•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Thực trạng phòng ngừa các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế ở Việt Nam hiện nay”

07/08/2020
Chiều ngày 29/7/2020, Đề tài cấp Bộ “Phòng ngừa tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế ở Việt Nam hiện nay” do TS. Đinh Thế Hưng là chủ nhiệm đã tổ chức Hội thảo tại Hội trường tầng 2, trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ Đại học Mở Hà Nội, Đại học Kiểm sát, Tòa án Quân sự Trung ương và các nhà hoạt động thực tiễn về hình sự. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của các thành viên đề tài và một số nhà nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

TS. Đinh Thế Hưng (giữa), Chủ nhiệm Đề tài

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đinh Thế Hưng cho biết, từ việc tiếp cận dưới góc độ tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, những kiến nghị nhằm giải quyết tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (TTQLKT) sẽ được đề xuất. Bên cạnh việc chỉ ra những đặc thù của việc phòng ngừa các tội xâm phạm TTQLKT, Đề tài còn hướng tới việc bổ sung những vấn đề lý luận về phòng ngừa tội phạm nói chung. Mục đích chính của Hội thảo là tập trung vào những vấn đề lý luận về phòng ngừa tội phạm, chính sách hình sự, quan điểm của Đảng về phòng ngừa tội phạm xâm phạm TTQLKT ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở các thông tin, kết quả trao đổi và thảo luận tại Hội thảo, các thành viên sẽ nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện các chuyên đề của Đề tài.

 

Mở đầu hội thảo là tham luận của PGS.TS. Trần Văn Độ (Tòa án Quân sự Trung ương), “Đặc điểm pháp lý hình sự của các tội xâm phạm TTQLKT theo pháp luật hình sự ở Việt Nam”. Tác giả cho rằng, tội xâm phạm TTQLKT cũng như những tội phạm khác, cần cụ thể hoá hành vi vi phạm, tránh những cấu thành mang tính khái quát chung. Đồng thời, cần nhận thức được những dấu hiệu pháp lý hình sự của tội phạm để từ đó đưa ra giải pháp phòng ngừa thiết thực. Việc chỉ ra khách thể của tội phạm để từ đó định tội danh hiện đang bị xem nhẹ. Theo PGS.TS. Trần Văn Độ, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã thể hiện những chính sách hình sự mới, tác động đến việc thiết kế các biện pháp phòng ngừa hiệu quả hơn.

 

Tham luận cũng nêu ra các nội dung cũng như biện pháp được sử dụng để phòng ngừa tội phạm. Theo đó, chủ thể của phòng ngừa tội phạm là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ tham gia vào hoạt động phòng ngừa tội phạm bao gồm: Quốc hội; Hội đồng nhân dân các cấp, chính quyền các cấp; các cơ quan bảo vệ pháp luật (Viện kiểm sát nhân dân các cấp; Tòa án nhân dân các cấp; cơ quan tư pháp); Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể quần chúng; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Công an nhân dân. Trong số đó, Công an nhân dân là chủ thể trực tiếp, nòng cốt trong phòng ngừa tội phạm trật tự an toàn xã hội.

 

Sau đó, Hội thảo tiếp tục lắng nghe tham luận “Chủ thể và hệ thống các biện pháp phòng ngừa các tội xâm phạm TTQLKT” của PGS.TS. Trần Hữu Tráng (Đại học Mở Hà Nội). Ông cho rằng, trong cơ chế phòng ngừa tội phạm thì hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch, đầy đủ, cụ thể đóng vai trò rất quan trọng. Về chủ thể, có 4 nhóm chính bao gồm: (i) Đảng Cộng sản Việt Nam; (ii) Quốc hội; (iii) Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp; (iv) Các cá nhân, tổ chức trong xã hội.

 

Để xác định đặc thù của từng nhóm chủ thể thì cần chú trọng đến một số chủ thể đóng vai trò quan trọng như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân,… Tác giả đề cao quan điểm hạn chế tối đa cơ hội tham nhũng bởi đây chính là tiền đề của những vi phạm về đất đai, trốn thuế, rửa tiền,… Việc làm rõ về mặt lý luận các nguyên tắc phòng ngừa tội phạm xâm phạm TTQLKT là rất cần thiết. Tham luận đã chỉ ra hạn chế đó là vai trò của Đảng trong phòng ngừa tội phạm kinh tế không được thể hiện rõ ràng nên việc phân tích thực tiễn còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, vai trò của các nhóm chủ thể khác thì được thể hiện cụ thể và rõ ràng hơn trong các nghị quyết và văn bản pháp luật. Những kiến nghị về cơ chế phòng ngừa tội phạm và các yếu tố tác động đến phòng ngừa tội phạm được tác giả nêu lên ở tham luận được đánh giá là điểm mới của đề tài.

 

Nhìn nhận về nguyên nhân gia tăng tội phạm xâm phạm TTQLKT trong thời gian gần đây, PGT.TS. Trần Văn Độ khẳng định, tình trạng này không phải do mặt trái của hội nhập kinh tế hay mặt trái của kinh tế thị trường mà là do năng lực quản lý kinh tế yếu kém.

 

ThS. Lê Thị Hồng Xuân (bìa phải) trình bày tham luận

 

Trình bày về kết quả công tác phòng ngừa các tội phạm xâm phạm TTQLKT, ThS. Lê Thị Hồng Xuân (Viện Nhà nước và Pháp luật) đưa ra những số liệu về các tội phạm và nhóm tội phạm sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực. Sau đó, tác giả chia sẻ những đánh giá về thực trạng tình hình tội phạm, cơ cấu tình hình tội phạm, diễn biến tình hình tội phạm. Cơ cấu tình hình tội phạm dựa trên số liệu có phân tích theo tội danh và theo địa bàn. Về diễn biến tình hình tội phạm, tác giả nêu lên các nhóm tội điển hình và hành vi những nhóm này thường sử dụng.

 

Tiếp theo, NCV. Trần Tuấn Minh và ThS. Nguyễn Thị Thuỳ Linh (Viện Nhà nước và Pháp luật) cung cấp những thông tin về hoạt động phòng ngừa tội phạm kinh tế ở một số quốc gia trên thế giới. Theo Cục Cảnh sát châu Âu Europol, tội phạm kinh tế còn được gọi là tội phạm tài chính, đề cập đến các hành vi bất hợp pháp được thực hiện bởi một cá nhân hoặc một nhóm các cá nhân để có được lợi thế tài chính hoặc công việc. Động cơ chính của nhóm tội phạm này là lợi ích kinh tế. Dựa vào các nghiên cứu và báo cáo đánh giá của Europol, các lĩnh vực tội phạm kinh tế chính bao gồm: (i) Nhóm tội phạm MTIC (tội phạm liên quan tới các gian lận trong cộng đồng thương nhân - Missing Trader Intra Comminuty Fraud) là các hành vi phạm pháp liên quan tới thuế VAT, buôn lậu các mặt hàng bị đánh thuế cao như thuốc lá, rượu và nhiên liệu làm thất thoát khoảng 60 tỷ EUR mỗi năm của các quốc gia thành viên; (ii) Rửa tiền; (iii) Tội phạm liên quan tới ngân hàng. Bên cạnh việc đưa ra khái niệm và thực trạng vi phạm, tham luận còn tổng kết các quy định pháp luật và thực tiễn xử lý tội phạm kinh tế; các biện pháp phòng ngừa và án lệ điển hình của những nhóm tội phạm này.

 

PGS.TS. Lê Mai Thanh (bìa trái) và PGS.TS. Trần Văn Độ (thứ hai từ trái sang)

 

Góp ý tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Mai Thanh (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho rằng, Đề tài cần nghiên cứu sâu hơn về các thủ đoạn phạm tội mới không chỉ ở Việt Nam mà còn  trên thế giới, từ đó có thể đưa ra các biện pháp phòng ngừa có tính dự báo cao hơn cho các nhà hoạch định chính sách. PGS.TS. Mai Thanh cũng đề xuất một số giải pháp tăng cường phòng ngừa các tội xâm phạm TTQLKT như: đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao hợp tác quốc tế, thiết lập kênh liên lạc giữa các cơ quan, tổ chức.

Hội thảo cũng đón nhận những ý kiến, trao đổi của các đại biểu về các vấn đề: các yếu tố tác động, bảo đảm phòng ngừa tội xâm phạm TTQLKT; dẫn độ tội phạm; nhận thức về tội phạm xâm phạm TTQLKT trong cộng đồng và từ các nhà quản lý;…

 

Ngoài ra, Hội thảo còn lắng nghe các tham luận:

  • Phòng ngừa tội phạm xâm phạm TTQLKT của Viện kiểm sát nhân dân (Trần Đình Hải, Đại học Kiểm sát);
  • Quan điểm và các giải pháp tăng cường phòng ngừa các tội xâm phạm TTQLKT ở Việt Nam (ThS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện Nhà nước và Pháp luật).

Phát biểu kết thúc hội thảo, thay mặt cho Ban chủ nhiệm đề tài, TS. Đinh Thế Hưng cám ơn và xin tiếp thu các ý kiến của các báo cáo viên và các đại biểu tham dự hội thảo. TS. Đinh Thế Hưng nhấn mạnh, về mặt lý luận, Đề tài cần xác định định rõ hơn nội dung về phòng ngừa tội phạm nói chung và phòng ngừa tội phạm kinh tế nói riêng, trong đó cần làm rõ nét đặc trưng của phòng ngừa tội phạm kinh tế. Từ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về chính sách hình sự trong lĩnh vực kinh tế, Đề tài sẽ tiếp tục nghiên cứu và làm rõ hơn những vấn đề lý luận xung quanh việc phòng ngừa nhóm tội phạm này trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay cũng như tham khảo thêm từ một số nước trên thế giới.

Các tin cùng chuyên mục: