•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Giải pháp hoàn thiện cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ đại diện ở Việt Nam”

30/09/2018
Ngày 20/9/2018, tại Hội trường, Ban chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ “Cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ đại diện ở Việt Nam hiện nay” đã tổ chức hội thảo khoa học. Đề tài do PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương làm chủ nhiệm, Viện Nhà nước và Pháp luật là cơ quan chủ trì.

Tham gia hội thảo có các thành viên đề tài và các nhà khoa học trong và ngoài Viện. PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương và TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật) đồng chủ trì hội thảo.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương (đứng) phát biểu khai mạc hội thảo

 

Phát biểu khai mạc, PGS.TS.Nguyễn Thị Việt Hương trình bày mục đích của hội thảo là thông qua việc trao đổi, thảo luận, tham vấn ý kiến của các nhà khoa học để xác định các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ đại diện ở Việt Nam hiện nay. PGS.TS.Nguyễn Thị Việt Hương cũng nêu quan điểm của nhóm nghiên cứu đề tài về cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ đại diện ở Việt Nam và tóm tắt những nét chính trong nhận định của nhóm nghiên cứu đề tài về thực trạng cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ đại diện ở Việt Nam hiện nay.

 

Mở đầu hội thảo là tham luận của TS. Phan Thanh Hà (Viện Nhà nước và Pháp luật), “Quan điểm tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ đại diện ở Việt Nam hiện nay”. Trong tham luận của mình, tác giả phân tích và đưa ra 5 quan điểm chính:

- Phải xuất phát từ mục tiêu đảm bảo quyền lực nhân dân, quyền và tự do của con người, quyền công dân;

- Phải đi đôi với mở rộng dân chủ trực tiếp, hoàn thiện cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ trực tiếp, tăng cường năng lực làm chủ của nhân dân;

- Phải đảm bảo sự thống nhất với định hướng phát triển chung của đất nước, phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam, phát huy dân chủ và hội nhập quốc tế;

- Phải gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, đảm bảo ổn định xã hội, giữ vững an ninh chính trị, duy trì khối đoàn kết và sự bình đẳng giữa các thành phần dân tộc trong tham gia quản lý xã hội và thụ hưởng các thành quả dân chủ;

- Phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ, phù hợp với truyền thống và các điều kiện hiện thực ở Việt Nam.

 

GS.TSKH. Đào Trí Úc

 

Tiếp theo, GS.TSKH. Đào Trí Úc (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày tham luận “Một số giải pháp hoàn thiện cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ đại diện ở Việt Nam”. Theo ông, cần nhìn nhận dân chủ đại diện theo nghĩa rộng hơn những quy định tại Điều 6 Hiến pháp năm 2013, ngoài Quốc hội và Hội đồng nhân dân còn có các thiết chế xã hội khác như các hội, tổ chức chính trị - xã hội, bởi về nguyên lý hình thành thì mọi tổ chức này đều đại diện cho lợi ích của một tầng lớp, một nhóm trong xã hội. Cơ chế phản ánh lợi ích, cần xác định ai đại diện cho ai? Hiến pháp năm 2013 và luật ghi nhận rằng các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND không chỉ đại diện cho đơn vị bầu ra mình mà còn đại diện cho lợi ích cả nước. Vậy thì lợi ích nào là chính? GS.TSKH. Đào Trí Úc cho rằng, nếu đã là đại diện thì phải nói tiếng nói của những người đã bầu ra mình. Linh hồn của cơ chế dân chủ đại diện là tính gắn bó và trách nhiệm của người đại diện với cử tri. Từ đó, GS.TSKH. Đào Trí Úc có nhiều ý kiến bình luận về thực tiễn thực hiện trách nhiệm của người đại diện, vai trò kiểm tra, giám sát và cơ chế làm việc của đại diện ở Việt Nam hiện nay.

 

Bình luận tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật) nêu ra hai nhóm giải pháp chính, bao gồm: (i) Nhóm giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện dân chủ đại diện; (ii) Nhóm giải pháp nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của tổ chức, cơ quan đại diện.  PGS.TS. Nguyễn Đức Minh chia sẻ quan điểm cho rằng không nên quan niệm dân chủ theo nghĩa hẹp chỉ bao gồm Quốc hội, Hội đồng nhân dân mà cầ hiểu rộng hơn, bao gồm các hiệp hội, tổ chức xã hội bởi đây cũng là diễn đàn để thông qua đó, người dân thực hiện quyền dân chủ. Ông cho rằng, dân chủ đại diện phải được thực hiện trên cơ sở pháp luật, có mối quan hệ giữa dân chủ và pháp quyền, phải đảm bảo tính hợp pháp. Ngoài ra, có hàng loạt các yếu tố tác động đến hoạt động của các cơ quan đại diện, ví dụ như xác định thẩm quyền của các cơ quan đại diện, nhân sự, tính chuyên trách và bộ phận giúp việc… Nêu một ví dụ cụ thể,  Ông cho biết, ở Ba Lan, cơ cấu đại biểu được xác định theo số dân và theo đơn vị bầu cử, trong khi ở Việt Nam, cơ cấu đại biểu được xác định theo tầng lớp, giới tính, dân tộc,… nên gồm đủ các thành phần. Theo Ông, đây là điểm mà chúng ta có thể tham khảo.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (giữa)

 

Nhìn nhận về các thiết chế hiện nay, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho rằng, cơ chế hình thành dân chủ đại diện còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tính công khai và minh bạch. Đề tài cần phân tích những bất cập theo khía cạnh hoạt động của thiết chế và mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng với dân chủ đại diện đang mở ra hay cản trở cơ chế đại diện này. Ông cũng đưa ra những bình luận về các quan điểm trong tham luận của TS. Phan Thanh Hà.

 

Tham luận của GS.TS. Phan Trung Lý, “Giải pháp hoàn thiện thể chế thực hiện dân chủ đại diện ở Việt Nam hiện nay”gây nhiều sự chú ý của hội thảo. Tác giả nhận định, dân chủ đại diện ở Việt Nam tuy còn nhiều hạn chế nhưng ngày càng tiến bộ và để tiếp tục hoàn thiện cơ chế dân chủ đại diện thì trước hết cần phải đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với các thiết chế đại diện. GS.TS. Phan Trung Lý cũng trao đổi về phạm vi, giới hạn của đại diện: giao cái gì và giữ lại cái gì? Người dân được làm gì nếu người đại diện không nhận được sự tín nhiệm của họ? Sự ủy thác, ủy quyền của nhân dân trong hoạt động lập pháp có giới hạn không? Các vấn đề không được ủy quyền được quy định ở đâu và mức độ nào là phù hợp? Theo Ông, quy định pháp luật về vấn đề này hiện còn chưa rõ ràng. Trên cơ sở đó, GS.TS. Phan Trung Lý kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện thể chế thực hiện  dân chủ đại diện: (i) Pháp luật phải đảm bảo công khai, minh bạch; (ii) Làm rõ vấn đề đại diện như thế nào;(iii) Làm rõ mối quan hệ giữa dân chủ đại diện và tập trung dân chủ, vấn đề dân chủ của thiểu số….

 

GS.TS. Phan Trung Lý

 

Tiếp nối mạch trình bày về các giải pháp hoàn thiện cơ chế thực hiện dân chủ đại diện ở Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày tham luận về“Điều kiện thực hiện dân chủ đại diện ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp”.Chia sẻ quan niệm của nhiều nhà khoa học về dân chủ đại diện, mối quan hệ giữa dân chủ của đa số và dân chủ của thiểu số, chỉ ra tính phi dân chủ trong dân chủ đại diện, PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn đi sâu phân tích thực trạng các điều kiện vận hành của cơ chế dân chủ đại diện ở Việt Nam hiện nay và đề xuất một số giải pháp tạo lập các điều kiện thực hiện dân chủ đại diện trên tinh thần nhận thức mới và đầy đủ hơn về dân chủ đại diện. 

 

Hội thảo cũng nhận được những trao đổi, bình luận của PGS.TS. Ngô Huy Cương, PGS.TS. Nguyễn Như Phát, PGS.TS. Vũ Thư và các nhà khoa học khác.

 

Phát biểu kết thúc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương cám ơn, đánh giá cao và khẳng định sẽ tiếp thu những trao đổi, góp ý đa dạng, phong phú của các nhà khoa học tham dự Hội thảo.

Các tin cùng chuyên mục: