•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Những vấn đề đặt ra và giải pháp thực hiện nguyên tắc pháp quyền ở Việt Nam trong thời gian tới”

27/08/2018
Ngày 15/8/2018, tại Hội trường tầng 1 trụ sở 27 Trần Xuân Soan, đã diễn ra Hội thảo của Đề tài cấp Nhà nước “Thực hiện nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp”, mã số KX04.06/16-20, do PGS.TS. Nguyễn Đức Minh là chủ nhiệm.

Tham gia hội thảo có GS.TSKH. Đào Trí Úc, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), GS.TS. Trần Ngọc Đường (Văn phòng Quốc hội), GS.TS. Lê Minh Tâm (Hội Luật gia Việt Nam), GS.TS. Nguyễn Minh Đoan (Đại học Luật Hà Nội), PGS.TS. Nguyễn Như Phát, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, PGS.TS. Vũ Thư (Viện Nhà nước và Pháp luật) và nhiều nhà khoa học đến từ Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện NC Lập pháp, Học viện Hành chính Quốc gia và Viện Nhà nước và Pháp luật. Thư ký khoa học của đề tài là PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương.

 

Chủ nhiệm đề tài, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh phát biểu đề dẫn

 

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho biết, mục tiêu tổng quát của đề tài là làm sáng tỏ nội dung, vai trò của nguyên tắc pháp quyền, đánh giá thực trạng nguyên tắc pháp quyền ở nước ta hiện nay, từ đó xây dựng luận cứ khoa học cho việc đề xuất các giải pháp đảm bảo thực hiện nhất quán, đồng bộ nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Ông cho rằng, pháp quyền vừa là một nguyên tắc (nguyên tắc pháp quyền) vừa là một phạm trù chung bao gồm các nguyên tắc cụ thể (các nguyên tắc pháp quyền). Với nghĩa là một nguyên tắc, nguyên tắc pháp quyền được hiểu là nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo nhất thiết phải tuân theo với nội dung cốt lõi là quyền lực nhà nước được kiểm soát, ràng buộc với pháp luật, chỉ được và phải được thực hiện trên cơ sở và trong khuôn khổ pháp luật. Với nghĩa là các nguyên tắc thì nguyên tắc pháp quyền bao gồm các đòi hỏi cụ thể như quyền lực nhà nước được kiểm soát, ràng buộc với pháp luật; hiến pháp và luật giữ vị trí tối thượng; bình đẳng trước pháp luật; an toàn pháp lý,… Các nguyên tắc pháp quyền là sự cụ thể hóa những thuộc tính cơ bản cấu thành khái niệm pháp quyền với nghĩa là một nguyên tắc.

 

Tiếp theo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh gợi mở một số vấn đề trọng tâm của hội thảo để các nhà khoa học trao đổi, thảo luận và bình luận.

 

GS.TSKH. Đào Trí Úc trình bày tham luận

 

Sau đó, hội thảo đã lắng nghe các tham luận: Những vấn đề lớn đặt ra trong bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp (GS.TSKH. Đào Trí Úc); Nhà nước pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến (GS.TS. Nguyễn Đăng Dung); Nguồn pháp luật và nguyên tắc áp dụng nguồn pháp luật trong Nhà nước pháp quyền (GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế).

 

Trong tham luận của mình, GS.TSKH. Đào Trí Úc nêu ra 3 ý chính:

  • Tính tối thượng của Hiến pháp có tiền đề trong các quy định của Hiến pháp và quy trình xây dựng Hiến pháp;
  • Tăng cường giáo dục nhận thức về Hiến pháp, tạo khả năng cho quyền tiếp cận pháp luật và tiếp cận công lý của người dân;
  • Xây dựng cơ chế tài pháp hiến pháp là bảo đảm pháp lý cho tính tối thượng của Hiến pháp.

GS.TSKH. Đào Trí Úc cho rằng, thiếu sự tương thích giữa các quy định của Hiến pháp với thực tế, chẳng hạn như quy định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai với việc quản lý đất đai hiện nay. Về mô hình kiểm soát quyền lực, địa phương không có sự chỉ đạo của cấp cao nhất thì không thực hiện, lý do là chưa có sự phân quyền rõ ràng giữa trung ương và địa phương.

 

Cơ chế tài phán hiến pháp đã được ghi nhận tại Điều 119 Hiến pháp năm 2013, tuy nhiên hiện chưa có phương án cụ thể. Đây là hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật. Hơn nữa, Hiến pháp chưa tạo ra cơ chế bảo vệ quyền con người một cách hữu hiệu.

 

GS.TS. Nguyễn Đăng Dung bàn về mối tương quan giữa Nhà nước pháp quyền

chủ nghĩa hiến pháp

 

Bàn về mối tương quan giữa Nhà nước pháp quyền và chủ nghĩa hiến pháp, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung cho rằng, Nhà nước pháp quyền có mối quan hệ chặt chẽ với Hiến pháp, Nhà nước pháp quyền đòi hỏi phải kiểm soát quyền lực nhà nước. Nhà nước pháp quyền mang tính rộng hơn so với chủ nghĩa hiến pháp vì nói nói đến ứng xử trong xã hội còn chủ nghĩa hiến pháp thì không. Nhìn chung, giữa hai khái niệm này có sự giao thoa, khi nói đến Nhà nước pháp quyền thì không thể không nói đến chủ nghĩa hiến pháp.

 

Giới thiệu về nguồn pháp luật. GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế nhận định việc đa dạng các loại nguồn pháp luật là cần thiết và tất yếu. Nguồn luật cần hợp hiến, hợp pháp, hợp lý và hiệu quả. Để đáp ứng những điều kiện này thì nguồn luật phải đa dạng. Theo bà, hiện nay nguồn luật có các loại: Hiến pháp, luật, văn bản dưới luật, tập quán pháp, tiền lệ, án lệ, đạo đức, học thuyết pháp lý, điều ước quốc tế, dư luận xã hội, tôn giáo.

 

PGS.TS. Đinh Xuân Thảo (thứ 3 từ trái sang) và PGS.TS. Nguyễn Như Phát

(thứ 2 từ trái sang)

 

Bình luận về tính tối thượng pháp luật, theo PGS.TS. Đinh Xuân Thảo (Viện NC Lập pháp), cơ chế kiểm soát việc thực hiện tối thượng pháp luật còn yếu, chưa có cơ chế kiểm soát việc ban hành luật của Quốc hội. Hiến pháp đã quy định đổi mới hoạt động của bộ máy nhà nước nhưng một số nghị quyết của Đảng chưa được thể chế hóa thành luật nhưng đã được triển khai thực hiện. Việc này chưa phù hợp với Nhà nước pháp quyền.

 

Thảo luận về nội dung pháp quyền, GS.TS. Nguyễn Minh Đoan cho rằng, đây là đòi hỏi, là nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền. Hiến pháp đại diện cho ý chí của nhân dân, vậy có mang tính quyền lực nhà nước không? Thông qua Hiến pháp, nhân dân giới hạn quyền lực nhà nước. Quyền lực của Đảng đã được giới hạn bởi Hiến pháp, đó là biểu hiện của pháp quyền. Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân, vì thế cần có cơ chế kiểm soát của nhân dân đối với Đảng.

 

Hội thảo tiếp tục nghe các tham luận: Mối quan hệ giữa nguyên tắc pháp quyền với các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Hiến pháp năm 2013 (GS.TS. Trần Ngọc Đường); Bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý trong hoạt động hành chính (PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh).

 

GS.TS. Trần Ngọc Đường cho rằng, nguyên tắc pháp quyền là nguyên tắc mở, được cấu thành từ nhiều nguyên tắc và ngày càng được bổ sung. Nguyên tắc pháp quyền được thể hiện ở Khoản 1 Điều 8 Hiến pháp cộng với tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013. Trong đó, nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là nguyên tắc quyết định sự ra đời của nguyên tắc pháp quyền. Nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” là nội dung, yếu tố cấu thành nên nguyên tắc pháp quyền.

 

Theo GS.TS. Lê Minh Tâm, cần nhìn nhận nguyên tắc pháp quyền là hệ thống các nguyên tắc. Theo đó, có ba cách tiếp cận để xác lập nguyên tắc pháp quyền:

  • Tiếp cận từ các giá trị. Coi pháp luật là kết tinh từ các giá trị trong xã hội: dân chủ, công bằng, đạo đức, an toàn;
  • Tiếp cận từ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo chức năng;
  • Tiếp cận từ hệ thống thiết chế xã hội với các nguyên tắc bảo đảm sự vận hành và thực hiện.

Sau giờ nghỉ trưa, hội thảo mở đầu với các tham luận: Giải pháp để pháp luật được tôn trọng, chấp hành và tuân thủ: cần một cách tiếp cận toàn diện và đa chiều (PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn); Sự lãng phái và thiếu hụt chi tiêu công trong các hoạt động liên quan đến lĩnh vực pháp luật nhìn từ góc độ văn hóa pháp quyền (TS. Phạm Ngọc Huyền).

 

PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra ba giải pháp chính để pháp luật được tôn trọng, chấp hành và tuân thủ: (i) Đổi mới tư duy về pháp luật và thi hành pháp luật; (ii) Công bố các bản án để áp dụng vào công tác giảng dạy, sử dụng pháp luật; (iii) Giải thích pháp luật: cần coi trọng cả giải thích chính thức và phi chính thức.

 

Về giải thích pháp luật, PGS.TS. Nguyễn Như Phát bình luận, Hiến pháp quy định Tòa án không thể viện dẫn không xét xử vì không có luật nhưng pháp luật lại quy định Tòa án chỉ tuân theo pháp luật. Vậy Tòa án sẽ tuân theo cái gì khi không có luật? Vì thế, Tòa án cần có có chức năng giải thích pháp luật để xét xử. Không chỉ độc lập trong xét xử, Tòa án cần độc lập trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật. Đồng tình với PGS.TS. Nguyễn Như Phát, GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế cho rằng, Tòa án không chỉ tuân theo pháp luật mà còn có niềm tin nội tâm và công lý. Với những vụ việc chưa có luật quy định thì Tòa án cần dựa trên tinh thần pháp luật để xét xử.

 

TS. Nguyễn Thị Kim Thoa

 

Để tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả, TS. Nguyễn Thị Kim Thoa (Bộ Tư pháp) đề xuất: Luật Tổ chức chính phủ cần được sửa, trong đó xác định rõ những việc Chính phủ phải làm. Chính phủ họp mỗi tháng một lần là ít, cần tăng số lần họp trong tháng. Ngoài ra, nên trao cho Tòa án quyền phán quyết tính hợp hiến, hợp pháp các văn bản do Chính phủ ban hành.

 

Ở phiên cuối, hội thảo đã lắng nghe hai nhà khoa học của Viện Nhà nước và Pháp luật trình bày tham luận: Chế tài đối với vi phạm pháp luật của công chức, viên chức: thực trạng và giải pháp (PGS.TS. Vũ Thư); Các giải pháp đưa pháp luật vào cuộc sống và duy trì hiệu quả trên thực tế của pháp luật (TS. Phạm Thị Hương Lan).

 

Để đưa pháp luật vào cuộc sống và duy trì hiệu quả trên thực tế của pháp luật, TS. Phạm Thị Hương Lan nêu ra một số biện pháp: (i) Tiếp tục hoàn thiện pháp luật; (ii) Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật; (iii) Xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật; (iv) Tăng cường giám sát thi hành pháp luật. Trong đó, mục đích của việc xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức tầm quan trọng của việc tìm hiểu và tuân theo pháp luật. Tuân thủ pháp luật sẽ là nền tảng vững chắc để xâu dựng văn hóa ứng xử trong xã hội. Do đó, trước hết, các cán bộ, công chức phải phát huy vai trò đi đầu trong việc tuân theo pháp luật, dùng hành động để xây dựng uy tín pháp luật.

 

Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cám ơn các báo cáo viên, thành viên đề tài, các nhà khoa học đã nhiệt tình tham gia thảo luận, trao đổi tại hội thảo. Ông khẳng định hội thảo đã diễn ra sôi nổi, các nội dung thảo luận cuốn hút, gợi mở thêm nhiều vấn đề.

Các tin cùng chuyên mục: