•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Pháp luật và các thiết chế bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài”

22/05/2020
Ngày 15/5/2020, Đề tài khoa học cấp Bộ “Cơ sở pháp lý bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài” do PGS.TS. Lê Mai Thanh làm chủ nhiệm đã tổ chức Hội thảo lần thứ hai tại Hội trường tầng 1, trụ sở Viện Nhà nước và Pháp luật, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo, ngồi giữa là PGS.TS. Lê Mai Thanh

 

Tham gia Hội thảo có Lãnh đạo Viện Nhà nước và Pháp luật (cơ quan chủ trì đề tài), các thành viên đề tài, cán bộ Viện cũng như khách mời là một số cán bộ đã làm việc tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, những người trực tiếp tiến hành bảo hộ công dân.

 

Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Lê Mai Thanh báo cáo tổng quan mục tiêu và nội dung nghiên cứu, tiến độ nghiên cứu của đề tài. Trong đó, mục tiêu nghiên cứu của đề tài là nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường hiệu quả bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.

 

Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy, bảo hộ công dân ở nước ngoài được tiếp cận theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Các quốc gia thực hiện quyền bảo hộ công dân trong mối quan hệ với quốc gia sở tại và thực hiện nghĩa vụ bảo hộ công dân trong mối quan hệ với công dân của mình. Các quốc gia bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nước mình ở nước ngoài căn cứ vào pháp luật các quốc gia hữu quan cũng như pháp luật quốc tế, trên cơ sở yêu cầu của công dân khi có nhu cầu bảo hộ lãnh sự, khi quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại hoặc khi họ rơi vào tình trạng khó khăn có nhu cầu được hỗ trợ giúp đỡ... Điều kiện bảo hộ công dân ở nước ngoài dựa trên cơ sở quốc tịch; yêu cầu bảo hộ của công dân trong những trường hợp trên (tại nhiều địa bàn, yêu cầu bảo hộ có thể xuất phát từ người gốc Việt không quốc tịch, từ công dân Việt Nam nhưng có nhiều quốc tịch);…

 

Cơ sở pháp lý để bảo hộ công dân là pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và pháp luật quốc tế có liên quan. Trong đó, đề tài tập trung nghiên cứu cơ sở pháp luật Việt Nam (Hiến pháp, các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan) và pháp luật quốc tế liên quan (điều ước quốc tế và tập quán quốc tế); pháp luật nước sở tại chỉ mang tính dãn chiếu theo vụ việc (nếu có).

 

Dựa trên cơ sở pháp luật Việt Nam, các thiết  chế bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động với nòng cốt là các cơ quan hữu trách như Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp cùng với các cơ quan trong nước khác dựa trên từng nhóm yêu cầu bảo hộ nhất định. Trong quá trình bảo hộ công dân tại nước ngoài, sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên trách Việt Nam với các cơ quan hữu quan của nước sở tại cũng như hợp tác với các tổ chức quốc tế liên quan đóng vai trò hết sức quan trọng.

 

Tiếp theo, thành viên đề tài, ThS. Phạm Hồng Nhật (Viện Nhà nước và Pháp luật) trình bày về thực trạng bảo hộ công dân Việt Nam là ngư dân đánh bắt cá trên các vùng biển khác nhau cũng như người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài và bảo hộ công dân trong tình trạng khủng hoảng, dịch bệnh.

 

Sau đó, bà Phạm Phương Anh (nguyên Lãnh sự, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Vancouver) phát biểu về thực tiễn bảo hộ công dân ở Vancouver, Canada. Bà cho biết, Vancouver là một trong những thành phố lớn ở Canada, cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở đây rất đông với yêu cầu bảo hộ đa dạng. Đặc điểm của cộng đồng người Việt trong khu vực lãnh sự là một số người có quốc tịch nước sở tại. Bên cạnh đó, nhu cầu được thực hiện các thủ tục lãnh sự là nhiều; một số yêu cầu bảo hộ của công dân Việt Nam liên quan đến các vụ án hình sự cũng có. Trong thực tế, một số vướng mắc nảy sinh cần phải giải quyết khi xung đột giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại khi bảo hộ công dân.

 

Liên quan đến thực trạng bảo hộ công dân tại Thượng Hải, Trung Quốc, Đại sứ Nguyễn Thanh Mai (nguyên Tổng Lãnh sự, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải) nhận xét rằng, pháp luật Trung Quốc quy định nguyên tắc một quốc tịch mang tính chất tuyệt đối nên không có trường hợp công dân Việt Nam đồng thời mang quốc tịch nước sở tại. Chính vì vậy, không có sự xung đột về pháp luật liên quan đến thẩm quyền bảo hộ và các vấn đề khác. Thực tế cho thấy các yêu cầu bảo hộ của công dân Việt Nam tại địa bàn thường liên quan đến các trường hợp sau: (i) Bị bắt, vào tù; (ii) Chết trong khu vực lãnh sự; (iii) Buôn người; (iv) Ngư dân, thuyền viên gặp nạn; (v) Nạn nhân của các vụ lừa đảo; (vi) Nhập cảnh trái phép;...

 

Phần cuối hội thảo dành cho thảo luận và phần trình bày tham luận “Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo hộ công dân” của ThS. Chu Thị Thanh An (Viện Nhà nước và Pháp luật). Tác giả cho rằng, Hiến pháp và các văn bản pháp luật chuyên ngành hiện nay đã tạo khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động của các thiết chế bảo hộ. Tuy nhiên, các cơ sở pháp luật Việt Nam bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài còn nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau dẫn đến khó khăn cho hoạt động bảo hộ. Ngoài ra, một số vấn đề hiện nay chưa được làm rõ như xung đột về thẩm quyền bảo hộ với người có nhiều hơn 1 quốc tịch Việt Nam, cụ thể hóa điều kiện và thủ tục được nhận kinh phí hỗ trợ và vấn đề bồi hoàn,… Trên cơ sở đánh giá trên, ThS. Chu Thị Thanh An đề xuất hai giải pháp chính: (i) Hoàn thiện pháp luật trong nước; (ii) Bổ sung kinh phí và tăng cường nguồn lực trong việc bảo hộ công dân.

 

Phát biểu kết thúc, Chủ nhiệm đề tài, PGS.TS. Lê Mai Thanh cám ơn các thành viên tham dự Hội thảo đã trình bày và thảo luận những nội dung hết sức quan trọng và thiết thực đóng góp vào  quá trình thực hiện đề tài. Bà cho rằng, hiệu quả bảo hộ công dân tại nước ngoài không chỉ phụ thuộc vào cơ sở pháp lý bảo hộ công dân mà còn phụ thuộc vào hoạt động tác nghiệp và sự đồng cảm, mẫn cán của cán bộ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trực tiếp tiến hành bảo hộ công dân cũng như từ chính nhận thức của đối tượng được bảo hộ.

Các tin cùng chuyên mục: