•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo quốc tế “Khung pháp luật cho truyền thông xã hội: Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam”

19/11/2018
Trong 02 ngày, 13-14/11/2018, tại Khách sạn Pan Pacific, Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Chương trình Nhà nước pháp quyền Châu Á, Viện Konrad Adenauer Stiftung của CHLB Đức (KAS) tổ chức hội thảo quốc tế “Khung pháp luật cho truyền thông xã hội: Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam”.

Hội thảo đã thu hút sự tham dự của hơn 50 lượt đại biểu, nhà khoa học đến từ các cơ quan sau đây:

- Các bộ, ngành trung ương: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm); Văn phòng Quốc hội; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Nội vụ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;…

- Các hội, cơ sở đào tạo: Hội liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Hội Thương mại điện tử Việt Nam; Học viện Khoa học xã hội; Đại học Luật Hà Nội; Đại học Luật Huế; Cơ sở Đại học Nội vụ tại Tp. Hồ Chí Minh; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Đại học Ngoại ngữ và Tin học Thành phố Hồ Chí Minh;…

- Các nhà khoa học quốc tế đến từ Indonesia, Singapore, Philippines.

- Các cán bộ Văn phòng Viện KAS tại Hà Nội đã đến dự và tham gia tích cực vào các hoạt động của hội thảo.

 

Về phía cơ quan tổ chức hội thảo có sự tham dự của bà Gisela Elsner, Giám đốc Chương trình Nhà nước pháp quyền Châu Á, KAS; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; TS. Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật. Các nhà khoa học của Viện Nhà nước và Pháp luật đã tích cực thảo luận tại các phiên họp của hội thảo.

 

GS.TS. Đặng Nguyên Anh phát biểu khai mạc hội thảo

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, truyền thông xã hội đang là công cụ biểu đạt, bàn luận, trao đổi giữa nhiều đối tượng, là kênh tương tác nhanh chóng, hiệu quả và không bị giới hạn về địa lý, không gian và thời gian. Truyền thông xã hội mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng phát sinh nhiều tiêu cực như đánh cắp thông tin, thông tin giả mạo,… Chủ đề hội thảo mang tính thời sự, là diễn đàn cho các nhà khoa học trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và thực hiện pháp luật về truyền thông xã hội ở các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ông mong muốn những ý kiến, thảo luận tại hội thảo sẽ góp phần thiết lập và hoàn thiện khung pháp lý cho sử dụng và quản lý truyền thông xã hội ở Việt Nam, đưa ra những khuyến nghị giúp phát huy các mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực trong việc sử dụng truyền thông xã hội.

 

Bà Gisela Elsner, Giám đốc Chương trình Nhà nước pháp quyền Châu Á

 

Tiếp theo là lời phát biểu của bà Gisela Elsner, Giám đốc Chương trình Nhà nước pháp quyền Châu Á. Bà cho rằng, năm nay trong kế hoạch hợp tác với Viện Nhà nước và Pháp luật, Chương trình Nhà nước pháp quyền Châu Á đã chọn chủ đề về khung pháp luật cho truyền thông xã hội. Đây là vấn đề được các nước rất quan tâm. Truyền thông xã hội có sự phát triển rất nhanh chóng trong thời gian gần đây. Nó đã và đang tác động to lớn đến tất cả các lĩnh vực đời sống của xã hội. Từ đây đặt ra cần yêu cầu xây dựng khung pháp lý cho truyền thông xã hội một cách phù hợp. Hội thảo của chúng ta sẽ trao đổi kinh nghiệm xây dựng cơ sở pháp lý và hoạt động quản lý đối với truyền thông xã hội ở các nước, chỉ ra các thách thức và gợi mở cách giải quyết. Bà hy vọng hội thảo sẽ có ích cho tất cả mọi người  tham dự. 

 

Phiên thứ nhất của hội thảo có chủ đề “Khung pháp luật về truyền thông xã hội và bảo vệ lợi ích công cộng”, do PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và bà Gisela Elsner chủ trì. Tham luận đầu tiên do ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương (Viện Nhà nước và Pháp luật) trình bày, “Tổng quan về truyền thông xã hội và khung pháp luật về truyền thông xã hội ở Việt Nam”. Tác giả cho biết, hiện nay có 443 mạng xã hội Việt Nam được Nhà nước cấp phép, chủ yếu là các diễn đàn, blog (ví dụ: Web trẻ thơ, Tinh tế, OtoFun,…). Tuy nhiên, các mạng xã hội nước ngoài chiếm ưu thế, đặc biệt là Facebook và YouTube. Đến tháng 10/2018, Việt Nam có hơn 60 triệu tài khoản Facebook, chiếm khoảng 63% dân số và đứng thứ 7 trên thế giới. Khung pháp luật về truyền thông xã hội ở Việt Nam đã được diễn giả giới thiệu một cách khái quát.

 

ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương trình bày tham luận

 

Tiếp theo là tham luận của bà Alfatika Aunuriella Dini (Khoa Luật, Đại học Gadjah Mada, Indonesia) với chủ đề “Khung pháp luật về truyền thông xã hội ở Indonesia”. Hiện nay, Indoneisa có lượng người dùng các phương tiện truyền thông xã hội thuộc top đầu thế giới, với hơn 70 triệu người dùng Facebook và khoảng 30 triệu người dùng Twitter trên tổng số 250 triệu dân. Tác giả đã trình bày và phân tích khuôn khổ pháp lý về truyền thông xã hội cũng như những rủi ro pháp lý liên quan tới việc sử dụng truyền thông xã hội bao gồm: phỉ bảng; xâm phạm quyền riêng tư; phát ngôn thù hận và báng bổ.

 

Tại phiên này, hội thảo cũng đã lắng nghe kinh nghiệm của Singapore và Philippines trong các tham luận:

  • Để truyền thông xã hội không gây phương hại đến an ninh quốc gia: Cách tiếp cận của Singapore (bà Teo Yi-Ling, Trường Quốc tế S Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore);
  • Bảo vệ lợi ích công cộng, trật tự, an toàn xã hội trong sử dụng mạng xã hội: Kinh nghiệm của Philippines (Luật sư Alizedney M. Ditucalan, Trường Luật, Đại học Bang Mindanao, Philippines).

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh chủ trì phiên thứ nhất hội thảo

 

Các đại biểu đã trao đổi với các diễn giả về mối quan hệ giữa yêu cầu bảo vệ lợi ích công cộng, trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia và việc sử dụng, phát triển truyền thông xã hội của các quốc gia.

 

Về khung pháp luật, các đại biểu cho rằng, cần sử dụng nhiều chế định pháp luật để bảo đảm cho truyền thông xã hội mang lại lợi ích cho xã hội, cho cá nhân con người, đồng thời ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi  phạm chuẩn mực pháp lý, vi phạm chuẩn mực đạo đức trên mạng xã hội. Bên cạnh những quy định pháp luật về an toàn, an ninh mạng cần sử dụng các quy định của các lĩnh vực pháp luật khác như pháp luật dân sự, thương mại, hành chính, hình sự… đề điều chỉnh các vấn đề mà truyền thông xã hội đặt ra. 

 

Phiên thứ hai “Sử dụng truyền thông xã hội”do PGS.TS. Nguyễn Như Phát và PGS.TS. Lê Mai Thanh chủ trì. Mở đầu phiên là tham luận của ThS. Trần Anh Tú (Báo Đại đoàn kết), “Việc sử dụng truyền thông xã hội của báo chí”. Tham luận đề cập tới vai trò của truyền thông xã hội và sự thay đổi của báo chí để thích nghi với các loại hình truyền thông mới trong việc khai thác nguồn tin, kiểm chứng nguồn tin và tương tác với công chúng của mình. Tác giả cũng đặc biệt nhấn mạnh các thách thức đối với báo chí khi sử dụng mạng xã hội như chạy đua tin tức với mạng xã hội, những quy chuẩn riêng hay các thuật toán của các phương tiện truyền thông xã hội đặc biệt là mạng xã hội Facebook. Tham luận đề cập tới một số vấn đề trong quy trình sản xuất nội dung khi lấy thông tin trên mạng như vấn đề fake news. Tác giả cũng đề cập tới vấn đề đạo đức và việc quản lý của các cơ quan báo chí khi nhà báo/nhân viên cơ quan báo chí sử dụng mạng xã hội.

 

Bà Alfatika Aunuriella Dini (Khoa Luật, Đại học Gadjah Mada, Indonesia)

 

Bà Alfatika Dini trình bày và phân tích  cách sử dụng truyền thông xã hội của quan chức Indonesia theo 3 nhóm bao gồm cá nhân, nhóm và tổ chức. Việc sử dụng truyền thông xã hội bởi quan chức nhà nước với tư cách cá nhân có thể bao gồm chia sẻ thông tin, kết nối mạng lưới trong lĩnh vực chính trị, chia sẻ các giá trị hoặc xây dựng hình ảnh cá nhân, trong khi đó, nếu là một nhóm, họ chủ yếu sử dụng truyền thông xã hội để huy động người ủng hộ và thu thập ý kiến. Đối với các tổ chức của Nhà nước, hệ thống xử lý báo cáo LAPOR! – một ứng dụng truyền thông xã hội được Nhà nước phát triển để thực hiện xử lý báo cáo và đã được áp dụng ở hơn 400 cơ quan của Chính phủ Indonesia. Các tính năng của hệ thống này đã mang đến nhiều hiệu quả, đó là: phân chia mức độ ưu tiên xử lý các vấn đề; giảm thiểu báo cáo sai thẩm quyền; báo cáo hiệu quả hoạt động các tổ chức của Chính phủ; đẩy nhanh quá trình hoạch định chính sách.

 

Các đại biểu dự hội thảo cho rằng, báo chí muốn sử dụng truyền thông xã hội thì chính các nhà báo phải có đạo đức nghề nghiệp, không làm báo một cách dễ dãi, “hớt váng” mạng xã hội mà phải trung thực, phải làm việc thật nghiêm túc, chịu khó, không giấu dốt, ham học hỏi. Các cơ quan, các tổ chức cần có những bộ phận truyền thông chuyên nghiệp, năng động, trung thực để sẵn sàng xử lý các tình huống, nhất là tình huống “khủng hoảng truyền thông” một cách nhanh chóng và có hiệu quả. 

 

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh kỷ niệm

 

Thực tiễn gần đây cho thấy, mạng xã hội Facebook đang phải đối mặt với những cáo buộc về việc làm lộ các thông tin riêng tư của khách hàng. Vậy làm thế nào để bảo vệ dữ liệu cá nhân khi tham gia mạng xã hội? Về khung pháp luật quốc tế, TS. Nguyễn Linh Giang cho biết, quyền riêng tư và quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân là một quyền căn bản được ghi nhận trong Công ước về các quyền dân sự và chính trị, Công ước Châu Âu về quyền con người và Hiến chương Châu Âu về các quyền cơ bản. Tháng 12/2013, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 68/167, kêu gọi các Nhà nước phải tôn trọng và bảo vệ các quyền cá nhân trong kỷ nguyên số, xem xét lại quy trình thực thi và pháp luật liên quan đến việc theo dõi thông tin, thu thập thông tin cá nhân và nhấn mạnh nhu cầu đối với các Nhà nước phải bảo đảm sự thực thi có hiệu quả các nghĩa vụ quốc gia theo pháp luật quốc tế về quyền con người.

 

Về khung pháp luật Việt Nam, Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành khác đều đã có quy định về quyền cơ bản của công dân và bảo vệ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền tự do cá nhân khi tham gia vào mạng xã hội của Việt Nam còn thiếu và yếu. Các quy định hiện thời đang thiếu các cơ chế bảo vệ quyền riêng tư của người dân trước sự xâm phạm của cơ quan nhà nước Việt Nam và nhà nước nước ngoài. Các cơ chế bảo vệ dù đã tồn tại nhưng hoạt động kém hiệu quả,  quyền riêng tư của người dân vẫn bị vi phạm, chưa kịp thời xử lý các hành vi vi phạm một cách thỏa đáng.

 

Ông Lê Quang Tự Do, Bộ Thông tin và Truyền thông

 

Sáng ngày 14/11, hội thảo tiếp tục diễn ra phiên thứ ba với chủ đề “Quản lý nhà nước về truyền thông xã hội”, do TS. Phạm Thị Thúy Nga và bà Gisela Elsner chủ trì. Mở đầu là tham luận “Những thách thức trong quản lý thông tin trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay” của ông Lê Quang Tự Do (Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông). Một trong những thách thức lớn mà bài viết đề cập là người dân ngày càng phụ thuộc vào các mạng xã hội nước ngoài, đặc biệt là Facebook và YouTube, trong bối cảnh nước ta chưa có các dịch vụ tương tự phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân. Facebook và YouTube đều không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, do đó việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhất là việc thực hiện các quy định về quản lý nội dung, quảng cáo và nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

 

Tiếp theo, ông Nguyễn Thanh Hưng (Chủ tịch Hội Thương mại điện tử Việt Nam) trình bày tham luận “Kinh doanh trên mạng xã hội và bảo vệ người tiêu dùng”. Ở Việt Nam hiện nay, mạng xã hội hỗ trợ tích cực các hoạt động cung cấp thông tin về người bán, sản phẩm và dịch vụ, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, chăm sóc khách hàng. Nhiều cá nhân và hộ gia đình đã triển khai hoạt động bán hàng và dịch vụ thông qua mạng xã hội. Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2018, mạng xã hội là kênh tiếp thị phổ biến nhất của các doanh nghiệp (43%). Hơn thế nữa, mạng xã hội cũng là kênh hiệu quả nhất hỗ trợ bán hàng trực tuyến (39%), còn hiệu quả hơn website của doanh nghiệp (35%) và các sàn thương mại điện tử (18%).

 

Luật sư Alizedney Ditucalan (Philippines)

 

Trong phiên này, hội thảo cũng đã nghe tham luận “Năng lực truyền thông khi tham gia mạng xã hội” của TS. Phạm Hải Chung (Học viện Báo chí và Tuyên truyền); Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội và các biện pháp bảo vệ (Luật sư Alizedney Ditucalan, Philippines).

 

Các đại biểu tham gia trao đổi cho rằng, ở Việt Nam cần chú ý đến vấn đề biến đổi về ý thức xã hội, tâm lý xã hội thể hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội như: Ăn xổi ở thì, dễ nổi nóng, quá coi trọng lợi ích cá nhân, ném đá giấu tay, ghen ăn tức ở, phát triển bằng bất cứ giá nào… Từ đây đặt ra yêu cầu đề cao các giá trị đạo đức, cách ứng xử có văn hóa, tôn trọng lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích công cộng, không xúc phạm người khác. Muốn thế phải có những chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp cho các đối tượng tham gia vào truyền thống xã hội.

 

Phát biểu kết thúc hội thảo, bà Gisela Elsner có nhận xét: các đại biểu đã tiếp cận truyền thông xã hội từ nhiều góc độ: luật học, chính trị học, văn hóa học, tâm lý học, xã hội học, giáo dục học, trong đó các vấn đề pháp lý được nhấn mạnh. Các quốc gia đều quan tâm xây dựng khung pháp luật cho truyền thông xã hội. Tuy nhiên, tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội của mình, các quốc gia đã có cách tiếp cận mang những nét đặc thù. Tại hội thảo này, chúng ta đã lắng nghe và thảo luận về khung pháp luật, về sử dụng truyền thông xã hội của các cơ quan nhà nước, của báo chí, về cách thức, biện pháp quản lý truyền thông xã hội. Bà cho rằng, hội thảo đã thành công với nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận sôi nổi. Các đại biểu đã thu nhận được những điều bổ ích từ các cuộc trao đổi, thảo luận sôi nổi, lý thú.

Các tin cùng chuyên mục: