•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Cơ sở lý luận và nội dung bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài”

01/11/2019
Ngày 18/10/2019, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật, đã diễn ra hoạt động khoa học của Đề tài cấp Bộ “Cơ sở pháp lý bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài” do PGS.TS. Lê Mai Thanh làm Chủ nhiệm với sự tham gia của các thành viên đề tài và một số nhà khoa học trong và ngoài Viện.

PGS.TS. Lê Mai Thanh

 

Mở đầu, PGS.TS. Lê Mai Thanh giới thiệu tóm tắt tính cấp thiết, tổng quan tình hình nghiên cứu, mục tiêu và nội dung nghiên cứu của đề tài. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường hiệu quả bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.

 

Bảo hộ công dân ở nước ngoài được hiểu theo nghĩa rộng trong đó bao hàm cả bảo hộ ngoại giao. Các quốc gia bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nước mình ở nước ngoài theo yêu cầu của công dân cũng như hỗ trợ công dân khi họ rơi vào tình trạng khó khăn và khi tình trạng khủng hoảng xảy ra tại nước sở tại. Điều kiện định bảo hộ dựa trên cơ sở quốc tịch/mối liên hệ gắn bó với Việt Nam; yêu cầu bảo hộ của công dân…Cơ sở pháp lý để bảo hộ công dân là pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và điều ước quốc tế có liên quan giữa các bên hữu quan. Căn cứ vào cơ sở đó, cơ chế bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động với nòng cốt là các cơ quan hữu trách như Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, các Bộ ngành có liên quan đối với từng nhóm công dân Việt Nam cụ thể.  

 

ThS. Nguyễn Tiến Đức trình bày tham luận

 

Tiếp theo, ThS. Nguyễn Tiến Đức (Viện Nhà nước và Pháp luật) trình bày tham luận “Căn cứ và phương thức bảo vệ công dân ở nước ngoài”. Về phương thức bảo hộ công dân, có nhiều cách thức bảo hộ công dân, nhưng chủ yếu đặt ra trách nhiệm bảo hộ ngoại giao và bảo hộ lãnh sự; các phương thức khác cũng được tính đến trong nhiều tình huống cụ thể theo yêu cầu bảo hộ của công dân …

 

Thực tế hiện nay, phần lớn các quốc gia bảo hộ công dân của mình bằng các cách thức hòa bình như: Biện pháp ngoại giao/lãnh sự; biện pháp trả đũa thương mại tương xứng; biện pháp cấm vận kinh tế; cắt đứt quan hệ ngoại giao… Bất chấp pháp luật quốc tế, một số quốc gia đã sử dụng vũ lực khi bảo hộ công dân nước mình ở nước ngoài.

 

ThS. Nguyễn Thị Hương Lan

 

Trong tham luận “Bảo hộ lao động người Việt Nam ở nước ngoài”, ThS. Nguyễn Thị Hương Lan (Bộ Ngoại giao) tập trung phân tích thực trạng bảo hộ lao động Việt Nam  trong tình trạng khủng hoảng, thiên tai, nội chiến ở một số quốc gia để từ đó đưa ra một số giải pháp. Trách nhiệm bảo hộ công dân không chỉ đặt ra đối với một cơ quan Nhà nước như Bộ Ngoại giao mà cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từ những cơ quan cấp cao như Chủ tịch nước, đến toàn xã hội.

 

Trao đổi tại hội thảo, PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng gợi mở và đi vào phân tích những từ khóa chính liên quan đến nội dung của đề tài này: Quốc tịch; bảo hộ; quyền và nghĩa vụ. Về quốc tịch, từ khóa này thể hiện mối quan hệ pháp lý thường xuyên, bền vững giữa một cá nhân và Nhà nước. Hiến pháp ghi nhận mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân thông qua quyền và nghĩa vụ của hai bên. Nhìn nhận về người Việt Nam ở nước ngoài, PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng đề xuất một số trường hợp ngoại lệ cần đưa vào phạm vi nghiên cứu. Đó là nhóm người gốc Việt nhưng hiện nay không có quốc tịch.

 

PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng

 

Hội thảo tiếp tục diễn ra với tham luận của TS. Nguyễn Linh Giang (Viện Nhà nước và Pháp luật), “Cơ sở pháp lý về bảo hộ công dân ở nước ngoài”. Phần trình bày của tác giả gồm hai ý chính: (i) Khái niệm và thành tố của cơ sở pháp lý về bảo hộ công dân ở nước ngoài; (ii) Thiết chế bảo hộ công dân.

 

Theo đó, cơ sở pháp lý về bảo hộ công dân ở nước ngoài là tổng thể các quy phạm pháp luật làm căn cứ pháp lý để bảo hộ công dân bao gồm pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và pháp luật nước sở tại. Ngoài các quy định trong Hiến pháp năm 2013 và một số đạo luật chuyên ngành, tác giả đã giới thiệu Công ước Viên về quan hệ ngoại giao năm 1961 và Công ước Viên về quan hệ lãnh sự năm 1963 mà Việt Nam là thành viên.

 

Tác giả cũng phân tích trách nhiệm của từng thiết chế trong việc bảo hộ công dân: Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an. Trong đó, Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo hộ ở nước ngoài trên cơ sở phối hợp với các ngành liên quan trong nước. Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm đối với việc ghi nhận các căn cứ xác định quốc tịch cũng như đề xuất ký kết các điều  ước quốc tế liên quan trong lĩnh vực tuơng trợ tư pháp. Ngoài ra, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo hộ công dân.

 

Phát biểu kết thúc hội thảo, thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài, PGS.TS. Lê Mai Thanh cám ơn và xin tiếp thu ý kiến của các báo cáo viên và các nhà khoa học trong quá trình thực hiện đề tài. Hội thảo đã diễn ra sôi nổi với hàm lượng nội dung thảo luận và thông tin cao; hội thảo thành công và kết quả thu được từ hội thảo góp phần đạt lục tiêu đề tài  đã đề ra.

Các tin cùng chuyên mục: