•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

08/12/2021
Thực hiện Kế hoạch số 02-KH/BCĐ này 20/7/2021 của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

 

Tham dự hội thảo có Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề Nhà nước pháp quyền của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật. Cùng tham dự hội thảo có các thành viên của Ban chỉ đạo, các đại biểu đại diện một số Bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương. Hội thảo còn có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo.

 

Hội thảo diễn ra trong 02 ngày 23 và 24/11/2021 với ba phiên bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Mục đích của hội thảo là lấy ý kiến đóng góp trực tiếp của các cơ quan, tổ chức và các chuyên gia, nhà khoa học đối với các chuyên đề nghiên cứu đang được thực hiện tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

 

Phiên thứ nhất “Cơ sở lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN)” do PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và TS. Phạm Thị Thúy Nga (Viện Nhà nước và Pháp luật) chủ trì. Các báo cáo tại phiên này gồm có:

  • Sự hình thành và phát triển của tư tưởng nhà nước pháp quyền; Khái niệm và các đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền và Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam - PGS.TS. Nguyễn Đức Minh;
  • Kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của một số quốc gia trên thế giới - PGS.TS. Lê Mai Thanh (Viện Nhà nước và Pháp luật);
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền - PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh);
  • Quá trình bổ sung, phát triển các quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam - PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (Hội đồng Khoa học Viện Nhà nước và Pháp luật);
  • Đánh giá kết quả quá trình xây dựng và thực trạng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay - PGS.TS. Vũ Thư (Viện Nhà nước và Pháp luật);
  • Mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với dân chủ XHCN, với công dân và với xã hội - PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương, PGS.TS. Nguyễn Như Phát (Viện Nhà nước và Pháp luật);
  • Bối cảnh tình hình, quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2045 - GS.TS. Lê Minh Tâm (nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam);
  • Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và kiến nghị về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2045 - GS.TS. Võ Khánh Vinh (nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

 

Trong hai báo cáo của mình, PGS. TS. Nguyễn Đức Minh điểm lại tư tưởng pháp quyền của các nhà tư tưởng, nhà triết học từ thời kỳ cổ đại đến ngày nay cũng như tư tưởng về nhà nước pháp quyền ở một số quốc gia trên thế giới. Từ đó, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh đưa ra nhận định khái niệm nhà nước pháp quyền là giá trị phổ biến, là biểu hiện của một trình độ phát triển dân chủ. Trong nhà nước pháp quyền, quyền của Nhà nước thì phải “xác lập và phân định” sao cho tránh được sự lạm dụng quyền lực nhà nước; còn quyền tự do, dân chủ, quyền tự nhiên của con người thì phải được bảo vệ. Tuy không phải là một kiểu nhà nước, nhưng nhà nước pháp quyền không thể xuất hiện trong một xã hội phi dân chủ. Nhà nước pháp quyền là cách thức tổ chức và vận hành của một chế độ nhà nước và xã hội dựa trên pháp luật. Báo cáo cũng đưa ra 06 đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Trong báo cáo của GS. TS. Lê Minh Tâm, bài viết cho rằng, khi phân tích về bối cảnh trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến 2045 cần chú ý mấy vấn đề sau: (i) Việc nghiên cứu cơ sở lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã đạt được những thành tựu cơ bản, quan trọng, tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN; (ii) Công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN là thực tiễn sinh động khẳng định tính đúng đắn về chủ trương, quan điểm của Đảng và kiểm chứng, khẳng định những giá trị lý luận và thực tiễn cần được kế thừa, phát triển; đồng thời cũng bộc lộ rõ những hạn chế, khiếm khuyết, bất cập cần phải khắc phục, loại bỏ và kịp thời bổ sung những giá trị mới; (iii) Những thành tựu đạt được trong quá trình đổi mới đất nước đã tạo ra tiền đề và những điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; (iv) Quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền chịu sự tác động mạnh mẽ của tất cả các yếu tố có liên quan và bản thân nó cũng sẽ tác động trở lại với các yếu tố đó; (v) Hội nhập quốc tế mở ra nhiều điều kiện thuận lợi và cơ hội mới, đồng thời cũng đặt ra các yêu cầu và thách thức mới, tác động mạnh mẽ tới việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN; (vi) Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động mạnh mẽ tới tới mọi mặt của đời sống xã hội, mọi quá trình đổi mới, trong đó có việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. GS.TS. Lê Minh Tâm cũng đưa ra quan điểm và mục tiêu xây dựng và thực hiện chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

 

Bình luận tại hội thảo, GS.TS. Võ Khánh Vinh chia sẻ về hai vấn đề lớn. Thứ nhất, về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030 định hướng đến năm 2045 cần nghiên cứu mối quan hệ bên trong, nội tại của nhà nước pháp quyền. Bởi lẽ, nhà nước pháp quyền phải giải quyết mối quan hệ giữa phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực như thế nào. Cần phải làm rõ mối quan hệ giữa Nhà nước, quyền lực và cá nhân. Thứ hai, cần nhấn mạnh đến các tư duy mới để khẳng định trong Chiến lược. Các tư duy đó cũng được thể hiện trong các báo cáo của PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và PGS.TS. Phạm Hữu Nghị. Cùng với đó, phải tìm hiểu các tư tưởng, giá trị lý thuyết ban đầu về tư tưởng pháp quyền của các thời kỳ trước đây. Nếu có tư duy phát triển thì các đặc trưng về nhà nước pháp quyền luôn vận động, có sự sáng tạo trong tư duy, trong điều kiện lịch sử của Việt Nam. Nhà nước pháp quyền cần phải đặt trên nền tảng tư tưởng chính trị, kinh tế, pháp luật, xã hội, đạo đức, văn hóa,...

 

Theo PGS.TS. Đỗ Minh Khôi (Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh), Nhà nước pháp quyền được tiếp cận đa ngành từ triết học, chính trị học, văn hóa học, luật học,… cho nên Chiến lược cần đảm bảo tính toàn diện nhất, khoa học nhất để bao hàm được mọi góc độ. Chúng ta đã và đang hội nhập quốc tế trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hội nhập các giá trị phổ quát. Vậy nên, chúng ta cũng cần phải hội nhập về nhà nước pháp quyền khi Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhìn nhận và xác định pháp quyền là cốt lõi trong hoạt động của Liên hợp quốc.

 

 

Phiên thứ hai do PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và TS. Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật) chủ trì có chủ đề “Xây dựng và hoàn thiện nền tư pháp Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”. Mở đầu là phần báo cáo tóm tắt nội dung các tham luận của chủ đề phiên này do TS. Đinh Thế Hưng trình bày. Báo cáo về đánh giá pháp luật tố tụng hình sự, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí cho biết, theo tinh thần cải cách tư pháp, từ năm 2005 hệ thống pháp luật tố tụng hình sự nước ta đã từng bước hoàn thiện, không những là công cụ để phát hiện nhanh chóng, xử lý kịp thời tội phạm mà còn nhằm bảo vệ quyền con người, hướng tới bảo vệ công lý trong quá trình tố tụng giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trước yêu cầu cải cách tư pháp, trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, cần có sự nhìn nhận, đánh giá và trên cơ sở đó đưa ra các định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng hình sự hiện hành. Trên cơ sở đó, báo cáo đề cập đến những nội dung chính sau: (i) Khái quát về pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ 2005 đến nay; (ii) Mục tiêu của tố tụng hình sự; (iii) Chức năng cơ bản của tố tụng hình sự và địa vị pháp lý của các chủ thể trong tố tụng hình sự; (iv) Nguyên tắc độc lập của tòa án trong hoạt động xét xử vụ án hình sự; (v) Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự.

 

Tiếp theo là tham luận về đánh giá pháp luật tố tụng dân sự - kinh tế và phương hướng cải cách của TS. Nguyễn Thanh Lý (Học viện Khoa học xã hội). Tác giả nhận định, sau 15 năm thực hiện cải cách tư pháp, bên cạnh những kết quả đã đạt được, pháp luật tố tụng dân sự vẫn còn một số hạn chế trên cả khía cạnh quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật. Bài viết đưa ra một số phương hướng cải cách pháp luật tố tụng dân sự - kinh tế trong chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2045, trong đó cải cách pháp luật tố tụng dân sự - kinh tế phải dựa trên cơ sở nền tảng là đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Với tính chất là một nguyên tắc hiến định, sự tham gia của Hội thẩm là bắt buộc trong xét xử sơ thẩm vụ án dân sự thì Bộ luật Tố tụng dân sự không thể trái với nguyên tắc này.

 

Thảo luận tại phiên, PGS.TS. Trần Văn Độ cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng Tòa án Hiến pháp. Việc kiểm soát quyền lực sẽ thông qua hoạt động xét xử của Tòa án Hiến pháp. Ông không cho rằng việc ban hành án lệ, hướng dẫn, giải thích pháp luật là thực hiện quyền tư pháp. Đây không phải là quyền mà là biện pháp bảo đảm quyền tư pháp, bảo đảm thực hiện tố tụng.

 

Bàn về tư pháp dân sự, TS. Trần Văn Biên (Viện Nhà nước và Pháp luật) đề cập đến một xu hướng tư pháp hiện đại trên thế giới và trong khu vực ASEAN là khởi kiện tập thể. Mục đích là để bảo vệ số đông, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong xã hội hiện đại hiện nay. Trên thực tế, các quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 mang mầm mống cho khởi kiện tập thể như vai trò của đại diện tổ chức trong quá trình tố tụng hay quy định nhập vụ án có cùng bị đơn để xét xử. Vấn đề này cần được tiếp tục quan tâm nghiên cứu trong thời gian tới.

 

Sáng ngày 24/11/2021, hội thảo tiếp tục diễn ra phiên thứ ba về chủ đề "Quyền lực nhà nước và cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp". Chủ trì phiên này là GS.TS. Võ Khánh Vinh và TS. Nguyễn Linh Giang (Viện Nhà nước và Pháp luật). Các báo cáo gồm có:

  • Những vấn đề lý luận cơ bản về quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền  - TS. Đoàn Trường Thụ (Tạp chí Cộng sản);
  • Quyền lực nhà nước và Đảng chính trị cầm quyền – PGS.TS. Vũ Công Giao (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội);
  • Quan điểm và nhận thức về kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam: Thực trạng và định hướng tiếp tục khẳng định và đổi mới - PGS.TS. Phạm Hữu Nghị;
  • Những vấn đề lý luận cơ bản và thực trạng cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay – TS. Nguyễn Linh Giang;
  • Sự phát triển nhận thức của Đảng về quyền lực nhà nước và phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước – PGS.TS. Vũ Thư;
  • Kiểm soát quyền lực của hệ thống chính trị - Thực trạng, vấn đề và định hướng chính sách – PGS.TS. Đỗ Minh Khôi.

Các tham luận trong phiên này đã tập trung vào các vấn đề lý luận và thực tiễn của quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước và cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước. Nội dung của các tham luận và thảo luận không chỉ giới hạn trong các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp mà còn được mở rộng ra các vấn đề về quyền lực nhân dân, quyền lực của Đảng cầm quyền và quyền lực của Chủ tịch nước, đặt các quyền lực đó trong mối quan hệ với ba nhánh quyền lực Nhà nước.

 

Hội thảo đã lắng nghe phần trình bày các báo cáo và các đại biểu, nhà khoa học đã nhiệt tình trao đổi, thảo luận về các nội dung trong các báo cáo cũng như gợi mở các vấn đề khác của chủ đề phiên ba. Phát biểu tổng kết phiên, TS. Nguyễn Linh Giang nhìn nhận, các tham luận đã tập trung vào chủ đề của bài viết và đã thu nhận được hơn 22 ý kiến trao đổi rất hiệu quả qua đó giúp Ban tổ chức xây dựng những ý tưởng lớn cho chủ đề của phiên.

Các tin cùng chuyên mục: