•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo liên Chi đoàn “Biển đảo Việt Nam – góc nhìn từ những nhà nghiên cứu trẻ”

17/11/2021
Ngày 9/11/2021, Chi đoàn cơ sở Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Chi đoàn cơ sở Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Biển đảo Việt Nam – góc nhìn từ những nhà nghiên cứu trẻ”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Hội trường trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội và qua hình thức trực tuyến.

Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Linh Giang, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; ThS. Cao Việt Thăng, Phó Bí thư Chi bộ Viện Nhà nước và Pháp luật; TS. Nguyễn Thị Thanh Nga, Chi ủy viên Chi bộ Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam (Viện TĐH&BKTVN); TS. Nguyễn Tuấn Anh và ThS. Nguyễn Phương Anh, Ủy viên Ban thường vụ Đoàn TNCS Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Đông đảo các nhà khoa học và các đoàn viên, thanh niên của hai Viện đã tham gia vào buổi sinh hoạt khoa học này.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, lãnh đạo hai Viện, TS. Nguyễn Linh Giang và TS. Nguyễn Thị Thanh Nga, khẳng định luôn ủng hộ các hoạt động khoa học do Đoàn Thanh niên tổ chức. Hội thảo này cũng như các hoạt động khoa học khác sẽ là cơ hội để các nhà nghiên cứu trẻ thể hiện năng lực của mình cũng như trao đổi, thảo luận để có thêm những thông tin, kiến thức hữu ích phục vụ cho công việc chuyên môn của mình.  

 

Chủ tọa hội thảo là ThS. Lê Thanh Hà (bên trái) và ThS. Trần Thị Loan

 

ThS. Lê Thanh Hà (Viện TĐH&BKTVN) và ThS. Trần Thị Loan (Viện Nhà nước và Pháp luật) đồng chủ trì hội thảo.

 

Hội thảo đã thu nhận 13 tham luận của các đoàn viên, thanh niên từ 04 Viện, trong đó Ban tổ chức đã lựa chọn 06 tham luận để trình bày tại hội thảo.

 

Phiên thứ nhất có chủ đề “Những vấn đề lý luận trong nghiên cứu biển, đảo Việt Nam”. Tại phiên này, hội thảo đã lắng nghe hai tham luận “Tư tưởng, quan điểm về chủ quyền biển, đảo của các thế hệ lãnh đạo Nhà nước Việt Nam” của ThS. Vũ Hoàng (Viện TĐH&BKTVN) và “Giới thiệu cuốn sách: Bách khoa về biển đảo Việt Nam” của ThS. Lê Thanh Hà (Viện TĐH&BKTVN).

 

Việt Nam là quốc gia ven biển với đường bờ biển dài trải dọc theo chiều dài đất nước, gấp ba lần diện tích đất liền. Biển, đảo Việt Nam có vị trí địa lý kinh tế quan trọng, nằm án ngữ tuyến đường hảng hải và hàng không huyết mạch của thế giới và các nước trong khu vực. Tham luận của ThS. Vũ Hoàng đã khái lược những tư tưởng, quan điểm quan trọng về chủ quyền biển, đảo của các thế hệ lãnh đạo Nhà nước Việt Nam qua từng thời kỳ nhằm khẳng định quan điểm trước sau như một của Việt Nam về vấn đề chủ quyền biển, đảo; qua đó giáo dục, khích lệ thế hệ trẻ tiếp tục nối bước cha anh cùng chung tay bảo vệ, giữ gìn tài nguyên biển, đảo của quốc gia cho tương lai.

 

Công trình “Bách khoa về biển đảo Việt Nam” bao gồm 500 trang, được trình bày thành hai phần. Phần I là những kiến thức cơ bản, phổ thông được viết thành chương mục nhằm tìm hiểu các vấn đề về biển, đảo Việt Nam; phần II là thuật ngữ liên quan được trình bày theo dạng từ điển. Đây là công trình khoa học có giá trị với nội dung phong phú, đa dạng; thông tin được sắp xếp có hệ thống, hợp lý, chính xác, ngắn gọn, dể hiểu và dễ nhớ. Cuốn sách này có thể phục vụ bạn đọc ở mọi trình độ, mọi lứa tuổi, giúp tăng thêm vốn hiểu biết về biển đảo quê hương. Bên cạnh đó, dựa vào những phần đã tìm hiểu về cấu trúc vĩ mô, cấu trúc vi mô của cuốn sách, ThS. Lê Thanh Hà nhìn nhận đây là cuốn sách tra cứu dạng từ điển đầu tiên chuyên biệt về biển, đảo Việt Nam ở nước ta.

 

 

Hội thảo tiếp tục diễn ra phiên thứ hai “Những vấn đề trong thực tiễn nghiên cứu biển, đảo Việt Nam hiện nay”. Mở đầu phiên là tham luận của ThS. Hoàng Thị Hoa Mai, “Ô nhiễm môi trường biển, đảo Việt Nam và hệ quả”. Tác giả cho biết, ô nhiễm môi trường biển là hiện tượng nước biển bị các nguyên nhân khác nhau tác động làm thay đổi tính chất, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các chỉ số sinh hóa của nước biển; đồng thời, gây hại tới sức khỏe con người cũng như các sinh vật sống trên biển. Ô nhiễm môi trường biển, đảo để lại hệ quả rất lớn, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân mà còn tác động rất lớn đến hoạt động kinh tế nước nhà. Vì thế, việc bảo vệ môi trường biển, bảo vệ đa dạng sinh học là vấn đề cấp bách cần được chú trọng hiện nay. Do đó, để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển, đảo có nguồn gốc từ biển và từ đất liền, phải ngăn chặn được tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng tại các địa điểm, khu vực, vùng bị ô nhiễm và suy thoái nặng ở các lưu vực sông, các khu, cụm công nghiệp ven biển,... Trong đó, việc phát huy tốt vai trò của thanh niên trong tham gia bảo vệ môi trường du lịch biển đảo là cần thiết và quan trọng.

 

Liên quan đến vấn đề môi trường biển, đảo, ThS. Phạm Hồng Nhật (Viên Nhà nước và Pháp luật) trình bày tham luận về việc Việt Nam tham gia và thực thi các điều ước quốc tế liên quan đến bảo vệ môi trường biển. Cho đến nay, Việt Nam đã tích cực tham gia và nỗ lực thực hiện nghiêm túc các điều ước ở phạm vi thế giới và khu vực về vấn đề bảo vệ môi trường biển như: Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu (MARPOL 73/78), Công ước về các quy tắc quốc tế phòng, tránh đâm, va trên biển năm 1972 (COLREG),… Nhằm đưa nội dung các công ước này vào cuộc sống, chúng ta đã tiến hành nội luật hoá, xây dựng pháp luật và quy chế thích hợp, tổ chức bộ máy thực hiện, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tăng cường tiềm lực, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học kết hợp với các chương trình kinh tế - xã hội và phát triển hợp tác quốc tế. Trong đó, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, năm 2014 và năm 2020; Bộ luật Hàng hải năm 2005, năm 2015; Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi năm 2000, năm 2008; Luật Thủy sản năm 2003, năm 2017... Đặc biệt, một số tội phạm liên quan đến môi trường lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999.

 

Mặc dù Việt Nam đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả nhất định trong việc thực hiện các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển nhưng vẫn còn có những bất cập, hạn chế nhất định và cần phải được khắc phục bằng các giải pháp hữu hiệu, thích hợp cùng với sự quan tâm thích đáng của các ngành, các cấp, từ trung ương đến địa phương.

 

Tại phiên này, hội thảo cũng đã nghe CN. Nguyễn Tuấn Minh (Viện Nhà nước và Pháp luật) trình bày tham luận về tội cướp biển trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam.

 

ThS. Nguyễn Lê Dân trình bày tham luận

 

Sau đó, hội thảo tiếp tục diễn ra phiên thứ ba “Vai trò của thanh niên đối với biển đảo quê hương” với tham luận của ThS. Nguyễn Lê Dân (Viện Nhà nước và Pháp luật) bàn về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Tác giả cho rằng, để thế hệ trẻ làm tốt việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần phải tập trung vào một số nội dung sau: (i) đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ quyền biển, đảo, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo; (ii) cần có sự quan tâm và chính sách đãi ngộ cụ thể đối với thanh niên khi tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; (iii) chú trọng xây dựng quyết tâm cao, định hướng hành động thiết thực trong thanh niên đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 

Bình luận tại hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Tình (Viện TĐH&BKTVN) cho rằng, sức nóng của vấn đề biển đảo rất đặc biệt bởi nó liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền. Ở thời điểm này, khi mà ý thức dân tộc thể hiện nhiều qua các nghiên cứu, các tuyên bố của chúng ta thì việc tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này là hết sức cần thiết. Các tham luận đã cung cấp những thông tin và nghiên cứu có căn cứ và cơ sở về biển đảo. Đây là một trong những điểm nội bật mà Chi đoàn hai Viện đã nỗ lực tổ chức hội thảo trong điều kiện hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Với những báo cáo này, các nhà nghiên cứu trẻ có thể gửi đăng bài viết trên các tạp chí khoa học hoặc tập hợp đưa vào sách chuyên khảo để xuất bản. Ông cũng hy vọng từ hội thảo này, Chi đoàn hai Viện tiếp tục tìm hiểu và tổ chức các hoạt động khoa học khi có nhiều vấn đề đang nổi lên trong bối cảnh dịch Covid-19 đang xảy ra hiện nay.

 

ThS. Nguyễn Văn Biểu (Viện Sử học) đồng tình với ý kiến của PGS.TS. Phạm Văn Tình bởi vấn đề biển đảo hiện nay đang được dư luận chú ý, đặc biệt là các nghiên cứu về tư liệu lịch sử luôn được các nhà lãnh đạo quan tâm. Các tư liệu của chúng ta cũng như tư liệu từ các công trình nghiên cứu của Trung Quốc cũng có những thống kê về biển đảo Việt Nam, một trong số đó là cuốn sách “Đại Nam thập lục” của các nhà sử học Việt Nam. Những công trình trước đó cũng như những tư liệu có giá trị rất cao về chủ quyền từ thời Chúa Nguyễn đã khẳng định chủ quyền của chúng ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, việc tuyên truyền về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa cần phải được phổ biến đến các cán bộ trẻ, đặc biệt là trong các cơ quan nghiên cứu và các cơ sở đào tạo.

 

 

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị đặt câu hỏi chủ thể nào ở Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm về các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển đảo? Đánh giá của các diễn giả về việc thực thi trách nhiệm này của các cơ quan hữu quan. Ths. Phạm Hồng Nhật cho biết, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP năm 2016 được sửa đổi bằng Nghị định số 55/2021/NĐ-CP quy định rõ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển. Các cơ quan chuyên môn như lực lượng cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư là những chủ thể có thẩm quyền xử lý các vi phạm về các hành vi gây ô nhiễm môi trường trên biển. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về thực tế xử lý vi phạm không có nhiều và không phổ biến nên việc đánh giá khó có thể thực hiện. Các cơ quan này chủ yếu xử lý các vấn đề liên quan đến hỗ trợ ngư dân trong các vụ va chạm trên biển.

 

Về tham luận liên quan đến tội cướp biển, các nhà khoa học cũng thảo luận về các nội dung như: tại sao nạn cướp biển vẫn hoành hành; có nên áp dụng hình phạt tử hình với tội cướp biển;…

 

TS. Bùi Đức Hiển, chuyên gia luật môi trường, cho rằng, chúng ta nên áp dụng cơ chế hợp tác cùng phát triển với các quốc gia, nhất là về vấn đề môi trường biển. Việt Nam cần chủ động áp dụng pháp luật quốc tế, các thỏa thuận khu vực, các thỏa thuận hợp tác với các quốc gia khác để bảo vệ quyền lợi của mình cũng như cùng các quốc gia khác thực thi có hiệu quả các điều ước quốc tế về luật biển. Đặc biệt, chúng ta nên tận dụng phán quyết của tòa án quốc tế về Biển Đông để bác bỏ các tuyên bố của Trung Quốc. Ngoài ra, các tranh chấp về tài nguyên biển thì không thể thiếu các yếu tố về lịch sử. Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm và sưu tập các tư liệu lịch sử để làm bằng chứng chứng minh chủ quyền lãnh thổ của nước ta đối với biển, đảo.

 

Phát biểu kết thúc hội thảo, ThS. Trần Thị Loan nhìn nhận, tuy gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức hội thảo nhưng đến lúc này hội thảo đã được diễn ra thành công. Ban tổ chức xin cảm ơn lãnh đạo hai Viện, đại diện Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm và các Chi đoàn bạn đã đến tham dự và đóng góp ý kiến cho hội thảo. ThS. Trần Thị Loan hy vọng trong thời gian tới, mối liên hệ, hợp tác giữa các Chi đoàn sẽ luôn được gìn giữ và có thêm nhiều hội thảo thú vị và sôi nổi sẽ được tổ chức trong tương lai.  

Các tin cùng chuyên mục: