•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp trong xây dựng và thực hiện pháp luật”

26/11/2021
Hội thảo diễn ra ngày 17/11/2021, do Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Văn phòng Viện Konrad Adenauer Stiftung (Viện KAS) tại Hà Nội tổ chức qua hình thức trực tuyến.

 

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các cơ quan ở trung ương và địa phương, các tổ chức, hiệp hội, các doanh nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các giảng viên, các nhà khoa học quốc tế và trên cả nước tham dự thông qua nền tảng trực tuyến.

 

Về phía cơ quan tổ chức hội thảo có sự tham dự của ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Văn phòng Viện KAS Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hà lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; TS. Nguyễn Linh Giang, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; bà Vũ Thị Thu Phương, Quản lý chương trình, Văn phòng Viện KAS Việt Nam. Các nhà khoa học của Viện Nhà nước và Pháp luật đã tích cực tham gia và thảo luận tại các phiên họp của hội thảo.

 

Sau phần phát biểu chào mừng hội thảo của PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và ông Florian Feyerabend, hội thảo bắt đầu phiên thứ nhất với chủ đề “Vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp trong xây dựng pháp luật”. Mở đầu là tham luận của TS. Phan Chí Hiếu (Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) về “Chức năng đại diện cho các thành viên của hiệp hội trong đề xuất sáng kiến lập pháp”. TS. Phan Chí Hiếu nhìn nhận, các hiệp hội đóng vai trò quan trọng hơn trong việc đề xuất chính sách, góp ý về việc xây dựng pháp luật so với các doanh nghiệp đơn lẻ. Bởi lẽ, các hiệp hội không nhân danh một doanh nghiệp cụ thể nào cả nên sẽ giảm thiểu rủi ro khi đưa ra ý kiến của mình. Các hiệp hội cũng có sự am hiểu và có chuyên môn trong xây dựng, phản biện chính sách. Ngoài ra, các hiệp hội có các thông tin không những cụ thể, chi tiết mà còn chuyên sâu và có thực tiễn hoạt động trong ngành, lĩnh vực của mình.

 

Tuy nhiên, các hiệp hội cũng gặp phải những khó khăn, thách thức trong việc tham gia trực tiếp vào việc đệ trình các dự án luật (thể hiện ở quyền được tham vấn và chủ động kiến nghị) như: khó khăn trong việc tìm kiếm và thiết lập quan hệ với cơ quan có liên quan để trình bày và đề xuất sáng kiến; ít có cơ hội trình bày trực tiếp, tham gia các sự kiện liên quan; ít được giải trình rõ ràng, cụ thể.

 

Tiếp theo, bà Marieke Van Der Pijl (Công ty Luật ACSV, Ủy viên Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu ở Việt Nam EuroCharm) đã đưa ra những thông tin cho thấy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp châu Âu trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách pháp luật. Trong đó, sự chủ động của các hiệp hội là một yếu tố rất quan trọng trong xây dựng và thực thi pháp luật.

 

Tham luận của PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng (Đại học Ngoại thương)

 

Sau đó, hội thảo đã nghe PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng (Trưởng Khoa Luật, Đại học Ngoại thương, Tổng thư ký Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam VICMC) trình bày tham luận “Sự tham gia của hiệp hội doanh nghiệp trong giải quyết các tranh chấp kinh tế quốc tế”. Năm 2015, Việt Nam đã quyết định tham gia vào một điều ước quốc tế rất quan trọng trong lĩnh vực thương mại quốc tế là CISG. Đây là công ước quốc tế đầu tiên mà Việt Nam tham gia theo đề xuất của các doanh nghiệp. Trong đó, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã nghiên cứu đề xuất Việt Nam tham gia công ước này khi nhận định việc tham gia công ước sẽ tạo bệ đỡ pháp lý và khung pháp lý công bằng, hiệu quả để các doanh nghiệp Việt Nam giải quyết tranh chấp. Các doanh nghiệp của các hiệp hội đều khẳng định CISG mang lại lợi ích rất lớn cho các doanh nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế.

 

Về việc tham gia của các hiệp hội vào giải quyết các tranh chấp thương mại tại WTO, báo cáo viên đã nêu ra một vụ kiện điển hình về tôm nước ấm đông lạnh, trong đó VCCI và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đề xuất khởi kiện Hoa Kỳ ra WTO, dựa trên sự phân tích khả năng thắng kiện và một số vụ kiện khác. Dựa trên các phân tích trên, tác giả đưa ra một số đề xuất với Chính phủ và các hiệp hội như: Chính phủ cần tạo cơ chế để các hiệp hội tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp, cung cấp chuyên gia, hỗ trợ tài chính và giám sát việc tuân thủ phán quyết; hiệp hội phối hợp thu thập thông tin từ doanh nghiệp để có hệ thống cảnh báo nguy cơ, rủi ro; tăng cường bộ phận chuyên môn pháp lý trong các hiệp hội.

 

Tại phiên này, hội thảo cũng lắng nghe tham luận “Tham gia góp ý các văn bản quy phạm pháp luật của các hiệp hội doanh nghiệp” của ông Đậu Anh Tuấn (Trưởng Ban Pháp chế, VCCI). Bài viết đã đưa ra một bức tranh tổng quan về hoạt động vận động chính sách của hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam hiện nay; phân tích các khó khăn, thách thức trong quá trình vận động chính sách ở Việt Nam và gợi mở một số giải pháp cho tương lai.

 

Tham luận của ông Đậu Anh Tuấn (Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI)

 

Ngoài phần trình bày các tham luận, hội thảo cũng đã nhận được nhiều câu hỏi, trao đổi, thảo luận. TS. Phạm Thị Hương Lan (Viện Nhà nước và Pháp luật) đưa ra câu hỏi rằng việc quy định sáng kiến lập pháp hiện nay có làm mất cơ hội thể hiện ý chí, nguyện vọng trực tiếp của các hiệp hội không? Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, Hiến pháp năm 2013 quy định Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các cơ quan thành viên có quyền trình dự án luật. Trên thực tế, đã có Hội Luật gia Việt Nam trình dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, Luật Trọng tài thương mại. Cá nhân đại biểu Quốc hội cũng đã có sáng kiến lập pháp khi trình dự thảo Luật Hành chính công. Mới đây, VCCI cũng đã đề xuất dự thảo Luật về hội kinh doanh. Tuy nhiên, chất lượng dự thảo luật là rất quan trọng, trước khi trình dự thảo luật cần phải có sự tổng kết về lĩnh vực luật đó. Đến khi ban hành luật phải có nghị định hướng dẫn, liệu các hiệp hội và cá nhân đại biểu Quốc hội có khả năng yêu cầu Chính phủ chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thi hành luật hay không? Ông cho rằng, Quốc hội cần đặt hàng và hỗ trợ nguồn lực, nhân lực thì khi đó quyền hiến định này mới khả thi.

 

Chị Lê Lan Anh (Viện NC Châu Mỹ, Viện Hàn lâm) hỏi PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng về vai trò của hiệp hội trong phòng ngừa rủi ro và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp quốc tế. Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chỉ có quyền chính thức tham gia đề xuất việc điều tra/khởi kiện các vụ kiện tại WTO mà chưa có cơ chế để doanh nghiệp, hiệp hội tham gia sâu hơn vào quá trình giải quyết tranh chấp như nộp các bản đệ trình, cung cấp chuyên gia, cung cấp các bằng chứng. Tất nhiên, các doanh nghiệp, hiệp hội vẫn có thể tham gia nhưng theo cơ chế không chính thức. Các tranh chấp này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của các doanh nghiệp, vì vậy việc có cơ chế tham gia chính thức là rất cần thiết. Về phòng ngừa rủi ro, các doanh nghiệp khi tham gia vào thương mại quốc tế thì vai trò cung cấp thông tin pháp lý, các yêu cầu của thị trường, thông tin về rủi ro từ các đối tác nước ngoài là rất cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp phòng tránh rủi ro.

 

Sau giờ nghỉ giải lao, hội thảo tiếp tục diễn ra phiên thứ hai “Hiệp hội doanh nghiệp trong hoạt động thực hiện pháp luật” với 3 tham luận đến từ 3 hiệp hội. Các bài tham luận tập trung vào các hoạt động thực hiện pháp luật chủ yếu mà các hiệp hội này đã thực hiện trong thời gian qua, chỉ ra các vấn đề và phương hướng khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể là:

            - PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng (Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam) cho biết, 5 năm hoạt động vừa qua, Hội Nuôi biển Việt Nam đã chủ động tham gia góp ý xây dựng nhiều chiến lược, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật. Kinh nghiệm thực tế của Hội Nuôi biển Việt Nam cho thấy hiệu quả của việc tham gia vào xây dựng chính sách, pháp luật của các Hội phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động của Hội.

            - TS. Đinh Thị Mỹ Loan (Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam) đã cung cấp các con số thực tế về số lượng các hiệp hội cũng như chất lượng hoạt động của các hiệp hội ngành hàng trong hoạt động vận động chính sách. Diễn giả cũng đã chỉ ra những thành tựu và cả những tồn tại và yếu kém của các hiệp hội, ngành hàng trong hoạt động phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật và tổ chức hướng dẫn thực hiện pháp luật. Bài viết cũng đã đưa ra các đề xuất hết sức quý giá với thông điệp "Nhìn về tương lai - từ nhận thức đến hành động!".

            - Từ kinh nghiệm hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, bà Trịnh Thị Ngân (Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội) cho rằng, các hiệp hội cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng các cơ chế, chính sách tốt, phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

 

Tại phần thảo luận, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị đăt câu hỏi: doanh nghiệp phải thực hiện "nghiêm chỉnh các quy định pháp luật" hay có quyền "vận dụng pháp luật một cách sáng tạo" các quy định pháp luật? TS. Đinh Thị Mỹ Loan bình luận, phần lớn các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế thì vẫn có các doanh nghiệp không biết mình vi phạm nên vô tư thực hiện nhưng cũng có nhiều trường hợp doanh nghiệp biết sai mà vẫn cứ làm vì lợi ích to lớn mà hành vi sai quy định của pháp luật đem lại. Để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, Nhà nước cần đưa ra các định hướng, quy định để doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật và cần sửa đổi luật kịp thời để phù hợp với thực tế cuộc sống.

 

TS. Nguyễn Linh Giang cho rằng, cá nhân có thể chấp nhận rủi ro khi làm những điều pháp luật không cấm nhưng với doanh nghiệp thì rủi ro quá lớn nên họ còn dè dặt. Ví dụ, một số doanh nghiệp đang đầu tư điện năng lượng mặt trời ở các tỉnh phía Nam, đây là dạng đầu tư có rủi ro chính sách lớn vì thế Nhà nước cần có chính sách rõ ràng và khả thi thì việc thực hiện sẽ chắc chắn hơn. Từ đó, TS. Nguyễn Linh Giang nhìn nhận, các doanh nghiệp cần được tiếp cận thông tin chính thống cũng như tham gia vào việc xây dựng chính sách, pháp luật. Hiệp hội sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước trong quá trình phổ biến thông tin. Hiệp hội cũng là tổ chức nghiên cứu, hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến các thông tin về doanh nghiệp và ngành.

 

Bà Trịnh Thị Ngân cho biết, đúng là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Trong các cơ quan nhà nước thì cơ quan thuế đang thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ doanh nghiệp chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước như những cơ quan khác. Cơ quan thuế đã chủ động gửi và cập nhật các văn bản mới nhất về thuế đến doanh nghiệp. Đối với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, các thông tin liên quan đến doanh nghiệp được cung cấp thường xuyên trên website của hiệp hội. Tuy nhiên, các thông tin chủ yếu liên quan đến doanh nghiệp, còn với những lĩnh vực như đầu tư kinh doanh, đấu thầu, sử dụng đất đai trong đầu tư là những lĩnh vực rất rộng và khó tiếp cận, trong khi các văn bản pháp luật thì quá nhiều và thay đổi hàng ngày nên không thể cập nhật hết được. Vì vậy, bà Ngân đề nghị việc ban hành văn bản pháp luật cần phải có độ trễ để doanh nghiệp cập nhật kịp thời, tránh việc cập nhật, thay đổi pháp luật quá nhanh và quá nhiều.

 

Hội thảo cũng nhận được nhiều các câu hỏi, ý kiến trả lời, thảo luận của các đại biểu, nhà khoa học, đại diện một số hiệp hội về các vấn đề khác nhau liên quan đến chủ đề của hội thảo.

 

Phát biểu tổng kết, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho rằng, tất cả các tham luận trong hai phiên đều cho thấy, hoàn thiện khung pháp luật, nâng cao nhận thức của cả các hiệp hội và cơ quan nhà nước là những công việc cần làm ngay. Nếu doanh nghiệp không chủ động tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và thực thi pháp luật mà đến khi gặp khó mới lên tiếng, có vấn đề mới giải quyết thì sẽ mất đi rất nhiều cơ hội quan trọng trong phát triển kinh tế và đồng thời gây lãng phí nguồn lực, làm gia tăng chi phí. Kết quả của hội thảo sẽ được chuyển tải đến xã hội thông qua các bài báo và Ban tổ chức sẽ soạn thảo một báo cáo súc tích gửi đến các cơ quan hữu quan của Việt Nam nhằm kiến nghị các biện pháp để nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng trong hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh chân thành cảm ơn Viện KAS đã tài trợ cho hội thảo, cảm ơn các diễn giả, các nhà khoa học đã tham dự và cung cấp các tri thức chất lượng cho hội thảo.

Các tin cùng chuyên mục: