•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Những bài học rút ra khi biên soạn 267 mục từ - Thảo luận nội dung 267 mục từ Quyển 30 Luật học (năm 2018 - 2021)”

05/09/2022
Ngày 30/08/2022, thực hiện kế hoạch khoa học của Nhiệm vụ “Biên soạn, biên tập mục từ Quyển 30 chuyên ngành Luật học” thuộc Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, Ban Chủ nhiệm Nhiệm vụ Quyển 30 tổ chức Hội thảo khoa học “Những bài học rút ra khi biên soan 267 mục từ - Thảo luận nội dung 267 mục từ Quyển 30 Luật học (năm 2018 - 2021)” tại Hội trường tầng 1, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

Đến dự Hội thảo có TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật), đại diện cho đơn vị phụ trách Quyển 30 chuyên ngành Luật học. Tham gia Hội thảo có các nhà khoa học trong Ban biên soạn Quyển 30: Trưởng Ban, GS.TS. Võ Khánh Vinh (Viện Nhà nước và Pháp luật); Phó Trưởng Ban, PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) và TS. Nguyễn Linh Giang (Viện Nhà nước và Pháp luật); Thư ký khoa học, TS. Trần Văn Biên (Viện Nhà nước và Pháp luật). Đông đảo các nhà khoa học đến từ Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Luật Hà Nội và Viện Nhà nước và Pháp luật đã đến dự hội thảo.

 

Mục đích của Hội thảo là nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác biên soạn các mục từ để từ đó thực hiện tốt hơn các hoạt động biên soạn tiếp theo của Quyển 30. GS.TS. Võ Khánh Vinh và PGS.TS. Đinh Ngọc Vương đồng chủ trì Hội thảo.

 

GS.TS. Võ Khánh Vinh (thứ hai từ phải sang) và PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng (thứ hai từ trái sang) chủ trì hội thảo

 

Tham luận mở đầu do GS.TS. Võ Khánh Vinh trình bày có tiêu đề “Quán triệt Tài liệu hướng dẫn của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam về biên soạn mục từ Quyển Luật học”. GS.TS. Võ Khánh Vinh cho biết, chuyên ngành Luật học được Đề án phê duyệt 1698 mục từ trong 14 lĩnh vực. Đến lúc này, Ban đã biên soạn được 267 mục từ và năm nay công việc cần thực hiện là biên tập về nội dung và hình thức 267 mục từ này cùng với việc biên soạn 30 mục từ tiếp theo.

 

Nhìn nhận về quá trình biên soạn mục từ trong thời gian qua, GS.TS. Võ Khánh Vinh khẳng định người biên soạn cần quán triệt, bám sát các chỉ dẫn trong Tài liệu hướng dẫn của Đề án. Ông đã chia sẻ những kinh nghiệm cần thiết cho việc biên soạn mục từ. Theo đó, người biên soạn cần phải làm tốt việc thu thập tài liệu từ nhiều nguồn (giáo trình, văn bản quy phạm pháp luật, sách chuyên khảo, bài báo khoa học…); xử lý tài liệu; nắm chắc cách thức, thể thức biên soạn và xây dựng cấu trúc vi mô mục từ.   

 

Trao đổi về việc cần thiết phải tuân thủ cấu trúc vi mô mục từ, PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng đã phân tích cụ thể từng phần. Chẳng hạn, mở đầu cho mỗi mục từ là phần định nghĩa nằm trọn trong một câu, được viết rõ ràng, khúc triết. Sau định nghĩa là phần nội hàm của từ, nghĩa là nội dung của mục từ đó như thế nào, khi viết cần chú ý đến văn phong. Tóm lại, người biên soạn cần phải thấm nhuần quan điểm “Mỗi mục từ là một đơn vị tri thức và có tính bề vững”. Ngoài ra, PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng cũng trao đổi các phần khác liên quan đến từ đồng nghĩa, cách thức viết tắt, tên riêng,…

 

GS.TS. Phạm Hồng Thái trình bày tham luận

 

Tiếp theo, hội thảo đã lắng nghe phần trình bày tham luận của GS.TS. Phạm Hồng Thái (Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) về vấn đề đưa nội dung quy phạm pháp luật vào nội dung mục từ. Tác giả cho rằng, những mục từ thuần túy mang tính khoa học cần tri thức con người để biên soạn thì không đưa quy phạm pháp luật vào nội dung, chẳng hạn như các mục từ “pháp luật”, “ý thức pháp luật”, “pháp chế”, “quan hệ pháp luật”. Tuy nhiên, một số mục từ khác ngoài phần lý luận để đưa ra định nghĩa thì vẫn cần trích dẫn pháp luật thực định để minh họa giúp người đọc hiểu được nghĩa của mục từ đó. Ví dụ, với mục từ “bộ máy hành chính nhà nước”, sau khi nêu định nghĩa là phần trích dẫn quy định pháp luật nhưng sẽ không đưa ra điều luật cụ thể mà sẽ trích dẫn từ Hiến pháp để giới thiệu bộ máy hành chính nhà nước gồm những cơ quan nào.

 

Một tham luận cũng được hội thảo quan tâm và thảo luận là của TS. Trần Văn Biên có chủ đề “Tuân thủ quy tắc phiên chuẩn nhân danh và địa danh tiếng nước ngoài trong biên soạn mục từ”. Tác giả đưa ra các nguyên tắc chung cho quy tắc phiên chuyển là:

  • Bảo đảm tính chính xác, đầy đủ theo nguyên ngữ;
  • Trong một số trường hợp, phải tôn trọng cách phiên chuyển đã thành truyền thống, thói quen sử dụng của cộng đồng được thừa nhận chung trong văn viết và nói;
  • Bảo đảm để người đọc có thể truy cập và tra cứu từ nguyên ngữ;
  • Tạo sự thống nhất trong việc biên soạn toàn bộ các Quyển của Bách khoa thư Việt Nam đối với 4 hệ chữ viết là chữ Latin, Kirin, chữ tượng hình và các hệ chữ viết khác.

TS. Trần Văn Biên (đứng sau) và TS. Phạm Thị Thúy Nga

 

Tham luận đã nêu ra nhiều ví dụ trên thực tế về cách phiên chuyển nhân danh và địa danh còn chưa thống nhất hiện nay, từ đó kiến nghị các nhà biên soạn cần đọc kỹ và tuân thủ quy tắc phiên chuyển trong Tài liệu hướng dẫn biên soạn để đảm bảo viết đúng trong Quyển Luật học nói riêng và Bách khoa toàn thư Việt Nam nói chung.

 

Ngoài các tham luận trên, hội thảo còn lắng nghe hai tham luận:

  • Yêu cầu đặt ra đối với tài liệu tham khảo của các mục từ trong Quyển Luật học - PGS.TS. Lê Mai Thanh (Viện Nhà nước và Pháp luật);
  • Kinh nghiệm kiểm tra chính tả khi biên soạn các mục từ - PGS.TS. Vũ Công Giao (Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội).  

Trao đổi tại hội thảo, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị chia sẻ những khó khăn mà các nhà khoa học gặp phải trong quá trình biên soạn mục từ và bình luận về những bất cập trong cách viết nội dung các mục từ, như cách viết hoa, viết đúng chính tả… Hội thảo cũng nhận được các ý kiến của các nhà khoa học khác.

 

Phát biểu kết thúc hội thảo, GS.TS. Võ Khánh Vinh cám ơn các nhà khoa học đã đến dự để chia sẻ kinh nghiệm trong việc biên soạn mục từ và mong muốn những người biên soạn nắm chắc quy định trong Tài liệu hướng dẫn và tuân thủ cấu trúc vi mô của mục từ để việc biên soạn các mục từ đạt chất lượng cao.

Các tin cùng chuyên mục: