•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tài phán hiến pháp và doanh nghiệp xã hội”

21/11/2017
Chiều ngày 16/11/2017, tại Hội trường tầng 1, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tài phán hiến pháp và doanh nghiệp xã hội”.

Nội dung của Hội thảo gồm 4 tham luận:

-        “Các chủ thể tham gia vào quy trình lập pháp” của TS. Phan Thanh Hà;

-        “Lệnh, lệ và án lệ - những nguồn luật bổ sung quan trọng trong lịch sử pháp lý Việt Nam, một số nguồn án lệ ở nước ta hiện nay” của ThS. Cao Việt Thăng;

-        “Đánh giá các quy định điều chỉnh về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam hiện nay” của ThS. Cao Thị Lê Thương;

-        “Hiệu lực phán quyết của cơ quan tài phán hiến pháp ở một số nước trên thế giới” của ThS. Lê Phương Hoa.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Sau mỗi tham luận, các nhà khoa học trong Viện đã chủ động trao đổi, thảo luận và đưa ra những câu hỏi cho các báo cáo viên.

 

Về tham luận của TS. Phan Thanh Hà, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng, tham luận cần làm sáng tỏ hơn nữa khâu phân tích chính sách trong quy trình lập pháp, các chủ thể tham gia phân tích chính sách pháp luật. Theo PGS.TS. Nguyễn Như Phát, ý kiến của tác giả về đề xuất để một cơ quan lãnh đạo của Đảng đóng vai trò như thượng nghị viện cần được xem xét kỹ hơn. Đây là một ý kiến khá lạ so với thông lệ thế giới.

 

Trao đổi về tham luận của ThS. Cao Việt Thăng, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương lưu ý: Thời kỳ phong kiến, một số văn bản có đề cập thuật ngữ “lệ” nhưng đây không hẳn là “án lệ” theo cách hiểu thông dụng trên thế giới.

 

Về tham luận của ThS. Cao Thị Lê Thương, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho rằng, với quy định về doanh nghiệp xã hội trong Luật Doanh nghiệp, nhà lập pháp muốn các quỹ, các trung tâm, các hiệp hội đang tiến hành các hoạt động trong các lĩnh vực xã hội, môi trường chuyển sang tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. ThS. Cao Thị Lê Thương cho biết, trên thực tế, cho đến nay chưa có nhiều doanh nghiệp xã hội được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

 

Về tham luận của ThS. Lê Phương Hoa, các nhà khoa học tham gia hội thảo nhận thấy nội dung các phán quyết của cơ quan tài phán là rất phong phú, mong muốn tác giả công bố để có tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam. 

Các tin cùng chuyên mục: