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về pháp luật – Chủ trì: TS. Phạm Thị Thúy Nga.

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh phát biểu khai mạc hội thảo

 

Hội thảo thu nhận được số lượng tham luận khá lớn từ các học giả cho nên ở mỗi phiên, Ban tổ chức đã phân công người tóm tắt và trình bày nội dung chính của các tham luận. Tác giả của các tham luận có thể phát biểu làm rõ thêm nội dung cũng như bổ sung, đưa ra các vấn đề cần trao đổi, thảo luận. Các đại biểu tham dự cũng tham gia trao đổi, đặt câu hỏi, đưa ra giải pháp về vấn đề mình quan tâm. Cách thức tổ chức này sẽ giúp hội thảo có nhiều thời gian dành cho việc trao đổi, thảo luận thay vì nghe toàn bộ các tham luận.

 

Mở đầu phiên thứ nhất, PGS.TS. Vũ Thư trình bày tóm tắt phần tổng hợp các nội dung chủ yếu trong các bài tham luận về chủ đề Nhà nước liên quan đến các vấn đề: Đổi mới mối quan hệ Đảng – Nhà nước – Nhân dân (PGS.TS. Nguyễn Như Phát); Thực hành dân chủ trực tiếp (PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương); Bảo đảm tính tối thượng của pháp luật (ThS. Cao Việt Thăng); Phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp hành pháp, tư pháp (ThS. Vũ Hoàng Dương); Phân cấp, phân quyền và kiểm soát quyền lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương (PGS.TS. Vũ Thư); Tính chuyển nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội (TS. Phan Thanh Hà); Hoàn thiện cơ chế pháp lý cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (PGS.TS. Bùi Xuân Đức);...

 

Với bài viết “Đổi mới mối quan hệ Đảng – Nhà nước – Nhân dân”, PGS.TS. Nguyễn Như Phát đề cập đến 3 vấn đề: bản chất, nội dung mối quan hệ; kết quả thực hiện mối quan hệ; hạn chế và nhu cầu đổi mới mối quan hệ. Trong đó, tham luận chỉ ra một số kết quả thực hiện mối quan hệ, đó là:

  • Vai trò, vị trí của nhân dân với tư cách là chủ nhân quyền lực ngày càng được thể hiện rõ nét. Nhân dân ngày càng tham gia nhiều và thực chất hơn vào các công việc nhà nước và công việc xã hội cũng như vào việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được mở rộng trên cả hai phương diện: dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.
  • Nhà nước ngày càng tiệm cận gần hơn đến tính pháp quyền. Tính chất phục vụ nhân dân và hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước được nâng lên rõ rệt, tình trạng quan liêu, tham những đang từng bước được khắc phục. Nhà nước thể hiện ngày càng rõ hơn vị trí một thiết chế chính trị trung tâm, chủ động trong giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân và với Đảng lãnh đạo.
  • Mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước có những chuyển biến, thể hiện tập trung ở việc giữ vững được vai trò lãnh đạo của Đảng, ở những thay đổi nhất định trong xác định ranh giới giữa lãnh đạo và quản lý, ở sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

Tác giả đưa ra đề xuất cần nghiên cứu ban hành đạo luật về sự lãnh đạo của Đảng bởi lẽ việc cụ thể hóa Hiến pháp bằng luật để dễ bề thực hiện, tạo quy trình và nền tảng pháp lý vững chắc cho sự lãnh đạo của Đảng, tạo cơ sở pháp lý cho tính hợp hiến của sự lãnh đạo và cũng là để ngăn ngừa nguy cơ Đảng bao biện, làm thay việc của Nhà nước và xã hội. Một luật về sự lãnh đạo của Đảng sẽ là cơ hội tốt để chuyển dịch các đường lối chính sách, nghị quyết của Đảng thành pháp luật mà trong Nhà nước pháp quyền, pháp luật là công cụ có tính cưỡng chế chung và bắt buộc với mọi thành viên tồn tại trong xã hội.

 

Với tham luận Tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội”, TS. Phan Thanh Hà cho rằng, Quốc hội muốn chuyên nghiệp thì trước hết phải có các đại biểu Quốc hội chuyên nghiệp với ít nhất các đặc điểm sau: (i) Chỉ làm hoặc chủ yếu làm công việc đại biểu; (ii) Có kiến thức sâu về công việc, vị trí, chức năng, trách nhiệm của người đại biểu; (iii) Có sự tập trung tâm trí một cách thường xuyên vào công việc đại biểu; (iv) Có tính chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu về chất lượng của đại biểu.

 

Theo tác giả, tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội xuất phát từ: nhu cầu của nhân dân cần tìm người có đủ năng lực để ủy quyền cho họ, thay mặt mình thực hiện các hoạt động quyền lực nhà nước; nhu cầu từ chính Nhà nước với tư cách là một tổ chức quyền lực công với các phương diện, nội dung hoạt động vô cùng đa dạng, phong phú và liên quan đến mọi mặt đời sống xã hội, bắt buộc phải được tổ chức tinh vi và mang tính chuyên nghiệp cao.

 

GS.TS. Võ Khánh Vinh phát biểu

 

Phát biểu tại hội thảo, từ việc nghiên cứu cụ thể văn kiện Đại hội XIII, GS.TS. Võ Khánh Vinh trao đổi tập trung vào các vấn đề quan trọng, đó là làm rõ các nội dung cần thể chế hóa trong Nghị quyết và các văn kiện của Đại hội XIII thành các chủ trương, chính sách, chiến lược, đề án lớn của Đảng sau đó là chiến lược, đề án, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở đó, GS.TS. Võ Khánh Vinh đã hệ thống hóa, tổng hợp thành 5 nhóm quan điểm lớn về Nhà nước cần tiếp tục thể chế hóa, bao gồm:

  • Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, định hướng đến 2045;
  • Hiện đại hóa Nhà nước;
  • Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại và tăng cường quản lý, phát triển xã hội;
  • Tăng cường pháp luật, tăng cường pháp quyền trong quản lý, điều hành và quản trị quốc gia;
  • Bảo đảm nguồn nhân lực cho bộ máy nhà nước.

Mở đầu phiên thứ hai hội thảo, TS. Phạm Thị Thúy Nga cho biết Ban tổ chức đã chia các tham luận theo 3 chủ đề chính:

- Pháp luật trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), với các tham luận: Xây dựng hoàn thiện pháp luật trong bối cảnh CMCN 4.0 (TS. Chu Thị Hoa), Hoàn thiện pháp luật dân sự dưới tác động của CMCN 4.0 (TS. Dương Quỳnh Hoa), Bảo vệ quyền riêng tư trong thời đại kỷ nguyên số 4.0 (TS. Nguyễn Thị Hường);

- Pháp luật theo tinh thần đổi mới của Đại hội XIII, với các tham luận: Thể chế pháp lý phát triển kinh tế tư nhân (ThS. Phạm Thị Hiền); Quan điểm của Đảng trong văn kiện Đại hội XIII về bảo vệ môi trường và những vấn đề pháp lý đặt ra (TS. Bùi Đức Hiển); Hoàn thiện pháp luật phát triển thị trường bất động sản (TS. Phạm Thị Hương Lan); Phòng ngừa tội phạm kinh tế, tham nhũng bằng luật hình sự trong bối cảnh tiếp tục xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần đổi mới của Đại hội XIII (TS. Đinh Thế Hưng), Những điểm mới về quyền con người theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và giải pháp thực hiện” của TS Nguyễn Linh Giang.

- Bảo đảm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, vùng trời trong bối cảnh quốc tế (tham luận của PGS.TS. Lê Mai Thanh).

 

TS. Phạm Thị Thúy Nga chủ trì phiên thứ hai hội thảo

 

Ở chủ đề thứ nhất, các tham luận đều khẳng định việc hoàn thiện pháp luật trong bối cảnh CMCN 4.0 là vấn đề cần nghiên cứu một cách thấu đáo. Văn kiện Đại hội XIII coi vấn đề này là điểm đột phá trong phát triển đất nước. Những khía cạnh pháp lý mới cần quan tâm điều chỉnh như: pháp luật bảo về robot trí tuệ nhân tạo (robot AI) với tư cách là một tài sản chứ không bảo vệ với tư cách con người; việc ghi nhận quyền tự do kinh doanh dễ dàng nhưng việc bảo đảm thực thi quyền này trong bối cảnh CMCN 4.0 sẽ có một khoảng cách; các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế chia sẻ, việc ứng dụng các thành tựu công nghệ mới của CMCN 4.0 đời hỏi sự điều chỉnh của pháp luật khác biệt so với cách điều chỉnh truyền thống.

 

Trao đổi cụ thể hơn về tham luận của mình, TS. Chu Thị Hoa (Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý) nhấn mạnh đến một vấn đề pháp lý đặt ra trong bối cảnh CMCN 4.0 về lĩnh vực pháp luật dân sự - kinh tế đó là quan niệm về chủ thể của quan hệ pháp luật với robot AI sau sự kiện robot Sophia được Ả-rập Xê-út cấp quyền công dân như con người. Theo TS. Chu Thị Hoa, robot AI không nên coi là chủ thể pháp luật nhưng có những vấn đề phát sinh liên quan đến quyền dân sự. Ý tưởng này xuất phát từ tỷ phú Bill Gates khi ông cho rằng robot AI lấy đi nghề nghiệp của người lao động trong xã hội thì nên trả lại tương ứng bằng chính sách thuế. Quan điểm này mới và được các nhà lập pháp Mỹ xem xét và chúng ta cũng cần cân nhắc bởi lẽ khi mà robot AI thay thế lực lượng lao động xã hội thì sẽ nảy sinh các vấn đề về an sinh xã hội.

 

Tham luận của TS. Chu Thị Hoa

 

Ở chủ đề thứ hai, với tham luận “Phòng ngừa tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong bối cảnh xây dựng thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII, TS. Đinh Thế Hưng phân tích một số đặc điểm pháp lý hình sự và tội phạm học của các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong Bộ luật Hình sự. Trên cơ sở dự báo về xu hướng phát triển của luật hình sự trong thời gian tới do tác động bới các điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, tác giả chỉ ra một số nhiệm vụ của pháp luật hình sự về các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế như: (i) Xem xét phi tội phạm hoá đối với hai tội đầu cơ và cho vay nạng lãi trong giao dịch dân sự; (ii) Cần đa dạng hơn nữa các loại hình phạt chính và hình phạt bổ sung trong hệ thống hình phạt hiện nay; (iii) Tiếp tục nghiên cứu hướng mở rộng nguồn của pháp luật hình sự.

 

Bình luận tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Như Phát đồng ý với quan điểm của TS. Đinh Thế Hưng về việc các quy định về tội phạm không chỉ có trong Bộ luật Hình sự mà cần được ghi nhận trong các đạo luật khác nếu không sẽ không có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với một số tội. PGS.TS. Nguyễn Như Phát cũng ủng hộ ý kiến việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự là không hợp lý vì đây là chủ thể trừu tượng, pháp nhân và người đại diện pháp nhân là khác nhau. Vậy làm thế nào để tách bạch được hành vi của người đại diện pháp nhân và chủ thể không nhân danh pháp nhân?

 

Bình luận về ý kiến của GS.TS. Võ Khánh Vinh tại phiên thứ nhất, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng, quan điểm hiện đại hóa Nhà nước khó có thể thể chế hóa được và quan điểm thứ hai này cũng nằm trong quan điểm thứ ba là đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại. Trao đổi về các tham luận của phiên thứ hai, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị nhìn nhận các tham luận đã chỉ ra được các nhận định của Đảng về hệ thống pháp luật Việt Nam từ thời kỳ đổi mới đến nay, đặc biệt là trong 5 đến 10 năm gần đây, có một số hạn chế sau:

  • Pháp luật chưa đầy đủ, chưa kịp thời, chưa đồng bộ và thống nhất là trong thời kỳ CMCN 4.0;
  • Pháp luật chưa công khai, chưa minh bạch, bị tác động bởi lợi ích nhóm từ đó nảy sinh tham nhũng, tiêu cực;
  • Pháp luật chưa ổn định, các văn bản quy phạm pháp luật liên tục phải sửa đổi, bổ sung;
  • Chưa lấy quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, quyền của doanh nghiệp là trọng tâm trong pháp luật;
  • Chưa bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững của xã hội.

Toàn cảnh hội thảo trực tuyến trên phần mềm Zoom

 

Trao đổi về những vấn đề lý luận của pháp luật, GS.TS. Nguyễn Minh Tâm cho rằng, việc quan niệm các quy định của pháp luật phải cụ thể, rành mạch, rõ ràng để triển khai, thực hiện là không hoàn toàn chính xác. Các lĩnh vực pháp luật khác nhau đòi hỏi cách tiếp cận và xử lý cũng khác nhau. Trong lĩnh vực luật dân sự - kinh tế với phương pháp thỏa thuận là chủ đạo, nếu quy định pháp luật càng rõ ràng, cụ thể thì càng làm hạn chế khả năng sáng tạo của các bên trong việc đưa ra các thỏa thuận. Vì thế, trong việc xây dựng pháp luật cần phải xác định những lĩnh vực, vấn đề gì là căn bản, triết lý, quy luật thì cần ổn định; những lĩnh vực, vấn đề mang tính linh hoạt thì cần chấp nhận sự biến đổi của thực tiễn. Ngoài ra, theo GS.TS. Nguyễn Minh Tâm, pháp luật chỉ có thể điều chỉnh được những mối quan hệ mang tính cơ bản, điển hình, phổ biến chứ không thể điều chỉnh được toàn bộ các mối quan hệ trong xã hội.

 

Về chủ đề bảo đảm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, vùng trời trong bối cảnh quốc tế, PGS.TS. Lê Mai Thanh cho biết, Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra một số điểm mới, trong đó nhấn mạnh đến việc ưu tiên đối ngoại tạo ra mặt trận liên kết với an ninh quốc phòng. Năm 2020, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thành công trong việc đưa ra Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37 có nội dung liên quan đến vấn đề an ninh trên biển. Theo đó, trật tự hàng hải phải dựa trên pháp luật quốc tế mà cụ thể là Công ước về luật biển năm 1982. Để đạt được tuyên bố trong ASEAN đề cập đến vai trò của Công ước về luật biển năm 1982 khi các quốc gia chấp thuận trật tự hàng hải phải dựa trên pháp luật quốc tế là một bước tiến dài trong khu vực.

 

Ngoài những phát biểu trên, hội thảo cũng đã thu nhận rất nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, bình luận, đặt câu hỏi về các nội dung khác liên quan đến Nhà nước và pháp luật được ghi nhận trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

 

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cám ơn các đại biểu đã nhiệt tình tham dự, trao đổi, thảo luận với nhiều ý kiến tâm huyết, có giá trị. Viện Nhà nước và Pháp luật xin tiếp thu các ý kiến, đề xuất, giải pháp trong các tham luận cũng như trực tiếp tại hội thảo của các đại biểu và xem xét, chọn lọc để đưa vào các hoạt động nghiên cứu khoa học cụ thể của Viện.

Các tin cùng chuyên mục: