•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam”

22/05/2023
Nhân dịp chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam; hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), sáng ngày 18/05/2023, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam”.

Chủ trì hội thảo (từ trái sang phải): TS. Đặng Xuân Thanh, TS. Phan Chí Hiếu

và PGS.TS. Nguyễn Đức Minh

 

Tham dự Hội thảo có: TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Đỗ Hoài Nam, Nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Hồ Ngọc Hải, PGS.TS. Trần Đức Cường và GS.TS. Võ Khánh Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Nguyễn Thành Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội & Nhân văn và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ; cùng các đồng chí Lãnh đạo các viện nghiên cứu, các ban chức năng thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm; đại diện các nhà khoa học có thành tích nghiên cứu xuất sắc năm 2022; các nhà khoa học thuộc Hội đồng tư vấn chính sách kinh tế- xã hội và các đại biểu, nhà khoa học trong và ngoài Viện Hàn lâm.

 

Nghị định số 108/2022-NĐ/CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ giao chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tư vấn về chính sách phát triển trong lĩnh vực khoa học xã hội; đào tạo nhân lực có trình độ cao về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật. Trong các năm qua, Viện Hàn lâm đã làm tốt chức năng này, có bề dày lịch sử trong nghiên cứu ở các lĩnh vực có thế mạnh và thực hiện tư vấn chính sách kịp thời đối với Đảng và Nhà nước về các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trước yêu cầu của thời đại và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chất lượng nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm chưa được nâng cao; chưa có sự chủ động và nhanh nhạy trong công tác tư vấn chính sách của Viện Hàn lâm đối với các vấn đề nóng của nền kinh tế, xã hội.

 

Thay mặt Đảng ủy và Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Phan Chí Hiếu nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự và gửi lời chúc mừng sâu sắc đến toàn thể các nhà khoa học, viên chức, người lao động đã và đang công tác tại Viện Hàn lâm nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5. Nhận dịp này, Viện Hàn lâm và các đơn vị trực thuộc cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của khoa học, công nghệ; biểu dương những thành tựu và đóng góp của Viện Hàn lâm, các đơn vị, các nhà nghiên cứu cho đất nước nói chung và cho sự phát triển khoa học xã hội và nhân văn nói riêng; nêu cao tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học trong đội ngũ viên chức, người lao động, đặc biệt là thế hệ trẻ của Viện Hàn lâm.

 

Chủ tịch Viện Hàn lâm Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc hội thảo

 

Chủ tịch Phan Chí Hiếu ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp khoa học không ngừng của nhiều nhà khoa học vinh dự được nhận phần thưởng, giải thưởng cao quý của Nhà nước, được sự ghi nhận của các tầng lớp nhân dân. Chủ tịch trân trọng ghi nhận và cảm ơn những đóng góp không ngừng của các thế hệ nhà khoa học, viên chức, người lao động đã và đang tham gia các hoạt động nghiên cứu, phục vụ nghiên cứu, truyền bá tri thức khoa học của Viện Hàn lâm.

 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Phan Chí Hiếu cũng thẳng thắn chia sẻ khó khăn và chỉ ra những hạn chế mà Viện Hàn lâm đang phải đối mặt: Chất lượng của một số công trình nghiên cứu chưa cao. Các sản phẩm nghiên cứu phục vụ trực tiếp cho việc hoạch định đường lối, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương còn ít, chất lượng chưa đồng đều, có lúc chưa kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Công tác quản lý khoa học còn nặng nề về thủ tục hành chính, chưa phục vụ đắc lực cho các hoạt động nghiên cứu. Một số chương trình nghiên cứu lớn triển khai còn lúng túng, có nhiều vướng mắc. Số lượng công bố quốc tế giảm. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu mỏng về số lượng, chất lượng chưa đồng đều; sự hẫng hụt thế hệ đã thấy rõ.

 

Từ những bất cập và hạn chế nêu trên, Chủ tịch Phan Chí Hiếu đề nghị, Hội thảo sẽ tập trung trao đổi thẳng thắn, cởi mở để đánh giá đúng thực trạng công tác nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm; nhận diện đầy đủ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém; phân tích làm rõ nguyên nhân để từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục, nhất là các giải pháp mới, cụ thể.

 

PGS.TS. Chu Văn Tuấn (Viện trưởng Viện NC Tôn giáo) trình bày tham luận

 

Hội thảo đã nhận được 11 tham luận, trong đó có 6 tham luận được trình bày, đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ vấn đề mang tính thời sự, cấp bách hiện nay: (1) Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay; (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm; (3) Đổi mới cơ chế quản lý khoa học; (3) Rào cản để phát huy các nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học; (4) Khơi thông nguồn đề tài và đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm; (5) tăng cường phối hợp trong nghiên cứu khoa học giữa các đơn vị thuộc/trực thuộc Viện Hàn lâm; (6) Kết quả, hạn chế sau 3 năm thực hiện KPI trong nghiên cứu khoa học và giải pháp tháo gỡ; (7) Xây dựng môi trường nhằm tạo động lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học tại Viện Hàn lâm; (9) Hỗ trợ và phát huy tiềm năng nghiên cứu khoa học của lực lượng cán bộ khoa học trẻ; (10) Đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu tại Viện Hàn lâm; (11) Liên kết nghiên cứu ứng dụng khoa học xã hội nhân văn với các bộ, ngành và địa phương.

 

Tại hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi ý kiến trên tinh thần xây dựng, đánh giá thực chất các hoạt động nghiên cứu khoa học tại Viện Hàn lâm trong thời gian qua, những hạn chế cần tháo gỡ. Qua đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm liên quan đến huy động nguồn lực, xây dựng đội ngũ nghiên cứu khoa học, cơ chế quản lý khoa học, gắn kết phối hợp nghiên cứu khoa học giữa các đơn vị trực thuộc và liên kết nghiên cứu ứng dụng khoa học xã hội nhân văn với các bộ, ngành, địa phương, cơ chế thu hút người tài và xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận.

 

Trong quá trình 70 năm xây dựng và trưởng thành của Viện Hàn lâm, dù có lúc thăng, lúc trầm, dù có phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các thế hệ nhà khoa học  vẫn miệt mài, say sưa nghiên cứu khoa học, truyền bá tri thức khoa học. Trí tuệ, sức lực, lòng say mê nghiên cứu khoa học, trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân của các nhà khoa học đã kết tinh trong nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Các công trình  đó đang làm giàu thêm kho tàng tri thức khoa học, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, qua đó có nhiều đóng góp thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng, trưởng thành của Viện Hàn lâm.

 

TS. Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật (thứ 5 từ phải sang)

cùng các nhà khoa học khác nhận bằng khen của Lãnh đạo Viện Hàn lâm

 

Hội thảo còn là dịp để tôn vinh các nhà khoa học, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy năng lực của các nhà khoa học trong nghiên cứu tư vấn chính sách; đồng thời là dịp để Lãnh đạo Viện Hàn lâm giao nhiệm vụ cho các nhà khoa học đầu ngành, Hội đồng tư vấn chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Viện Hàn lâm, các Viện nghiên cứu chức năng trong việc phát huy vai trò tham mưu trước các vấn đề cấp bách, nóng hổi của đất nước theo yêu cầu của Đảng và Chính phủ hoặc chủ động tham mưu đến Đảng và Chính phủ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao của Viện Hàn lâm.

 

Tại hội thảo, Lãnh đạo Viện Hàn lâm đã trao tặng bằng khen cho các nhà khoa học, các chủ nhiệm đề tài cấp Bộ đạt loại Xuất sắc năm 2021 và 2022, trong đó có TS. Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng phụ trách Viện, là Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ “Pháp luật về an toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay”.

 

(Nguồn: Cổng TTĐT Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)

Các tin cùng chuyên mục: