•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước theo các hiệp định bảo hộ đầu tư và hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên”

26/10/2020
Ngày 6/10/2020, tại Hội trường tầng 1, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức hội thảo với chủ đề “Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước theo các hiệp định bảo hộ đầu tư và hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên”.

Tham gia hội thảo là các đại biểu, nhà khoa học, luật sư đến từ Bộ Tư pháp, Học viện Khoa học xã hội, Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, công ty luật và đông đảo các nhà nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và TS. Nguyễn Linh Giang đồng chủ trì phiên thứ nhất hội thảo

 

Phiên thứ nhất của hội thảo có chủ đề “Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS) theo các cam kết quốc tế của Việt Nam” do PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật) và TS. Nguyễn Linh Giang (Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật) chủ trì. Mở đầu là tham luận của TS. Nguyễn Linh Giang, “Nhu cầu giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước”. Có thể thấy, cùng với quá trình hội nhập quốc tế thì xu thế gia tăng các tranh chấp về đầu tư là quy luật tất yếu, không tránh khỏi. Các tranh chấp gia tăng sẽ nảy sinh nhu cầu giải quyết tranh chấp theo các phương thức đảm bảo công bằng, minh bạch và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên.

 

Tác giả cho rằng, một khi tranh chấp xảy ra, dù thắng hay thua thì Việt Nam cũng đều thiệt hại. Kể cả khi thắng thì Chính phủ Việt Nam cũng phải mất nhiều thời gian, công sức, nhân lực và vật chất để theo đuổi vụ kiện. Đồng thời, khi một kiện xảy ra thì sẽ tạo ấn tượng tiêu cực cho môi trường đầu tư, gây ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài. Vì vậy, việc nhận diện, ngăn chặn và chuẩn bị cho các tranh chấp về đầu tư là một việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

 

Tiếp theo là tham luận “Các biện pháp ISDS” của ThS. Nguyễn Thu Dung (Viện Nhà nước và Pháp luật). Hiện nay, các hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) và hiệp định thương mại tự do (FTA) ghi nhận các phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau, bao gồm: (i) Tham vấn, thương lượng; (ii) Trung gian, hòa giải; (iii) Trọng tài đầu tư; (iv) Tòa trọng tài đầu tư; (v) Cơ quan tài phán của nước tiếp nhận đầu tư. Tham luận đã phân tích, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế của từng phương thức giải quyết tranh chấp.

 

Trong đó, phương thức trọng tài đầu tư quốc tế có thể coi là cơ chế giải quyết tranh chấp đặc trưng đối với ISDS và được kỳ vọng là một bước ngoặt trong việc xây dựng và thực hành chính sách bảo hộ đầu tư trong pháp luật đầu tư quốc tế. Thẩm quyền của trọng tài quốc tế chỉ phát sinh dựa trên một trong các cơ sở pháp lý gồm:

  • Thỏa thuận giữa nước tiếp nhận đầu tư với nước mà nhà đầu tư mang quốc tịch trong một hiệp định đầu tư song phương cụ thể;
  • Thỏa thuận giữa nước tiếp nhận đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài trong một hợp đồng/thỏa thuận đầu tư;
  • Được ghi nhận trong pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư mà không liên quan đến hiệp định đầu tư song phương giữa hai nước hoặc hợp đồng đầu tư giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Trong báo cáo giới thiệu về ISDS theo Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVIPA), TS. Nguyễn Thu Hương (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho biết, EVIPA xây dựng cơ quan giải quyết tranh chấp thường trực thay thế cho cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo vụ việc trong các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước thành viên EU. Theo cơ chế này, tranh chấp đầu tư sẽ được giải quyết tại cơ quan xét xử thường trực gồm hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm với các thành viên do Việt Nam và EU thỏa thuận lựa chọn. Với thực trạng đa hệ các điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên thì khả năng xảy ra các vụ việc ISDS là rất cao nên việc cụ thể hóa bằng cách xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện các nội dung liên quan đến chính sách đầu tư được coi là rất quan trọng nhằm phòng ngừa tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước Việt Nam.

 

PGS.TS. Trần Đình Hảo bình luận

 

Bình luận tại hội thảo, PGS.TS. Trần Đình Hảo (Học viện Khoa học xã hội) cho rằng, về mặt lý luận, chúng ta cần làm rõ tranh chấp thương mại giữa nhà nước và nhà đầu tư là gì, giải quyết tranh chấp là gì theo IPA hoặc FTA mà Việt Nam là thành viên? Theo ông, tranh chấp bắt đầu phát sinh do bất đồng ý kiến chứ chưa hẳn là do xung đột lợi ích. Vậy thì, cần phải xác định các vụ việc thế nào, lúc đó đã có mâu thuẫn, xung đột gì chưa?

 

TS. Nguyễn Linh Giang đặt câu hỏi về việc vì sao Việt Nam vẫn chưa tham gia Công ước về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa các quốc gia và công dân của các quốc gia khác nhau năm 1965 (Công ước ICSID). Mặc dù, số lượng quốc gia tham gia Công ước ICSID là rất lớn với khoảng 150 nước và thời điểm này, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

 

Trao đổi về câu hỏi này, PGS.TS. Lê Mai Thanh cho biết, phần lớn các quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng là thành viên của Công ước ICSID. ISDS theo Công ước ICSID dựa trên Hội đồng Trọng tài của Công ước này. Tuy có điều khoản về ràng buộc giữa các bên nhưng Hội đồng Trọng tài có cơ chế riêng để chỉnh sửa, áp dụng trực tiếp. Việt Nam là nước tiếp nhận đầu tư khi đối mặt với cơ chế này thì không đơn giản vì ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia và nguy cơ đối mặt với những rủi ro pháp lý. Vì thế, Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng tham gia Công ước ICSID.  

 

Thảo luận tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh nhìn nhận thế nào được hiểu là tranh chấp. Theo ông, có hai loại tranh chấp: (i) Những bất đồng về quan điểm giữa nhà đầu tư và nhà nước mà nhà nước giải quyết thông qua việc tiếp xúc doanh nghiệp, nghe phản ánh và giao cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng ở giai đoạn này chưa có khởi kiện; (ii) Tranh chấp phát sinh từ mối quan hệ giữa nhà nước và nhà đầu tư, muốn xác định được tranh chấp thì phải xác định ai là người có quyền, ai là người có nghĩa vụ. Loại tranh chấp thứ nhất không dẫn đến chế tài; còn loại tranh chấp thứ hai sau khi được giải quyết bởi trọng tài, tòa án thì có chế tài.

 

Trong phiên này, hội thảo cũng lắng nghe các tham luận:

  • ISDS theo các hiệp định song phương về bảo hộ đầu tư – ThS. Chu Thị Thanh An;
  • ISDS theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên – ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương.

PGS.TS. Nguyễn Như Phát và PGS.TS. Lê Mai Thanh đồng chủ trì phiên thứ hai

 

Đầu giờ chiều, hội thảo diễn ra phiên thứ hai với chủ đề “Những vấn đề pháp lý đặt ra đối với ISDS” do PGS.TS. Nguyễn Như Phát và PGS.TS. Lê Mai Thanh chủ trì. Mở đầu phiên là tham luận “Khái niệm khoản đầu tư và nhà đầu tư trong ISDS và theo EVIPA” của PGS.TS. Lê Mai Thanh. Khoản đầu tư được hiểu là đầu tư được bảo hộ theo các hiệp định đầu tư quốc tế (IIA). Trong các khái niệm về đầu tư phải kể đến việc đầu tư được hiểu như hành vi/quy trình hoặc đầu tư được định nghĩa rộng rãi như hành vi đầu tư thông qua việc bỏ tiền, vốn vào doanh nghiệp với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. Hiện nay, các IIA đưa ra định nghĩa khoản đầu tư rộng và để ngăn ngừa sự lạm dụng IIA bởi nhà đầu tư không thuộc bên ký kết, IIA ghi nhận một số tiêu chí xác định khoản đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của mỗi IIA.

 

Công ước ICSID không đưa ra định nghĩa về đầu tư. Công ước này chỉ quy định thẩm quyền của ICSID giải quyết các tranh chấp phát sinh trực tiếp từ đầu tư. Tuy nhiên, thông qua án lệ của Hội đồng Trọng tài theo cơ chế ICSID có thể xác định khoản đầu tư thuộc phạm vi áp dụng cơ chế này.

 

Hiệp định EVIPA đưa ra quan điểm của các bên về nhà đầu tư (NĐT) trong các IIA gần đây. Đối với NĐT cá nhân, việc xác định quốc tịch của nhà đầu tư theo pháp luật của nước mà họ mang quốc tịch. Đối với NĐT pháp nhân, có thể áp dụng đồng thời một vài tiêu chí xác định quốc tịch/mối liên hệ với quốc gia thành viên trên cơ sở hiệp định.

 

Theo tác giả, xác định “khoản đầu tư”, “nhà đầu tư” chính xác sẽ loại trừ những tranh chấp không thuộc phạm vi ISDS, bảo đảm mục tiêu ISDS, tránh việc nước tiếp nhận đầu tư mất thời gian và tài chính theo đuổi các vụ kiện không có căn cứ, ngăn ngừa hiện tượng lạm dụng trong đầu tư quốc tế.

 

ThS. Bạch Quốc An trình bày tham luận

 

Sau đó, ThS. Bạch Quốc An (Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp) trình bày tham luận với nội dung chính là chủ đề của hội thảo. Tranh chấp giữa NĐT nước ngoài và Nhà nước Việt Nam là điều không một ai, không một cơ quan hay Chính phủ nào mong muốn xảy ra. Do đó, Chính phủ và các cơ quan nhà nước cần xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế ngay từ giai đoạn đầu phát sinh bất đồng, tranh chấp. Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và giảm thiểu rủi ro về việc các NĐT không thiện chí sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư để gây sức ép lên Chính phủ, cần đẩy mạnh công tác sàng lọc NĐT.

 

Thực tế các vụ kiện trong thời gian qua cho thấy, NĐT nước ngoài đưa ra các khiếu kiện liên quan đến việc thực thi pháp luật (chậm trễ, kéo dài, gây mất thời gian, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của NĐT,…). Do đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tham vấn các vấn đề pháp lý từ quá trình ký kết các hợp đồng, cam kế với nhà đầu tư cho đến việc thực thi đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

 

Trong phiên này, hội thảo cũng đã nghe tham luận “Yêu cầu đối với Việt Nam nhằm ngăn ngừa và ứng phó với tranh chấp đầu tư quốc tế và nhà nước tiếp nhận đầu tư” của TS. Vũ Kim Ngân (Đại học Ngoại thương). Việc ngăn ngừa và ứng phó với tranh chấp đầu tư quốc tế là vấn đề quan trọng đối với Chính phủ Việt Nam, đòi hỏi cần có chiến lược cụ thể và sự phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan.

 

TS. Vũ Kim Ngân (Đại học Ngoại thương)

 

Với yêu cầu nhằm ngăn ngừa tranh chấp, bài viết đề xuất 5 quan điểm:

- Việt Nam cần tuân thủ cam kết đã ký về bảo hộ đầu tư, đảm bảo thực thi các tiêu chuẩn bảo hộ đối với NĐT nước ngoài trên cơ sở đúng thỏa thuận đã cam kết và đúng quy trình, thủ tục;

- Rà soát nội dung các hiệp định đầu tư song phương hay các chương về đầu tư trong FTA nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu bảo hộ đầu tư của quốc gia nơi NĐT có quốc tịch và khả năng điều chỉnh chính sách, pháp luật phục vụ lợi ích công cộng của nước tiếp nhận đầu tư là Việt Nam;

- Cần xây dựng chiến lược phòng ngừa trên cơ sở sự phối hợp của các Bộ và các UBND cấp tỉnh là đơn vị thực hiện việc cấp giấy phép hoặc đăng ký đầu tư;

- Cần có kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ chuyên gia pháp lý, cán bộ tham gia giải quyết tranh chấp;

- Trong trường hợp có khiếu kiện của NĐT, cơ quan có thẩm quyền cần phối hợp để giải quyết khiếu nại, tố cáo, vướng mắc của NĐT theo quy định tại Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg ngày 8/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

 

TS. Vũ Kim Ngân cũng đưa ra những yêu cầu để ứng phó khi Nhà nước Việt Nam bị khởi kiện. Để kết luận bài viết, bà cho rằng, trên thực tế, Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện pháp luật và thể chế để bảo đảm các điều kiện bảo hộ NĐT theo đúng cam kết đã ký, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn. Tuy vậy, nhằm mục tiêu ngăn ngừa và ứng phó với các tranh chấp đầu tư phát sinh, Việt Nam cần đảm bảo thực thi đúng cam kết và đúng quy trình, thủ tục đồng thời đảm bảo cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan có liên quan.

 

Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh kỷ niệm

 

Bình luận về phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế, theo TS. Trịnh Hải Yến (Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao), chúng ta không chỉ phòng ngừa trực tiếp khi có tranh chấp xảy ra mà phải ngay từ khi xây dựng pháp luật, soạn thảo, đàm phán các hiệp định. Ví dụ, EVIPA xác định ai được quyền khởi kiện thì có thể loại trừ đơn khiếu kiện không có căn cứ. Đây là một nỗ lực để phòng ngừa cũng như là điểm chúng ta cần chú trọng để tránh bị lạm dụng.

 

ThS. Bạch Quốc An cho biết, thống kê đến ngày 31/8/2020 có 1.023 vụ ISDS, trong đó có 674 vụ đã xử thì có 198 vụ Nhà nước Việt Nam thua, chiếm 29,3% tổng số vụ đã xử. Tỷ lệ này cũng là xu thế chung của thế giới. Hiện nay, số lượng trọng tài đủ tiêu chuẩn để giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế chỉ khoảng 20-30 người, do vậy quan điểm của họ là khá thống nhất.

 

Thảo luận tại phiên này, PS.TS. Lê Mai Thanh cho rằng, tuy EVIPA có cơ chế bảo đảm NĐT nhưng vẫn còn muôn vàn các hiệp định đầu tư song phương khác. Có lẽ đã đến lúc cần rà soát lại các hiệp định này hoặc yêu cầu chấm dứt nếu chúng không được sửa đổi. Ví dụ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Ấn Độ đã ban hành luật riêng để bảo hộ quyền lợi của người dân trong sáng chế dược. Một trong những lý do mà Nhà nước thắng nhiều trong các vụ kiện tranh chấp đầu tư là vì ủng hộ bảo hộ lợi ích công cộng. Ấn Độ đã xây dựng một luật mẫu về hiệp định đầu tư song phương, các bên có thể xem xét tham gia hoặc không tham gia. Đây có thể là một gợi ý cho Việt Nam.

 

Trong phiên này, hội thảo cũng đã lắng nghe hai tham luận:

  • Thẩm quyền, trình tự, thủ tục ISDS theo các IPA và FTA – Luật sư Đặng Phượng Lệ (Công ty Luật RHTLaw Vietnam);
  • Phán quyết và thực thi phán quyết trong giải quyết tranh chấp giữa NĐT nước ngoài và nhà nước: EVIPA và các hiệp định về đầu tư khác – TS. Trịnh Hải Yến (Học viện Ngoại giao).

Hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến, trao đổi của PGS.TS. Nguyễn Như Phát, PGS.TS. Lê Minh Nghĩa, TS. Bùi Đức Hiển, ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương và các đại biểu khác về các vấn đề liên quan đến chủ đề hội thảo.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh tổng kết hội thảo

 

Phát biểu bế mạc, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh đã tổng kết các hoạt động tại hội thảo. Theo ông, hội thảo không kỳ vọng quá lớn vào việc có những sự thay đổi sớm nhưng hội thảo đã thành công thông qua việc các báo cáo viên đã mang đến những kết quả nghiên cứu mới, từ đó các đại biểu đã hỏi và thảo luận về nhiều vấn đề, tạo ra một diễn đàn trao đổi sôi nổi. Chủ đề hội thảo rất hữu ích vì tính chuyên sâu của nó. Các tham luận có chất lượng và có thể công bố trên các tạp chí chuyên ngành, có giá trị tham khảo hữu ích trong nghiên cứu và đào tạo.

Các tin cùng chuyên mục: